Các tổ chức, cá nhân làm thiện nguyện cần phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội

.

ĐNO - Sau khi có những phản ứng trái chiều về Công văn số 5212/UBND-VHXH về việc đề nghị các tổ chức, cá nhân không hỗ trợ trực tiếp lương thực, thực phẩm đến các cơ sở y tế và các khu vực phong tỏa, cơ sở cách ly tập trung, ngày 7-8, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố đã có thông cáo để nói rõ vấn đề trên.

Chính quyền thành phố tiếp tục kêu gọi các tổ chức, cá nhân làm thiện nguyện cần phối hợp với các đầu mối của thành phố. Ảnh: N.P
Chính quyền thành phố kêu gọi các tổ chức, cá nhân làm thiện nguyện cần phối hợp với các đầu mối của thành phố. Ảnh: N.P

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố, ngay từ những ngày đầu tiên khi Covid-19 bùng phát, thành phố Đà Nẵng đã nhận sự hỗ trợ rất tích cực từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn và cả nước. Đây không chỉ là nguồn lực rất lớn, hỗ trợ tích cực, cấp thiết cho các ngành, lực lượng chức năng trực tiếp làm nhiệm vụ, bệnh nhân, người nhà trong các khu vực cách ly, phong tỏa, cơ sở y tế mà còn là nguồn động viên tinh thần rất to lớn.

Sự hỗ trợ kịp thời đó thể hiện được sự đoàn kết, chung tay, sẵn sàng sát cánh cùng chính quyền, các lực lượng chức năng, ngành y tế trong cuộc chiến chống Covid-19. UBND thành phố trân trọng cảm ơn những tình cảm và sự hỗ trợ quý giá đó.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đang diễn ra hết sức phức tạp, lượng người tiếp xúc gần được cách ly tăng cao, lực lượng y tế cũng đã trải khắp các điểm nóng. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, trong 10 ngày đến là cao điểm của Covid-19, do vậy ngày 6-8, UBND thành phố đã có Công văn số 5212/UBND-VHXH triển khai một số nội dung liên quan đến công tác này.

Theo đó, việc tăng cường công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, không nhận trực tiếp thực phẩm (nhất là thức ăn chế biến sẵn) tại các địa điểm cách ly, phong tỏa, các cơ sở y tế là cần thiết nhằm bảo đảm không để xảy ra các sự cố liên quan đến thực phẩm do quá trình chế biến, vận chuyển. Tránh tiếp xúc gần giữa các lực lượng chức năng tại các khu phong tỏa, cách ly, các cơ sở y tế (những người tiếp xúc gần với các nguồn bệnh) và những người đem thực phẩm đến các địa điểm này.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19, hiện nay, thành phố vẫn ghi nhận những ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, nếu không kiểm soát được an toàn vệ sinh thực phẩm các suất ăn sẽ đưa vào các khu phong tỏa, cách ly, các cơ sở y tế, rất có thể sẽ đem theo nguồn bệnh vào những nơi này, như trường hợp đã từng xảy ra tại một số địa phương.

Vì vậy, việc quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là để kiểm soát, bảo đảm sức khoẻ cho đội ngũ y, bác sĩ và các lực lượng ở tuyến đầu phòng, chống dịch, nhất là khi Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C (Bộ Công an) đang được nỗ lực “làm sạch” để có thể tiếp nhận bệnh nhân vào chữa bệnh trong thời gian sớm nhất.

Trong thời gian tới, chính quyền thành phố tiếp tục kêu gọi các tổ chức, cá nhân làm thiện nguyện cần phối hợp với các đầu mối của thành phố tại: Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố, Ủy ban MTTQ Việt nam các quận, huyện, xã, phường để thực hiện việc hỗ trợ, phân phối đều hơn, đến đúng địa chỉ hơn và bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch.

Đối với việc cung cấp thực phẩm, các tổ chức, cá nhân có thể phối hợp với các bếp ăn đã được kiểm định về vệ sinh an toàn thực phẩm; tài trợ thông qua các doanh nghiệp cung cấp suất ăn công nghiệp đang cung cấp cho các bệnh viện, khu cách ly để được hướng dẫn chi tiết, đề nghị các tổ chức, cá nhân vui lòng liên hệ Ban An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố (ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố, số điện thoại: 0914 000 808).

UBND thành phố xin trân trọng cảm ơn và mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong việc phòng, chống, đẩy lùi Covid-19 tại thành phố Đà Nẵng.

NGỌC PHÚ
 

;
;
.
.
.
.
.