Đồng lòng chiến thắng dịch bệnh

.

5 giờ chiều, biển Mân Thái vắng lặng, xa xa lác đác có vài người đi dạo, mặt giấu kín trong chiếc khẩu trang. Cả tuần nay, ông Hai (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) mới quay lại biển tranh thủ những ngày tàu nằm bờ, sửa lại cái thúng chai vốn dùng để di chuyển ra tàu.

Trò chuyện với chúng tôi, ông chậm rãi, tuần trước thôi, tầm này thì biển đông lắm, người dân, du khách tắm biển, ngư dân như chúng tôi chuẩn bị cho buổi đi biển đêm. Hơn tuần nay, Covid-19 quay lại, biển vắng, tàu thuyền không ra khơi để bảo đảm giãn cách xã hội giữa các bạn thuyền. “Lo lắm, cả nhà 7 miệng ăn trông chờ vào chiếc tàu nhỏ đánh bắt cá, Tuy nhiên, vì dịch bệnh, ngư dân chấp nhận để tàu cá nằm bờ”, ông Hai khẳng định.

Chia tay ông Hai, chúng tôi dạo một vòng quanh thành phố, ở đâu cũng cảm nhận không khí vắng lặng, khác hẳn sự sôi động trước đây. Ngồi trước một nhà hàng hải sản nổi tiếng nằm trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp, anh T. T. H, bảo vệ duy nhất còn trụ lại ở nhà hàng chia sẻ: “Lúc trước, nhà hàng có đến 4 bảo vệ, bây giờ chỉ còn mình tôi, lương lại giảm 50% so với trước. Tuy nhiên, tôi vẫn bám trụ phần vì thông cảm và chia sẻ với chủ, phần vì lúc này có được việc làm là quý lắm”.

Vào trung tâm thành phố, ở những tuyến phố nổi tiếng mua bán sầm uất như: Lê Duẩn, Hàm Nghi, Hùng Vương, Nguyễn Văn Linh, Phan Châu Trinh... chung cảnh cửa hàng đóng cửa im ỉm, thi thoảng có vài cửa tiệm bán nhu yếu phẩm còn mở cửa và treo biển thông báo “Quý khách vui lòng đứng trước vạch kẻ”, “Vui lòng giữ khoảng cách đúng 2 mét”...

Chị Lê Thị Kiều, kinh doanh thực phẩm trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh cho biết: “Gia đình tôi vừa nhập về lượng trái cây trị giá trăm triệu đồng, rất sốt ruột nhưng tôi quyết tâm bán hàng bảo đảm giãn cách xã hội. Theo đó, trong cùng 1 thời điểm, có nhiều nhất 2 khách được vào quán, khách phải mang khẩu trang, sát khuẩn tay cẩn thận trước khi vào. Những khách còn lại vui lòng đứng đợi bên ngoài theo vạch kẻ cách nhau 2m. Mong rằng, sự quyết tâm đó của tôi sẽ là chút đóng góp vào công sức của các cấp chính quyền, của lực lượng chức năng đang ngày đêm chống dịch”.

Sau đợt dịch đầu tiên, việc kinh doanh của người dân thành phố dần phục hồi, đặc biệt lĩnh vực dịch vụ, du lịch cho thấy tín hiệu tốt khi dòng khách du lịch nội địa tăng mạnh. Chính vì vậy, nhiều người mạnh dạn vay vốn tiếp tục mở rộng để đón khách du lịch dịp hè và Tết. Ông Lê Thanh Bình, chủ nhà nghỉ trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành cho biết, gia đình đã vay thêm 300 triệu đồng để nâng cấp nhà nghỉ, tổ chức tuyển dụng lại nhân viên. Khi mọi việc bắt đầu dần trở lại với lượng khách ngày một tăng thì dịch tái bùng phát, nhà nghỉ tạm thời đóng cửa.

Cho dù thiệt hại kinh tế nhưng ông Bình nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ, tuyệt đối không vì kinh tế mà lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh. “Tôi hy vọng trong trường hợp bất khả kháng như Covid-19, các ngân hàng sẽ thực hiện những chính sách linh động hơn như cho phép người dân chỉ trả trước phần lãi, còn phần gốc nên lùi lại. Thậm chí với các trường hợp quá khó khăn thì nên “giãn nợ”, đến khi nào dịch qua đi sẽ tiến hành trả đủ cả lãi lẫn gốc cho ngân hàng”, ông Bình nói.

Theo một cán bộ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, thời điểm hiện nay chưa thể thực hiện việc hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19. Tất cả sức người, sức của tập trung cao độ cho việc chống dịch, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về con người. Tuy nhiên, về lâu dài, người lao động nghèo, hộ kinh doanh cá thể rất cần sự quan tâm hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ, thành phố và các địa phương.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích