Chiều 2-8, chủ trì cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các các tỉnh, thành phố trên toàn quốc về phòng, chống Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục nhấn mạnh tinh thần kiên quyết khoanh vùng dập dịch và giãn cách xã hội ở khu vực có dịch trong cộng đồng cũng như phải thực hiện được mục tiêu kép trong lúc toàn cầu gặp khó khăn. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì điểm cầu tại Đà Nẵng.
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa (trái) kiểm tra tiến độ xây dựng bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn sáng 2-8. Ảnh: PHAN CHUNG |
Mỗi gia đình là một pháo đài chống dịch
Dự báo Covid-19 sẽ tiếp tục lan rộng nếu không khoanh vùng, dập dịch hiệu quả. Vì thế, quan điểm, tinh thần của Chính phủ là không lơ là, chủ quan. Các cấp phải xem đây là nhiệm vụ chính trị, khởi động tối đa hệ thống y tế để tăng cường các biện pháp cần thiết. Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tiếp tục quản lý chặt chẽ biên giới; có biện pháp quản lý, điều trị các bệnh nhân nặng để hạn chế tử vong; tranh thủ từng giờ từng phút để truy vết, lấy mẫu xét nghiệm… “Bằng mọi biện pháp phải kêu gọi người dân tăng cường, chủ động tham gia phòng, chống dịch bệnh. Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi thôn làng, khu phố là một pháo đài chống dịch, chúng ta phải bảo vệ gia đình, thôn, bản mình trước làn sóng dịch bệnh mới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, đặc biệt là địa phương có dịch bệnh phải bình tĩnh, chủ động, kiên quyết phòng ngừa để ngăn ngừa làn sóng thứ 2 của đại dịch Covid-19, không để lây lan trên diện rộng, không để xuất hiện thêm các ổ dịch mới. Yêu cầu số 1 trong thời điểm này là không chủ quan nhưng cũng không hoang mang, dao động…
Trước thực tế dịch bệnh xuất hiện ở một số cơ sở y tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương, trong đó có Đà Nẵng triển khai, duy trì các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các bệnh viện; bảo đảm những nhân viên y tế trong khu vực ghi nhận ca nhiễm Covid-19 được theo dõi sức khỏe, sàng lọc và xét nghiệm SARS-CoV-2 kịp thời kỹ lưỡng. Đây là cuộc chiến dài hơi, nên việc chăm sóc sức khỏe cho những nhân viên y tế tuyến đầu cũng được ưu tiên. Các địa phương tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, kiên quyết khoanh vùng dập dịch, điều tra dịch tễ, truy vết những trường hợp có nguy cơ. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục huy động, sử dụng nhân lực, trang thiết bị máy móc, nhu yếu phẩm, vật tư y tế sẵn sàng cung ứng cho các địa phương có nhu cầu cao về phòng, chống dịch bệnh. Các bệnh viện, nhân viên y tế có chuyên môn điều trị Covid-19 sẵn sàng nhận nhiệm vụ tăng cường cho các tỉnh, thành khác trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ báo cáo tình hình dịch bệnh tại địa phương, các biện pháp đã và đang triển khai. Công tác xét nghiệm, truy vết, cách ly, phong tỏa và dập dịch vẫn đang được triển khai quyết liệt tại Đà Nẵng. Lãnh đạo thành phố cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ Đà Nẵng đẩy mạnh công tác điều tra, dịch tễ, truy vết và xét nghiệm những trường hợp có nguy cơ cao bởi đây là những yếu tố quyết định đến sự thành công trong phòng, chống dịch bệnh của địa phương. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đang cần sự hỗ trợ chuyên môn, quản lý, trang thiết bị, sinh phẩm, hóa chất, nhân viên có tay nghề từ Bộ Y tế và các địa phương có khả năng, đặc biệt trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tại đây luôn ghi nhận mỗi ngày.
Phát biểu tại cuộc họp, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam lây lan và số ca nhiễm tăng rất nhanh. Đợt dịch này tốc độ lây nhiễm rất cao so với tháng 4. Riêng tại Đà Nẵng dịch bệnh đã xuất hiện từ tháng 7 và qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm với nhiều trường hợp mắc bệnh khác nhau ở ngoài cộng đồng, vì vậy việc truy vết F0 không có tính khả thi. Ngoài các trường hợp mắc bệnh ngoài cộng đồng đều có yếu tố liên quan đến ổ dịch Bệnh viện Đà Nẵng, cơ quan chức năng còn ghi nhận thêm 6 trường hợp lây nhiễm tại cộng đồng chưa tìm hiểu được mối liên quan nào. Vì thế Bộ Y tế dự đoán có một số ổ dịch trong cộng đồng đã tồn tại và có thể tiếp tục lây nhiễm.
Nói về mức độ nguy hiểm đợt dịch lần này, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết thêm, hệ số lây nhiễm có thể từ 6-10, trong khi hệ số lây nhiễm tại ổ dịch Bạch Mai trước đây chỉ khoảng 1,8-2,2. Bộ Y tế dự báo dịch bệnh sẽ tiếp tục gia tăng và lây lan nhanh tại nhiều địa phương trên cả nước, số trường hợp mắc được phát hiện sẽ vẫn tập trung lớn là các trường hợp có liên quan dịch tễ đến Bệnh viện Đà Nẵng. Tình hình dịch bệnh hiện nay rất phức tạp và khó lường, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của đất nước.
Gấp rút hoàn thiện bệnh viện dã chiến
Sáng 2-8, kiểm tra tiến độ xây dựng bệnh viện dã chiến tại Cung Thể thao Tiên Sơn, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa yêu cầu các sở, ngành phối hợp với đơn vị thi công gấp rút triển khai xây dựng, bảo đảm các yếu tố kỹ thuật, an toàn để bệnh viện sớm được đưa vào sử dụng trong thời gian sớm nhất. Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh, đây là mô hình bệnh viện đầu tiên trong cả nước được gấp rút triển khai để phòng, chống Covid-19, nên ngoài yếu tố tiến độ, việc bảo đảm chất lượng đúng quy định trong xây dựng và hoạt động chuyên môn là ưu tiên hàng đầu. “Sở Xây dựng khảo sát, đánh giá tình hình, đồng thời tiến hành các bước cần thiết theo đúng kế hoạch đề ra cũng như bảo đảm các yêu cầu, tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng. Sở Y tế nghiên cứu trang thiết bị thu dung, điều trị, kiện toàn nhân lực trên cơ sở bảo đảm yêu cầu của Bộ Y tế”, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa chỉ đạo. Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa yêu cầu các đơn vị liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa để đơn vị thi công hoàn thành đúng tiến độ.
Ghi nhận tại hiện trường sáng 2-8, hàng trăm công nhân đang được huy động để xây dựng phần khung bệnh viện. Các nguyên vật liệu như vách ngăn buồng phòng, thảm lót sàn, khung giường bệnh… liên tục được tập kết, vận chuyển vào bên trong. Theo đơn vị thi công, chậm nhất trong ngày 3-8, phần khung của bệnh viện, gồm vách ngăn buồng phòng, giường bệnh sẽ được hoàn thiện. Tiếp theo đó, đơn vị thi công sẽ tiến hành lắp đặt điện, nước phục vụ bệnh viện. Theo Sở Y tế, sau khi xin ý kiến của Bộ Y tế, các trang thiết bị phục vụ điều trị, khám chữa bệnh đang được chuẩn bị, mua sắm. Ngành Y tế cũng đang kiện toàn đội ngũ lãnh đạo, điều hành bệnh viện dã chiến để trình Bộ Y tế xem xét, thông qua.
Điều chỉnh chiến lược điều trị
Bàn về những biện pháp cụ thể tại Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, chỉ huy “Bộ Chỉ huy tiền phương, chống Covid-19 tại Đà Nẵng” cho biết, đến nay, ngành y tế đã thực hiện 6 cuộc hội chẩn quốc gia về các trường hợp nhiễm Covid-19 tại Đà Nẵng. Công tác giám sát, truy vết, điều tra dịch tễ tiếp tục mở rộng, tăng tốc. Tuy nhiên, theo ghi nhận của lãnh đạo Bộ Y tế, vẫn còn tình trạng tụ tập trong cộng đồng, vi phạm các quy định về giãn cách xã hội. “Cần phải xử lý dứt điểm tình trạng này bởi cách ly xã hội là rất quan trọng. Tình hình Đà Nẵng hết sức phức tạp, bên cạnh thần tốc, triệt để việc truy vết F1, người dân phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, đó là hãy ở yên trong nhà, không gặp ai, chỉ ra đường khi thực sự cần thiết”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng phân tích mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Ảnh: PHAN CHUNG |
Trước tình hình cấp thiết tại Đà Nẵng, Bộ Y tế tiếp tục điều động nhân lực, tăng cường, hỗ trợ trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ thành lập kho dự trữ quốc gia đặt tại Đà Nẵng. Đây sẽ là nơi tập kết các trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm, hóa chất, vật tư y tế để tăng cường cho địa phương tùy vào tình hình thực tế.
Hiện các bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Đà Nẵng đã được chuyển ra Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và Bệnh viện dã chiến huyện Hòa Vang. Theo tính toán của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố, Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện C Đà Nẵng là 2 cơ sở y chủ lực, điều trị các bệnh nhân có bệnh lý nặng. Việc phát hiện ca nhiễm Covid-19 và phong tỏa 2 cơ sở y tế này là một bất lợi lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân. “Trước tình hình đó, thành phố quyết định điều chỉnh chiến lược điều trị.
Theo đó, các bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại 2 cơ sở y tế này sẽ được chuyển đi, đồng thời thành phố sẽ tiến hành làm sạch 2 bệnh viện, tiến hành phun hóa chất khử trùng toàn bộ khuôn viên, cơ sở, trang thiết bị bên trong. Hiện tại, các nhân viên y tế tại 2 cơ sở này đã được xét nghiệm SARS-CoV-2 để khoanh vùng, xác định yếu tố nguy cơ. Thời gian tới chúng ta tiếp tục xét nghiệm lần 2, đến khi đủ yếu tố an toàn sẽ mở cửa 2 bệnh viện trở lại để khám, điều trị cho các bệnh nhân không nhiễm Covid-19 như nhiệm vụ bấy lâu nay”, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố cho biết.
Theo Giám đốc Sở Y tế Ngô Thị Kim Yến, hiện ngành y tế phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác giám sát các biện pháp phòng, chống Covid-19 tại cộng đồng. Theo đó, Tổ giám sát Covid-19 tại cộng đồng đã được kích hoạt trên địa bàn thành phố, dựa trên mô hình hoạt động của các tổ dân phố trước đây. Tổ giám sát cộng đồng sẽ do các Bí thư chi bộ, tổ trưởng, hội phụ nữ địa phương đảm nhận, mỗi tổ gồm 3 thành viên, thực hiện giám sát từ 30-40 hộ dân trong khu dân cư.
Xét nghiệm khoảng 10.000 mẫu/ngày Với sự hỗ trợ của Bộ Y tế, hiện nay Đà Nẵng đang gấp rút nâng cao năng lực xét nghiệm. Theo đó, Đà Nẵng đã hoàn chỉnh 3 cơ sở xét nghiệm gồm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Ngoài ra, 2 labo xét nghiệm đang được gấp rút lắp đặt, hoàn thiện tại Bệnh viện 199, Bộ Công an và Bệnh viện C17, Bộ Quốc phòng. Dự kiến khi 5 cơ sở xét nghiệm SARS-CoV-2 hoàn thiện, Đà Nẵng sẽ nâng số lượng mẫu bệnh phẩm được phân tích và cho kết quả khoảng 10.000 mẫu/ngày. Điều này phù hợp với tình hình thực tế, khi số ca mắc trong cộng đồng tăng cao, Đà Nẵng phải ưu tiên, tập trung xét nghiệm kháng nguyên theo kỹ thuật RT-PCR để cách ly, tìm ra F1, F2 chính xác, hơn là sử dụng phương pháp test nhanh kháng thể theo kỹ thuật Elisa. |
Tính đến 21 giờ ngày 2-8, Việt Nam có tổng cộng 620 ca mắc Covid-19, trong đó 307 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Trong số 620 ca mắc Covid-19, có 373 người đã khỏi, 6 ca tử vong. (Nguồn Bộ Y tế) |
PHAN CHUNG