KỶ NIỆM 75 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH 2-9 (1945-2020)

Buổi lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh giữa lòng địch

.

Nằm sát khu căn cứ quân sự Nước Mặn của Mỹ nhưng bất chấp sự kìm kẹp, đàn áp gắt gao của địch, cán bộ, đảng viên và nhân dân căn cứ lõm K20 đã tổ chức lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh rất trang nghiêm, thành kính. Buổi lễ đặc biệt ấy được tổ chức tại chùa Khuê Bắc ngày 8-9-1969.

Căn cứ cách mạng K20 nay thuộc khu dân cư Đa Mặn, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn. Đã hơn 50 năm trôi qua, nhưng ký ức về buổi lễ truy điệu thiêng liêng hôm đó vẫn không thể nào quên được đối với những người từng tham dự. Tôi may mắn gặp lại một số nhân chứng của buổi lễ truy điệu đặc biệt ấy gồm: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Thị Thơ (hiện là Trưởng ban Liên lạc K20), ông Nguyễn Hạnh (Phó Ban Liên lạc K20) và các nhân chứng khác. Năm nay các ông, bà đều ở tuổi thất thập cổ lai hy.

Ông Nguyễn Hữu Xênh - một nhân chứng kể: “Hồi đó, sau khi hay tin Bác mất, cả cánh đồng Khuê Bắc vắng người đi làm, suốt cả tuần như thế. Không ai buồn ra đồng làm cả. Ai cũng rụng rời chân tay. Người này mách với người kia, nhà này báo với nhà kia, cứ thế truyền khẩu tin Bác Hồ mất. Do hoạt động trong lòng địch, nên cách báo tin cũng rất đặc biệt”. Ông Nguyễn Hạnh, khi đó là du kích địa phương, kể: “Nghe tin Bác Hồ mất, chúng tôi ai nấy đều sững sờ, buồn thương vô hạn. Gặp nhau là muốn khóc, mà bấm bụng phải ngăn không cho nước mắt trào ra, bởi kẻ địch luôn cận kề, thấy biểu hiện khác thường là chúng để ý theo dõi”.

Để tỏ lòng tiếc thương vô hạn, sự tôn kính đối với vị lãnh tụ kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, Quận ủy quận Ba đã chỉ đạo tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ ngay tại căn cứ K20. Từ mờ sáng ngày 8-9-1969, từng người dân Đa Mặn, Mỹ Thị, Bà Đa lặng lẽ kéo về chùa Khuê Bắc. Mọi người đều được phát băng tang và thực hiện nghi thức dâng hương trước bàn thờ Bác. Bà Nguyễn Thị Được (thường gọi là Bốn Rẫm), Bí thư Chi bộ K20, đọc điếu văn tiễn đưa Người. Giữa trùng vây kẻ thù nhưng buổi lễ được tổ chức rất trang trọng, bí mật và an toàn như thể ở vùng giải phóng.

Ông Nguyễn Hạnh nhớ lại: “Sau khi được phân công phụ trách tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ, chúng tôi phải thành lập ngay gia đình phật tử, bởi như thế mới qua được mắt địch. Huynh trưởng là tôi, bà Thơ là Chị trưởng, ông Nguyễn Thái làm Đoàn trưởng nam, chị Nguyễn Thị Thông (đã mất) làm Đoàn trưởng nữ, ông Nguyễn Hữu Xênh làm thư ký và rất nhiều đoàn viên thanh niên tham gia vào gia đình phật tử chùa Khuê Bắc.

Chúng tôi lên nhiều phương án đề phòng. Vòng ngoài là các phật tử, đạo hữu, vòng trong là du kích, đảng viên, cán bộ. Khi đang tổ chức lễ, nếu địch vào thì vòng ngoài sẽ niệm phật “A di đà Phật” để phát ám hiệu cho bên trong biết đối phó. Bên trong, người đeo băng tang đen sẽ lật lại thành màu vàng để phù hợp với buổi lễ phật. Việc tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ, nếu địch vào sẽ biến thành buổi lễ Phật. Có gần 200 người cùng tham dự gồm cán bộ, đảng viên, du kích cho đến đạo hữu, phật tử… và buổi lễ diễn ra trong vòng 1 giờ đồng hồ (khoảng 2-3 giờ chiều), bảo đảm bí mật, an toàn”.

Bà Huỳnh Thị Thơ kể, Chi bộ K20 giao trách nhiệm chuẩn bị tổ chức lễ truy điệu Bác cho Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên, bà là Bí thư Chi đoàn, ông Hạnh là Phó Bí thư Chi đoàn đã tập hợp đoàn viên phân công nhiệm vụ cụ thể. Đến khi xong xuôi kế hoạch chi tiết, Chi bộ thống nhất chọn ngày 8-9 tổ chức. Đến giờ làm lễ, ai ở vị trí đó, phương án xử lý tình huống khi địch phát hiện, xông vào như thế nào, ai cũng phải nắm rõ.

Ông Huỳnh Ngọc Thiệt, một nhân chứng khác nhớ lại: Tại thời điểm tổ chức lễ truy điệu có mười mấy tên lính ngụy tấp vào. Khi đến vòng ngoài, một bộ phận phật tử đã giải thích với chúng là làm lễ Phật, nên chúng bỏ đi. “Hôm ấy mà bị lộ thì từ cán bộ lãnh đạo Quận ủy, Quận đội, an ninh quận, chi bộ, đoàn viên và nhân dân K20 chắc bị địch quét sạch. Chùa Khuê Bắc, nơi diễn ra lễ truy điệu chỉ cách lô cốt canh giữ và kiểm soát của địch 50m, cách đồn địch hơn 100m”, ông Thiệt nói.

Ông Thiệt cho biết, mọi người đều nhớ và tiếc thương Bác vô hạn nhưng ngay tại buổi lễ, tất cả chỉ khóc thầm, nuốt nghẹn ngào, đau thương vào lòng. Trong phút mặc niệm trang nghiêm, mọi người đều thầm khấn thề với Bác quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để giải phóng quê hương, đất nước.

Sau buổi lễ ấy, phong trào cách mạng ở quận Ba như được tiếp sức phát triển mạnh hơn bao giờ hết. Dưới sự lãnh đạo của Quận ủy và Chi bộ K20, quân và dân khu căn cứ lõm tiếp tục cùng nhân dân thành phố và cả nước ra sức chiến đấu cho đến ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-1975) và ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975).

Những con người kiên trung, mưu trí, tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ ngay giữa lòng địch có người đã ngã xuống và những người còn sống tiếp tục đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng cuộc sống mới ngay tại mảnh đất lịch sử này. Nhưng sự kiện đặc biệt ấy mãi mãi đi vào sử sách như một mốc son chói lọi về lòng kiên trung của Đảng và nhân dân K20 hướng về Bác Hồ muôn vàn kính yêu.

TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.