Theo Ban Chỉ đạo tiền phương và phóng viên TTXVN tại các địa phương, tính đến 20 giờ ngày 28-10, bão số 9 đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Các bảng hiệu trên những tuyến phố thành phố Quy Nhơn bị đổ sập gây ảnh hưởng đến đường dây điện. Ảnh: Phạm Kha/TTXVN |
Ngoài số người bị thương và mất tích, hiện có 360 xã đang bị mất điện do cột điện, trụ điện bị gió quật ngã đổ. Ngành Điện đã chủ động cắt điện chống bão (Đà Nẵng 11 xã, Quảng Nam 56 xã, Quảng Ngãi 145 xã, Bình Định 97 xã, Phú Yên 51 xã). Hệ thống điện mặt trời tỉnh Bình Định bị hư hại.
Đối với hai sự cố tàu của tỉnh Bình Định bị chìm trên biển ngày 27-10. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điều 2 tàu Hải quân và 2 tàu kiểm ngư từ Cam Ranh ra cứu hộ.
Để chủ động ứng phó với bão số 9, Ban Chỉ đạo tiền phương đề nghị các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão theo dõi sát diễn biến của bão, mưa lũ sau bão; tổng hợp thiệt hại và triển khai khắc phục hậu quả thiên tai (đặc biệt là tỉnh Quảng Ngãi).
Các địa phương chịu ảnh hưởng bão số 9 đã chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với ngành giao thông tổ chức phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông. Các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Định cấm các phương tiện lưu thông từ tối 27-10. Các công sở, nhà máy, xí nghiệp cho người lao động nghỉ việc ngày 28-10, trừ các lực lượng thực thi nhiệm vụ phòng chống thiên tai.
Các tỉnh, thành phố triển khai lực lượng tìm kiếm cứu nạn thuyền viên trên hai tàu cá Bình Định; sẵn sàng lực lượng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; kiểm soát, đảm bảo an toàn giao thông cho đến khi bão tan; vận hành hồ chứa phù hợp, giảm lũ cho hạ du và đảm bảo an toàn công trình, đặc biệt trên sông Vu Gia-Thu Bồn.
Các địa phương đã tăng cường lực lượng trực ban, chia sẻ thông tin kịp thời về công tác chỉ đạo điều hành ứng phó khắc phục hậu quả; chỉ đạo ứng phó mưa lũ khu vực thấp trũng và khu vực Tây Nguyên; tổ chức họp Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố thường xuyên để kịp thời chỉ đạo công tác ứng phó.
* Tại tỉnh Kon Tum, mưa lớn gây ngập lụt gây chia cắt 2 thôn với 259 hộ và 1.225 người tại xã Ngọk Réo, huyện Đắk Hà, một cầu treo huyện Kon Rẫy bị cuốn trôi, chia cắt 115 hộ với 680 người thôn 11, xã Đắc Ruồng; sạt lở gây ách tắc giao thông tại 14 điểm trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Huyện Kon Plông đã di dời 47 hộ dân tại các điểm dân cư bị sạt lở đến nơi an toàn. Huyện Đăk Glei di dời một điểm tái định cư thôn Kon Năng với 37 hộ (105 nhân khẩu). Huyện Tu Mơ Rông di dời 15 hộ dân dưới hạ lưu đập Thủy điện Đăk Trang. Huyện Kon Rẫy di dời với 120 hộ (673 nhân khẩu) ở xã Đăk Ruồng và hai hộ dân tại thôn 1, xã Tân Lập nằm trong vùng có nguy cơ ngập lụt đến nơi an toàn.
Nước trên các sông suối dâng cao làm đường vào làng Mô Pả, xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông bị chia cắt. Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN |
Đặc biệt, tại xã Đăk Pek, huyện Đăk Glei, tình trạng ngập lụt đang diễn ra nghiêm trọng tại 11 thôn, làng. Khoảng 50% trong tổng số 2.400 hộ của xã đã bị cô lập, không thể di chuyển. Chính quyền địa phương đã di dời, sơ tán được khoảng 100 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
* Tại tỉnh Gia Lai, bão số 9 đã ảnh hưởng và gây thiệt hại lớn trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Đến cuối ngày 28-10, tỉnh Gia Lai đã có một người chết do ảnh hưởng của bão số 9 cùng nhiều nhà ở bị tốc mái, công trình giao thông bị hư hỏng, nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Thống kê ban đầu, bão đã 3 ngôi nhà bị sập hoàn; 181 ngôi nhà bị tốc mái. Bão số 9 đã làm tốc mái 2 nhà giáo viên tại huyện Kông Chro, 2 trường mẫu giáo tại huyện Chư Sê và huyện Kbang. Nhiều điểm trường bị sập mái nhà xe, tường rào. Các công trình văn hóa cũng bị hư hỏng.
Ảnh hưởng nặng nề nhất do cơn bão số 9 gây ra ở Gia Lai là ở ngành nông nghiệp với 77 hecta lúa bị đổ ngã, 4,2 hecta rau màu, 300 hecta mía tại huyện Kbang, 0,7 hecta diện tích cây ăn trái tại huyện Phú Thiện và hơn 200 trụ tiêu ở huyện Đăk Đoa bị ngã, đổ. Ngoài ra, chăn nuôi, thủy sản bị ảnh hưởng nặng. Các công trình công nghiệp như trụ điện, trụ sở Ủy ban xã, cây xanh khu vực trung tâm thành phố Pleiku bị gãy đổ nhiều.
Trước tình hình diễn biến mưa, bão hết sức phức tạp, tỉnh Gia Lai tiếp tục yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa lũ, vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện để có phương án ứng phó kịp thời. Rà soát, sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, tổ chức các lực lượng xung kích ứng trực 24-24 tại các điểm xung yếu có nguy cơ lở đất, lũ quét, khu vực ngầm tràn để cảnh báo, hạn chế qua lại, tránh nguy hiểm cho người dân. Khẩn trương khắc phục các thiệt hại ban đầu về nhà ở, trường học, trạm y tế…
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai đã có thông báo tiếp tục cho học sinh trên toàn tỉnh tiếp tục nghỉ học vào ngày 29-10-2020.
* Tại tỉnh Đắk Lắk, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đến 16 giờ ngày 28-10, bão số 9 đã làm một người chết và hàng nghìn ha cây trồng bị ảnh hưởng, thiệt hại.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9, lượng mưa tính từ 19 giờ ngày 27-10 đến 16 giờ ngày 28-10 trên địa bàn tỉnh phổ biến từ 20,0 - 40,0 mm, đặc biệt tại trạm Ea Sol, huyện Ea H’leo là 98,2 mm; trạm Ea Sin, huyện Krông Búk là 83,4 mm; trạm Cư Klông, huyện Krông Năng là 68,4 mm; trạm Ia Lốp, huyện Ea Súp là 63,2 mm; trạm Ea Pil, huyện M’Đrắk là 60,4 mm.
Bão số 9 đã làm 1 người chết; 6 căn nhà, 4 điểm trường tại các huyện M’Đrắk, Ea Kar, Krông Năng bị tốc mái, ảnh hưởng.
Về sản xuất nông nghiệp theo thống kê sơ bộ của các địa phương có hơn 1.000 ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng (chủ yếu là cây ngô, sắn, mía ở địa bàn huyện M’Đrắk).
Hoàn lưu bão số 9 vẫn đang tiếp tục ảnh hưởng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, lượng mưa phổ trên địa bàn tỉnh đêm 28-10 và ngày 29-10 từ 40,0-70,0mm. Vì vậy, các địa phương cần đề phòng xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên các sông suối nhỏ, ngập lụt cục bộ tại các huyện M’Đrắk, Ea Kar, Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Pắc, Krông Ana, Cư Kuin, Krông Búk, Ea H’leo, Krông Năng, Thành phố Buôn Ma Thuột và các vùng lân cận.
* Tại Quảng Trị, đến tối 28-10, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9, tỉnh có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Đặc biệt là đã có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 60-130mm, có nơi cao hơn. Mưa lớn đã khiến nước sông dâng cao, làm ngập một số cầu tràn thuộc hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa gây chia cắt giao thông.
Dự báo đêm 28-10, mực nước trên các sông ở Quảng Trị tiếp tục lên do mưa lớn. Để ứng phó với mưa lũ, tỉnh Quảng Trị đã lên phương án di dời trên 8.500 hộ với gần 26.000 người ở 82-124 xã, phường, thị trấn để tránh ngập lụt. Trường hợp ngập lụt diễn ra nghiêm trọng, tỉnh di dời trên 15.300 hộ với trên 49.000 người ở 98-124 xã, phường, thị trấn. Tỉnh dự kiến sơ tán 514 hộ với trên 2.200 người ở hai huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông sinh sống trong vùng nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.
TTXVN