Thương về miền Trung

.

Dải đất miền Trung nghèo khó đang trong những ngày chồng chất khó khăn vì lũ chồng lũ, bão chồng bão. Hàng chục ngàn ngôi nhà chìm trong biển nước. Tài sản, hoa màu, vật nuôi..., công sức bao năm lam lũ, tằn tiện của người dân phút chốc mất sạch trong dòng nước lũ. Cái đói, cái lạnh và cả nguy cơ mất mạng ập đến với họ nhanh không ngờ.

Khi những hình ảnh thương tâm này xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội thì rất nhanh, hàng triệu tấm lòng người dân đất Việt lại hướng về bà con miền Trung. Những ngày qua trên tuyến quốc lộ 1A, hàng dài các loại phương tiện chở đầy hàng hóa, nối đuôi nhau hướng về nơi đồng bào miền Trung đang dầm mình trong lũ.

Từ Nam chí Bắc, miền ngược hay miền xuôi, trong từng thôn xóm cho đến từng tổ dân phố như cùng chung guồng quay vận động, quyên góp, người ít kẻ nhiều tùy tâm, tất cả cùng chung mong mỏi tấm lòng của mình sớm nhất, nhanh nhất đến với bà con đang đói rét trong nước lũ. Nhiều khu phố ở Hà Nội, Đà Nẵng, Vinh, Thành phố Hồ Chí Minh... nhiều đêm liền đỏ lửa, nấu bánh chưng, bánh tét để kịp cho những chuyến xe “thương về miền Trung” sớm đến với bà con. Nhiều cụ già chống gậy đi quyên góp từ số tiền dành dụm tuổi già phòng lúc ốm đau của mình, nhiều trẻ em lấy tiền ăn vặt ủng hộ bà con vùng bão lụt.

Chính trong khó khăn, hoạn nạn đó, người dân mọi miền còn hiểu hơn những tấm lòng nhân ái, hết lòng tận tụy với nhân dân vùng lũ. Đó là hình ảnh những chiến sĩ bộ đội, công an, cán bộ Mặt trận, đoàn thể địa phương nhiều ngày liền dầm mình trong mưa lũ, bất chấp nguy hiểm để vận chuyển từng món quà cứu trợ kịp thời đến với người dân.

Đó là hình ảnh những “người của công chúng” như ca sĩ Thủy Tiên, Mỹ Tâm... và nhiều văn nghệ sĩ đích thân kêu gọi, bất chấp nguy hiểm mang quà hỗ trợ đến trao tận tay từng nhà dân trong rốn lũ. Đạo lý “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân” của dân tộc lại thêm một dịp để nhân lên, lan tỏa. Tình làng nghĩa xóm, hoạn nạn có nhau chưa bao giờ cộng hưởng và thăng hoa đến vậy.

Trong cuộc chạy đua với thiên tai, tất cả các mạnh thường quân đều cố gắng nhanh nhất có thể để làm sao thực phẩm, áo quần, thuốc men... và cả tiền bạc sớm đến với người dân vùng lũ, vì vậy, đâu đó có sự chồng chéo, chưa đúng người, đúng quà, người ít người nhiều cũng là điều dễ hiểu và hoàn toàn thông cảm được.

Thậm chí có ý kiến lo ngại về việc làm sao sử dụng đúng mục đích và minh bạch số tiền quá lớn do một số tổ chức, cá nhân huy động được. Và cũng có cả ý kiến cho rằng những tổ chức, cá nhân quyên góp tiền để ủng hộ bà con vùng lũ sẽ vi phạm Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14-5-2008 của Chính phủ vốn quy định cụ thể 3 nhóm tổ chức, đơn vị được vận động và phân phối tiền, hàng cứu trợ...

Thế nhưng cũng rất nhanh, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và một số đại biểu Quốc hội đã lên tiếng khẳng định việc tổ chức, cá nhân quyên góp ủng hộ, giúp đỡ bà con vùng lũ không vi phạm Nghị định số 64/2008/NĐ-CP, ngược lại cần được khuyến khích nhân rộng. Đặc biệt, ngày 23-10, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã ký văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về việc xây dựng nghị định mới để thay thế cho Nghị định số 64/2008/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục thiên tai, hỏa hoạn, bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo... vốn không còn phù hợp với thực tiễn.

Văn bản còn nêu rõ ý kiến Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ và các cơ quan liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động cứu trợ đúng địa chỉ, đối tượng, đúng quy định pháp luật...

Hầu hết các tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp... khi vận động, quyên góp và vận chuyển hàng cứu trợ đến bà con vùng lũ đều được các cấp chính quyền địa phương trong vùng lũ hỗ trợ, giúp đỡ nhiều từ việc cử người tham gia đoàn, cùng khuân vác, chỉ đường, cũng như cung cấp phương tiện ghe thuyền để tấm lòng các nhà hảo tâm sớm đến với bà con.

Nghĩa cử, hình ảnh đẹp đó đã và đang được nhân rộng, không chỉ hướng đến bà con vùng lũ hiện nay mà còn với bất cứ hoàn cảnh đáng thương nào trong cuộc sống. Đó là đạo lý, truyền thống của dân tộc, cần được tiếp tục nhân lên, nhất là trong thời điểm cơn bão số 9 có sức công phá mạnh nhất từ đầu năm đến nay đang đổ bộ vào dải đất miền Trung thương yêu.

TRẦN THANH SƠN

;
;
.
.
.
.
.