Giải pháp kỹ thuật "hốc cứu nạn" phát huy hiệu quả tại cung đường đèo Lò Xo

.

ĐNO - Ngày 21-11, Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Đà Nẵng tổ chức buổi tổng kết, đánh giá các giải pháp kỹ thuật sửa chữa, cải tạo, nâng cao an toàn giao thông đèo Lò Xo.

Hốc cứu nạn trên đèo Lò Xo, một trong những giải pháp mang lại hiệu quả cao trong việc bảo đảm an toàn giao thông trên đèo. Ảnh: THÀNH LÂN
Hốc cứu nạn trên đèo Lò Xo, một trong những giải pháp mang lại hiệu quả cao trong việc bảo đảm an toàn giao thông trên đèo. Ảnh: THÀNH LÂN

 Đoạn tuyến đèo Lò Xo (thuộc đường Hồ Chí Minh) đoạn từ Km 1396 - Km 1434 đi qua hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum có hướng tuyến quanh co như chiếc lò xo. Địa hình hiểm trở, độ dốc sườn núi lớn, bên núi cao, bên vực sâu. Cung đèo này có đến 32 điểm đen và hàng loạt điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông (TNGT). Theo thống kê của Cục Quản lý đường bộ (QLĐB) III, kể từ khi được đưa vào khai thác cung đường đèo Lò Xo từ tháng 1-2005 cho đến tháng 6-2018, trên đèo đã xảy ra 192 vụ TNGT, làm 65 người chết, 333 người bị thương.

Đèo Lò Xo với nhiều khúc cua nguy hiểm. Ảnh: THÀNH LÂN
Đèo Lò Xo với nhiều khúc cua nguy hiểm. Ảnh: THÀNH LÂN

Năm 2018, sau nhiều vụ tai nạn thảm khốc, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt nguồn kinh phí gần 90 tỷ đồng để Cục QLĐB III tiến hành xử lý cấp bách các điểm đen trên đèo.

Theo đó, tại đèo Lò Xo đang áp dụng một giải pháp tổng thể bao gồm phương án phòng ngừa tai nạn chủ động và phương án xử lý tai nạn bị động. Cụ thể, phương án phòng ngừa tai nạn chủ động gồm: kiểm soát tốc độ (cắm biển hạn chế tốc độ đối với các đoạn có yếu tố tuyến bất lợi, cung cấp thông tin đầy đủ cho người lái xe, lắp đặt camera giám sát tốc độ tại các đoạn nguy hiểm và có biện pháp phạt nguội khi xe vi phạm…); tổ chức giao thông (bằng hệ thống vạch sơn, biển báo, đèn cảnh báo, tiêu phản quang, vạch sơn gồ giảm tốc, giá long môn…); cải tạo các yếu tố kỹ thuật của tuyến (mở rộng mặt đường, đào bạt mái taluy dương để tăng chiều dài tầm nhìn thấy xe ngược chiều…); xây dựng trạm dừng nghỉ kiểm tra xe trước khi đổ đèo.

Đèo Lò Xo, nơi thường xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Ảnh: THÀNH LÂN
Đèo Lò Xo, nơi thường xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Ảnh: THÀNH LÂN

Phương án xử lý tai nạn bị động gồm xây dựng công trình phòng hộ (hộ lan cứng, hộ lan mềm, hộ lan con xoay, tường lốp, trồng cây phòng hộ…); xây dựng đường cứu nạn, hốc cứu nạn; xây dựng làn đường hãm xe.

Đặc biệt, đây là tuyến đường đầu tiên áp dụng giải pháp an toàn hốc cứu nạn và làn đường hãm xe tại Việt Nam. Hai giải pháp này được thực hiện dựa trên nguyên lý của đường cứu nạn, vốn đã áp dụng nhiều trên thế giới để hạn chế thiệt hại do tai nạn trên các đèo dốc.

Tại buổi hội thảo, đại diện Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 3 của Cục QLĐB III cho biết với địa hình một bên vực sâu, một bên núi cao, có cả rừng quốc gia, rừng đặc dụng, rất khó để lựa chọn được vị trí xây đường cứu nạn đạt chuẩn với chiều dài 150 - 200 m trên đèo Lò Xo. Vì vậy, dựa trên nguyên lý đường cứu nạn, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã cho phép Cục QLĐB III vận dụng linh hoạt xây các hốc cứu nạn với chiều dài chỉ khoảng 50 m, kết hợp tăng độ dốc ngược và làm tường lốp giảm chấn. Ngoài ra, ở những vị trí quá khó khăn về mặt bằng, bố trí các làn đường hãm xe, rải sỏi đá không lu lèn làm điểm tỳ giảm tốc cho lái xe trong tình huống khẩn cấp.

Được biết, với việc triển khai xây dựng 14 hốc cứu nạn trên tuyến, cung đường đèo Lò Xo thời gian qua đã giảm TNGT, không có vụ TNGT nghiêm trọng nào.

THÀNH LÂN

;
;
.
.
.
.
.