Tập trung ứng phó với bão số 13

.

Bão số 13 (bão Vamco) sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Trung, trong đó Đà Nẵng được cảnh báo trong vùng tâm bão. Tại cuộc họp trực tuyến về ứng phó với bão số 13 vào sáng 13-11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố miền Trung phải tập trung cao độ ứng phó với bão số 13. Thành phố Đà Nẵng cũng đã kịp thời triển khai các hoạt động ứng phó với bão.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết (giữa) và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh (thứ ba, phải qua) kiểm tra công tác ứng phó bão số 13 tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang chiều tối 13-11.									             Ảnh: HOÀNG HIỆP
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết (giữa) và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh (thứ ba, phải qua) kiểm tra công tác ứng phó bão số 13 tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang chiều tối 13-11. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Bảo đảm an toàn tối đa tính mạng của người dân

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý, các tỉnh khu vực miền Trung bên cạnh việc sơ tán người dân sống trong những căn nhà không bảo đảm an toàn, cần đặc biệt lưu ý sơ tán người dân tại những khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu bộ, ngành, địa phương cần sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”, trong đó, sự phối hợp, hiệp đồng giữa các đơn vị là hết sức quan trọng. Lực lượng cứu nạn, cứu hộ phải đến được sớm nhất với người dân khi xảy ra thiên tai. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng lưu ý việc bảo đảm an toàn hồ đập. Các bộ, ngành cần quản lý, vận hành nhuần nhuyễn các hồ chứa. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương phải thường xuyên rà soát, có phương án bảo đảm an toàn cho các hồ chứa và vùng hạ du...

Đối với Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh yêu cầu các địa phương ven biển (quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn) tập trung cao độ công tác triển khai ứng phó bão. Đặc biệt, phải nhanh chóng hoàn thành neo đậu, kéo ghe thuyền lên bờ trú bão và chằng chống, neo đậu chắc chắn các lồng bè nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, nhanh chóng triển khai sơ tán người dân đến nơi trú ẩn an toàn. Công an thành phố, Sở Giao thông vận tải phối hợp triển khai phương án chốt chặn tại các cầu, đường, ngăn cản và hạn chế người dân cùng các phương tiện lưu thông trên đường từ trưa 14-11 để bảo đảm an toàn tính mạng của nhân dân...

Ngày 13-11, UBND thành phố ban hành Công điện số 10/CĐ-UBND về ứng phó với bão số 13, mưa, lũ và sạt lở đất. Cùng ngày, Thành ủy Đà Nẵng có Công văn số 51-CV/TU về việc chủ động phòng, chống bão số 13. Theo đó, UBND thành phố chỉ đạo UBND các quận, huyện triển khai ngay phương án sơ tán các hộ dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà trọ, nhà tạm, nhà không kiên cố, nhà khu vực ven biển, các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đá, lũ quét, ngập lụt, nước biển dâng do bão đến nơi an toàn, bắt đầu từ chiều ngày 13-11 và chậm nhất đến 11 giờ ngày 14-11 phải hoàn thành. Tuyệt đối không để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, trên tàu, thuyền neo đậu, trong các lán trại công trình đang xây dựng. Yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 12 giờ ngày 14-11 cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai.

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (kể cả trong khu công nghiệp, công nghệ cao) nghỉ làm việc trong ngày 14-11, trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt. Sở Giáo dục và Đào tạo cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học ngày 14-11. UBND thành phố cũng thành lập Ban Chỉ huy tiền phương thành phố Đà Nẵng ứng phó với bão số 13 tại Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng bắt đầu làm việc từ 9 giờ ngày 14-11...

Người dân nuôi trồng thủy sản rời lồng bè, lên bờ trú bão vào trưa ngày 13-11. 	    Ảnh: HOÀNG HIỆP
Người dân nuôi trồng thủy sản rời lồng bè, lên bờ trú bão vào trưa ngày 13-11. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Đồng lòng, đồng sức ứng phó bão mạnh

Theo ghi nhận, từ sáng sớm 13-11, dù rằng hầu hết tàu thuyền đã không ra khơi và neo đậu, che chắn an toàn từ trước bão số 9 (ngày 27 và 28-9) tại các khu vực âu thuyền Thọ Quang, vịnh Mân Quang, cầu cảng CT15..., nhưng nhiều ngư dân vẫn tiếp tục neo buộc, phủ nilon che chắn các tàu thuyền. Những người nuôi thủy sản trên các lồng bè cũng tranh thủ neo buộc lồng bè để tránh trôi dạt và lên bờ trú ẩn từ chiều 13-11. Ông Nguyễn Đăng Khoa (một người nuôi cá lồng bè tại Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cho hay: “Từ trước bão số 9, tôi đã đóng thêm 2 cọc cao hơn 5m để neo chắc chắn lồng bè. Tôi mới buộc thêm cho chắc chắn để lồng bè khỏi trôi vì khi bão vào gần bờ sẽ có gió mạnh và nước biển dâng cao. Bây giờ thì tôi lên bờ về nhà cùng gia đình đặt thêm bao cát lên mái tôn để chống bão”.

Tại các khu dân cư, nhiều người dân tranh thủ thời tiết tạnh ráo để đặt thêm bao cát, chằng thêm dây cáp và để các vật dụng để gia cố chắc chắn mái nhà, tăng khả năng chống chọi với gió bão. Nhiều người dân sống tại các căn nhà không bảo đảm an toàn cũng liên hệ với chủ nhà hàng xóm hoặc người thân có mái nhà kiên cố bằng bê-tông để trú bão. Ông Hoàng Công Thanh, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho hay: “Quận đã chủ động triển khai công tác sơ tán nhân dân đến nơi trú bão an toàn. Đồng thời chỉ đạo các địa phương thông báo các chủ lồng bè triển khai chằng chống và yêu cầu rời khỏi lồng bè khi có thông báo để bảo đảm an toàn. Đối với các ghe, thúng nhỏ đánh bắt ven bờ, quận cũng đã yêu cầu các phường Thọ Quang, Mân Thái... thông báo cho nhân dân đưa phương tiện vào khu vực phía bên kia đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp để tránh bị sóng biển cao gây hư hại”.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, các tàu thuyền của ngư dân Đà Nẵng và tàu du lịch đều đã neo đậu an toàn. Các địa phương đã chỉ đạo, tổ chức neo, đậu lồng bè, nuôi trồng thủy sản, nghiêm cấm, không cho người ở lại trên lồng bè khi thiên tai kể từ 15 giờ ngày 13-11. Các cơ quan chức năng và địa phương đã tăng cường, thường xuyên thông báo tin bão đến nhân dân chủ động phòng, chống bão và triển khai sơ tán nhân dân, công nhân, sinh viên... ở trong các nhà không bảo đảm an toàn đến nơi tránh trú bão an toàn. Sở Xây dựng, các ngành, địa phương đã chỉ đạo tổ chức phòng, chống ứng phó với bão cho các công trình xây dựng; kiểm tra, triển khai các biện pháp phòng, chống ngập úng do mưa lớn cho các khu dân cư, công trình đang thi công dở dang; kiểm tra các tuyến đường có nguy cơ sạt lở để triển khai biện pháp bảo vệ; chuẩn bị sẵn sàng các thiết bị, phương tiện (xe cẩu, ô-tô, thuyền...) để ứng cứu trong bão...

HOÀNG HIỆP

Chiều ngày 13-11, Sở Giao thông vận tải (GTVT) yêu cầu các phòng, đơn vị, các đơn vị quản lý cầu đường tập trung triển khai công tác phòng, chống bão số 13. Cụ thể, thành lập, kiện toàn bộ phận phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của từng đơn vị trực thuộc; tổ chức trực ban 24/24, chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, bão, lũ. Tại bến xe, cảng thủy nội địa, các đơn vị phải chuẩn bị thật tốt hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống cảnh báo thông suốt, thực hiện chế độ trực ban nghiêm ngặt, có kế hoạch cụ thể về lực lượng và phương tiện để ứng cứu. Đối với phương án phòng, chống và phối hợp ứng phó khi bão xảy ra, các đơn vị phải giữ liên lạc và phối hợp với lực lượng chống lụt bão, trực tiếp tại hiện trường phải phát huy hết năng lực cứu người bị nạn; nhanh chóng đưa người bị nạn thoát khỏi khu vực và tình trạng nguy hiểm; khi mưa to, bão lớn, nước ngập lụt gây hư hỏng cầu, đường, nghiêm cấm các phương tiện qua lại...

Các đơn vị vận tải, nhà ga, bến cảng, phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức, sắp xếp, đón tiếp và phục vụ vận chuyển hành khách trong trường hợp bị tắc đường, do thiên tai, bão lũ, cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm cho hành khách trong quá trình chờ giải tỏa ách tắc... Công ty CP Cầu đường Đà Nẵng, Công ty TNHH Xây dựng TM&DV Linh Sương bố trí lực lượng túc trực, kiểm tra thường xuyên các đoạn đường, cầu ở các khu vực xung yếu và triển khai phương án khắc phục, bảo đảm giao thông (đặc biệt là các tuyến đường trên bán đảo Sơn Trà, đường ĐT.602...).

Thường xuyên theo dõi tình hình thực tế tại vị trí sạt lở đã đóng cừ lasen gia cố trên đường Bà Nà- Suối Mơ, hạ lưu cầu An Sơn... Bố trí người trực gác tại các cầu để kịp thời cảnh báo, chốt chặn 2 đầu cầu theo các tình huống kịch bản thiên tai, đặc biệt tại các cầu lớn như: Thuận Phước, Sông Hàn, cầu Rồng, Trần Thị Lý, tầng 3 cầu vượt ngã 3 Huế... bố trí người trực gác tại cầu Nguyễn Văn Trỗi để kịp thời nâng, hạ nhịp cầu phục vụ các tàu lưu thông về nơi trú ẩn khi có yêu cầu. Thanh tra sở triển khai 100% quân số thực hiện công tác tuần tra, kịp thời phối hợp với các lực lượng Công an tổ chức chốt chặn ở những vị trí ngập sâu trên các tuyến đường, nhất là khu vực quốc lộ 1A, quốc lộ 14B; phân luồng bảo đảm giao thông tại các vị trí nguy hiểm, ách tắc giao thông, các khu vực trọng điểm... (THÀNH LÂN)

Tập trung sơ tán, bảo đảm an toàn tính mạng nhân dân

Chiều tối 13-11, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh kiểm tra thực tế công tác triển khai ứng phó bão số 13 trên địa bàn quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn.

Kiểm tra tại khu vực bờ biển Bãi Ngang và dưới chân bán đảo Sơn Trà (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu quận Sơn Trà chỉ đạo địa phương và các lực lượng chức năng tăng cường thông báo và tuần tra, giám sát không cho người dân thấy thời tiết thuận lợi trước bão mà tranh thủ ra biển đánh bắt thủy sản để tránh tai nạn xảy ra trên biển do gió bão. Tiếp tục yêu cầu một số chủ phương tiện đưa tàu, thuyền nhỏ đưa lên bờ để trú bão an toàn; yêu cầu các địa phương triển khai hoàn thành việc sơ tán nhân dân đến nơi an toàn... Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết cũng yêu cầu quận Sơn Trà và các cơ quan chức năng chú ý theo dõi khu vực bán đảo Sơn Trà để phát hiện, ứng phó kịp thời sạt lở núi. Đồng thời, khẩn trương có biện pháp ngăn chặn tình trạng nước từ khu vực núi Sơn Trà chảy tràn, gây ngập sâu đường Lê Văn Lương.

Đến kiểm tra tại khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, Đồn Biên phòng Sơn Trà và các đơn vị, địa phương tiếp tục yêu cầu các ngư dân neo, buộc tàu chắc chắn để hạn chế xảy ra hư hỏng và yêu cầu ngư dân không ở lại trên các tàu, thuyền để bảo đảm an toàn tính mạng. “Trước 11 giờ trưa 14-11, không có ngư dân ở lại dưới các tàu. Các lực lượng chức năng kiểm tra, buộc người dân phải rời tàu lên bờ trú ẩn an toàn, sẵn sàng sử dụng biện pháp cưỡng chế nếu cần thiết. Đồng thời, các lực lượng sẵn sàng ứng phó các sự cố cháy nổ tàu thuyền kịp thời.”

Tại khu nhà liền kề Đông Trà (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu chính quyền địa phương hoàn tất công tác sơ tán nhân dân tại khu nhà liền kề này nói riêng và các khu vực khác trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn nói chung đến địa điểm trú ẩn an toàn trong sáng 14-11. Quận Ngũ Hành Sơn tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn neo đậu của các lồng bè, tàu du lịch, tàu cá vừa di chuyển lên trú bão tại khu vực sông Cổ Cò và kiên quyết không cho người dân ở lại dưới tàu, lồng bè để bảo đảm an toàn tính mạng. Chính quyền địa phương tiếp tục rà soát, sơ tán dân ở xung quanh các ngọn núi để tránh xảy ra thiệt hại về tính mạng do sạt lở núi gây ra...

 

;
;
.
.
.
.
.