HIỆU QUẢ ĐỀ ÁN PHÂN BỔ DÂN CƯ

Bài 2: Nâng cao hiệu quả các dịch vụ công ích

.

Một trong những giải pháp để thực hiện đề án Phân bổ dân cư hiệu quả là nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó đặc biệt là lĩnh vực giáo dục, y tế. Nhờ được đầu tư bài bản, chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục ngày càng nâng cao, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, giảm khoảng cách giữa khu vực nội thị với vùng ven đô.

Bệnh viện đa khoa Hòa Vang là nơi thu hút người dân đến khám, chữa bệnh, giảm quá tải cho tuyến trên.  Ảnh: Ngọc Quốc
Bệnh viện đa khoa Hòa Vang là nơi thu hút người dân đến khám, chữa bệnh, giảm quá tải cho tuyến trên. Ảnh: NGỌC QUỐC

Rút ngắn khoảng cách về chất lượng giáo dục

Trường THCS Lê Lợi ở phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn có lịch sử hơn 40 năm hình thành và phát triển. Từ năm học 2002-2003, trường đã đạt chuẩn quốc gia về tiêu chuẩn thư viện. Hằng năm, toàn quận Ngũ Hành Sơn có trung bình trên 30 em học sinh tốt nghiệp lớp 9 thi đậu vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, riêng Trường THCS Lê Lợi chiếm tới 70% (hơn 20 học sinh), đứng tốp 5 các trường THCS toàn thành phố. Năm học 2020-2021, trường có 21 em đậu vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, trong đó có 4 em đậu thủ khoa ở các môn Ngữ văn, Toán, Anh văn và Địa lý. Hằng năm, trường có khoảng 80% học sinh tham dự các kỳ thi các cấp đoạt giải; năm học 2018-2019 có 10 giáo viên của trường đạt giáo viên dạy giỏi thành phố với 4 thầy cô đạt xuất sắc.

Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi Trần Tân chia sẻ, những năm trở lại đây, chất lượng giáo dục vùng ngoại thành đang được nâng lên đáng kể, thu hẹp khoảng cách với các trường điểm ở nội thị. Quận ủy Ngũ Hành Sơn chỉ đạo nghiêm túc việc phát triển đồng bộ về chất lượng giáo dục giữa các phường thông qua các đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục quận năm học 2017-2021 và những năm tiếp theo”, “Nâng cao chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi” và được chỉ định về từng phường xây dựng riêng. Do vậy, hầu hết các trường THCS của quận đều có học sinh giỏi các cấp, có học sinh đậu vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn hằng năm.

Bà Nguyễn Thị Thúy, người dân phường Mỹ An, có con học tại Trường Tiểu học Lê Lai cho biết gia đình yên tâm khi chất lượng giáo dục ở trường con đang theo học rất tốt. “Nhiều người cứ nghĩ phải đưa con vào các trường tiểu học ở trung tâm quận Hải Châu như Phan Thanh, Phù Đổng hay Hoàng Văn Thụ để con có điều kiện học tập tốt hơn. Bây giờ khác rồi, chất lượng các trường tiểu học và THCS lân cận cũng như mặt bằng chung toàn thành phố đã có sự đồng đều rồi”, bà Thúy nói.

Theo UBND thành phố, sau gần 10 năm thực hiện đề án Phân bổ dân cư, mạng lưới trường, lớp trên địa bàn thành phố được chú trọng quy hoạch, sắp xếp hợp lý theo hướng đa dạng hóa, xã hội hóa, có cơ cấu hợp lý giữa các ngành học, cấp học. Thành phố quan tâm tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đồng bộ hóa tất cả các cấp học, bảo đảm điều kiện dạy học 2 buổi/ngày của cấp tiểu học. Đến cuối năm học 2019-2020, toàn thành phố có 100% trường tiểu học dạy 2 buổi/ngày, với tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày là 97,78%. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ngày càng được chuẩn hóa. Công tác quản lý giáo dục được tăng cường, tạo sự chuyển biến cả về giáo dục chất lượng cao và giáo dục đại trà. Khoảng cách chất lượng giáo dục giữa nội thành và ngoại thành dần thu hẹp; cơ bản khắc phục tình trạng tuyển sinh trái tuyến tại các trường học ở trung tâm. Hằng năm, thành phố có nhiều học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế.

Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo quận Hải Châu Trần Thị Thúy Hà cho biết, trước đây tình trạng “chạy” trường, học sinh học trái tuyến diễn ra phổ biến, gây áp lực rất lớn lên hệ thống hạ tầng giáo dục, quá tải ở nhiều trường khu vực trung tâm. Từ 2-3 năm trở lại đây, không còn tình trạng học sinh học trái tuyến, giảm áp lực đáng kể cho trường học khu vực trung tâm. “Có được kết quả đó, một phần do sự chuyển biến về chất lượng đồng đều giữa các trường trong quận nói riêng và các địa phương khác nói chung. Phần nữa, do phụ huynh học sinh cũng không còn tâm lý chọn cho con như trước, chủ yếu học ở đâu thuận tiện cho việc đưa đón”, bà Hà nói.

Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế

Từ năm 2013 đến nay, thành phố quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các bệnh viện và trung tâm y tế quận, huyện và phường, xã. Các trung tâm y tế quận, huyện đã triển khai nhiều kỹ thuật y tế tiên tiến trong khám, điều trị đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân tại địa phương, góp phần giảm tải cho tuyến trên. Thành phố đã hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình Bệnh viện đa khoa Hòa Vang (giai đoạn 1), Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, Bệnh viện đa khoa quận Hải Châu (giai đoạn 1), Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đà Nẵng giai đoạn 1. Hiện thành phố đang hoàn thành các công trình Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng, Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt thành phố Đà Nẵng, Bệnh viện Y học cổ truyền; Trung tâm Y tế quận Hải Châu (giai đoạn 2)... Tiếp tục khởi công các công trình, dự án trong năm 2020 như: Trung tâm Tim mạch (giai đoạn 2), Trung tâm Ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc, Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, chấn thương và bỏng tạo hình; nâng cấp, cải tạo Bệnh viện Phụ sản - Nhi; đầu tư xây dựng cải tạo và bổ sung trang thiết bị cho Bệnh viện Phụ sản - Nhi, Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ (giai đoạn 1) và Trung tâm Y tế quận Sơn Trà (giai đoạn 1)…; thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư Bệnh viện Đà Nẵng cơ sở 2 tại phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn.

Để thực hiện đề án tăng cường y tế cơ sở, nâng cao chất lượng hoạt động của trạm y tế và duy trì 100% phường, xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020, thành phố đã đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, cải tạo các trạm y tế (năm 2019: 14 trạm y tế, năm 2020: 23 trạm và tiếp tục thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 9 trạm y tế còn lại trong năm 2021).

Theo bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, trong thời gian đến, đơn vị sẽ nâng tổng số giường bệnh từ 170 lên 190 giường bệnh nhằm tăng khả năng khám, chữa bệnh cho người dân. Đồng thời, phấn đấu nâng cấp Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang trở thành bệnh viện hạng 2, nâng số giường bệnh lên khoảng 350-400 giường nhằm phục vụ tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân tại cơ sở, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang đã kết nối với Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng… để hình thành hệ thống bệnh viện vệ tinh nhằm nâng cao khả năng khám, chữa các bệnh liên quan đến sản khoa, thận nhân tạo, gây mê hồi sức… Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện có 11 trạm y tế xã bảo đảm tốt cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Một số trạm y tế xã như Hòa Phong, Hòa Tiến có thể đáp ứng nhu cầu khám bệnh 80-90 người/ngày. Về lâu dài, sẽ nâng cấp từ 2-3 trạm y tế xã trên địa bàn huyện trở thành trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, đưa mạng lưới y tế về gần với người dân hơn nữa nhằm điều trị các bệnh đơn giản như tăng huyết áp, hen suyễn… ngay tại cơ sở.

Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ Hồ Văn Khoa cho biết, năm 2019, Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ được lựa chọn trở thành đơn vị vệ tinh của Bệnh viện Đà Nẵng giai đoạn 2019-2021. Đây là chương trình do UBND thành phố phê duyệt để đào tạo nhân lực, mua sắm trang thiết bị nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho tuyến quận, huyện nhằm giảm quá tải cho Bệnh viện Đà Nẵng.

TRỌNG HUY – NGUYỄN QUANG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích