KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22-12-1944 – 22-12-2020) VÀ 31 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22-12-1989 – 22-12-2020)

Tìm về những chiến công

.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vô cùng ác liệt, Mặt trận 44 Quảng Đà không chỉ nổi danh với Tiểu đoàn 1 (R20) và Tiểu đoàn 2 (V25) anh hùng mà còn nức tiếng với những chiến công vang dội của Tiểu đoàn 3 có tiền thân ra đời từ kháng chiến chống Pháp với tên gọi “Tiểu đoàn Đồng Mít”.

Nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 3 Nguyễn Vĩnh An (đứng) phát biểu tại hội thảo đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Tiểu đoàn 3 - Mặt trận 44 Quảng Đà. Ảnh: HH
Nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 3 Nguyễn Vĩnh An (đứng) phát biểu tại hội thảo đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Tiểu đoàn 3 - Mặt trận 44 Quảng Đà. Ảnh: HH

Tháng 7-1967, trước tình hình đánh phá ác liệt của Mỹ - ngụy trên chiến trường, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định thành lập Mặt trận 44 Quảng Đà. Cùng với biên chế Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn 7 tách ra từ Trung đoàn 64 - Sư đoàn 320A được điều về trực thuộc Mặt trận 44 với phiên hiệu là Tiểu đoàn 3. Quân số ban đầu có 255 cán bộ chiến sĩ, đơn vị được giao nhiệm vụ trụ bám vững chắc ở hai huyện trọng yếu nhất của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng là Điện Bàn và Duy Xuyên để đánh địch, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng, bảo vệ hành lang và căn cứ kháng chiến. Tiểu đoàn đã tổ chức các trận đánh bất ngờ, táo bạo vào các vị trí trọng yếu của Mỹ - ngụy, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phá vỡ thế kềm kẹp bao vây của chúng.

Trong những trang nhật ký chiến tranh của mình, chính trị viên Tiểu đoàn Nguyễn Vĩnh An đã tỉ mỉ ghi lại chi tiết từng trận đánh tiêu biểu nhất trong suốt 10 năm chiến đấu và trưởng thành của đơn vị. Đó là trận đánh tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vào trung tâm thị xã Hội An, tiêu diệt 283 tên địch và 1 đại đội Nam Triều Tiên 68 tên; là trận tiêu diệt 39 tên biệt động ngụy quân càn quét xã Điện Thọ ngày 13-9-1968, phá vỡ âm mưu “Bình định cấp tốc” của địch, giữ vững an toàn vùng B Điện Bàn. Nhưng chiến công nổi bật nhất ghi dấu ấn tên tuổi của đơn vị là trận đánh trụ bám 21 ngày đêm (từ 20-11 đến 10-12 năm 1968), Tiểu đoàn liên tục chống trả với trên 7.000 quân thuộc trung đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ có không quân, pháo binh yểm hộ mở cuộc hành quân “Cooc dom” nhằm lập vành đai trắng ở các xã Điện Thọ, Điện Phước, Điện An (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Bà Nguyễn Thị Vân Lan (nguyên cán bộ Văn phòng Huyện ủy Điện Bàn) được các anh bộ đội thuộc Tiểu đoàn 3 (D3) bảo vệ an toàn trong thời gian 21 ngày đêm đó đã có bài viết xúc động “Tưởng nhớ các anh D3 - Mặt trận 4 Quảng Đà” đăng trên Báo Đà Nẵng ngày 29-8-2020. Bà Lan kể lại: “Cuộc chiến đấu dằng co ác liệt với hàng trăm trận đánh, có ngày lên đến 17 trận đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1.700 tên Mỹ-ngụy, thu hàng trăm khẩu súng và phá hủy hàng chục xe tăng, máy bay địch. Riêng trận đánh này Tiểu đoàn có 190 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, quân số còn lại chưa đến 20 người”.

Cùng với các trận đánh Miếu Bông tháng 10-1969, Tiểu đoàn 3 còn thực hiện nhiều trận đánh khiến kẻ thù khiếp sợ như: Bảo vệ căn cứ Đặc Khu ủy Quảng Đà, Bộ Tư lệnh Mặt trận 44 Quảng Đà tháng 8-1970, tấn công đồn Ga Bể (Trà Kiệu - Duy Xuyên); giải phóng khu đồn Điện Tân - Điện Nhơn tháng 5-1974; tiêu diệt cụm cứ điểm Trường Giảng, Cấm Lớn, Trùm Giao tháng 7-1974... Suốt 10 năm chiến đấu (1967-1977), đơn vị đã lập nên những chiến công oanh liệt, loại khỏi vòng chiến đấu 5.364 tên địch, bắt sống 299 tên, bắn cháy 18 máy bay và 16 xe bọc thép, thu và phá hủy 416 khẩu súng các loại... Tiểu đoàn và các đại đội trực thuộc được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 20 Huân chương tập thể các loại, 71 cán bộ, chiến sĩ cũng vinh dự nhận Huân chương cá nhân. 

Năm 1977, sau hai năm làm nhiệm vụ rà phá bom mìn, Tiểu đoàn 3 có quyết định giải thể. Tại hội thảo lấy ý kiến đóng góp báo cáo thành tích của Tiểu đoàn 3, Mặt trận 44 Quảng Đà để đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân diễn ra ngày 26-11, Thượng tá Võ Văn Hạnh - Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Điện Bàn - Quảng Nam cho biết: “Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ báo cáo thành tích của đơn vị, đi tìm và gặp gỡ, xác minh hàng chục nhân chứng còn sống ở những địa điểm đơn vị đã chiến đấu. Đồng thời cũng đã thống kê danh sách 298 liệt sĩ của Tiểu đoàn hy sinh trên địa bàn huyện để làm cơ sở bổ sung vào thành tích của đơn vị”. Đại tá Đỗ Kiếm, Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh Quân khu 5 cho biết: “Chúng tôi đã bỏ nhiều công sức tìm kiếm trong kho hồ sơ khen thưởng của Quân khu các bằng chứng nhận Huân chương của Tiểu đoàn 3 trong thời kỳ chống Mỹ. Đến nay Cục Chính trị đã ký xác nhận để đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân”.

Nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 3 Nguyễn Vĩnh An giờ đây cũng đã 76 tuổi. Niềm hy vọng lớn lao cuối đời của người cựu chiến binh già và đồng đội chính là trong một ngày không xa, cùng với Tiểu đoàn 1 và 2, Tiểu đoàn 3 - Mặt trận 44 Quảng Đà cũng sẽ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Điều này không chỉ để ghi nhận, tri ân, mà hơn hết là mong ước những trang sử truyền thống chói ngời của Tiểu đoàn sẽ mãi là hành trang soi sáng cho các thế hệ hôm nay và mai sau tiếp bước.

HỒNG HẠNH

;
;
.
.
.
.
.