Nâng cao năng lực khám, chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa huyện Hòa Vang

.

Bệnh viện đa khoa huyện Hòa Vang là bệnh viện dã chiến đầu tiên của cả nước được thành lập để phục vụ công tác phòng, chống Covid-19. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, bệnh viện có những bước tiến mới trong công tác chuyên môn, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân trong khu vực.

Công tác phòng, chống nhiễm khuẩn được duy trì thường xuyên hơn tại Bệnh viện đa khoa  huyện Hòa Vang.  TRONG ẢNH: Người dân đến đăng ký khám bệnh tại Bệnh viện đa khoa huyện Hòa Vang.Ảnh: PHAN CHUNG
Công tác phòng, chống nhiễm khuẩn được duy trì thường xuyên hơn tại Bệnh viện đa khoa huyện Hòa Vang. TRONG ẢNH: Người dân đến đăng ký khám bệnh tại Bệnh viện đa khoa huyện Hòa Vang. Ảnh: PHAN CHUNG

Bước tiến trong kiểm soát nhiễm khuẩn

Sau khi bệnh viện dã chiến giải thể (ngày 2-10-2020) và trở lại hoạt động bình thường, nữ hộ sinh Hà Thị Anh có thêm một nhiệm vụ mới, đó là thường xuyên giám sát các nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà trong việc tuân thủ các quy định về phòng, chống Covid-19. Chị Anh là một trong số những nhân viên y tế tại đây được ê-kip y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đào tạo cấp tốc chuyên ngành kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện.

Thời điểm Covid-19 diễn biến phức tạp tại Đà Nẵng, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn được Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai và ngành y tế thành phố xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm chéo bên trong bệnh viện. “Qua các khóa đào tạo cấp tốc nhưng bài bản và đầy đủ, chúng tôi biết thêm rất nhiều về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện. Những kiến thức, kinh nghiệm đó giờ đây được lãnh đạo bệnh viện áp dụng vào thực tiễn, trở thành những công việc thường xuyên mỗi ngày”, nữ hộ sinh Hà Thị Anh cho biết.

Một thực tế diễn ra tại nhiều cơ sở y tế từ trước đến nay, đó là chú trọng công tác chuyên môn nhưng lại xem nhẹ kiểm soát nhiễm khuẩn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng lây nhiễm chéo vẫn đang là thách thức, làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh tại nhiều bệnh viện. Hiện nay Bệnh viện đa khoa huyện Hòa Vang đã thành lập tổ giám sát nhiễm khuẩn do chính các nhân viên y tế được đào tạo trong thời gian tham gia phòng, chống Covid-19 đảm trách.

Theo đó, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, các giám sát viên là y tá, điều dưỡng, nữ hộ sinh theo ca trực của mình sẽ giám sát nhân viên y tế, bảo đảm thực hiện đúng quy trình nghiêm ngặt của kiểm soát nhiễm khuẩn, phân công nhân viên vệ sinh thu dung, phân loại đồ vải, rác thải, vệ sinh bề mặt dụng cụ, thiết bị y tế, thiết bị văn phòng…

“Ngoài ra, tất cả bệnh nhân, người nhà đều phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh, trong đó tập trung vào việc mang khẩu trang và sát khuẩn tay thường xuyên. Những thói quen này không chỉ hiệu quả đối với phòng, chống Covid-19 mà còn ngăn chặn các loại vi khuẩn gây bệnh khác”, chị Anh cho biết.

Bệnh viện đạt gần 90% tiêu chí an toàn

Theo bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Vang, sau khi giải thể bệnh viện dã chiến, đơn vị quay trở lại tiếp tục nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có tâm lý e ngại nên số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị các bệnh lý thông thường có giảm hơn so với trước.

“Trên thực tế, quá trình làm sạch bệnh viện sau khi hết bệnh nhân Covid-19 được triển khai kỹ lưỡng và theo đúng quy định. Sở Y tế và các bệnh viện trên địa bàn hỗ trợ chuyên môn, kiểm tra và đánh giá chất lượng bệnh viện an toàn theo tiêu chí của Bộ Y tế ban hành. Kết quả đánh giá bệnh viện đạt gần 90% tiêu chí an toàn, trong khi mức độ an toàn theo quy định của Bộ Y tế đặt ra chỉ 75% là đã đáp ứng được”, bác sĩ Vĩnh chia sẻ.

Một “di sản” có ý nghĩa quan trọng đối với Bệnh viện đa khoa huyện Hòa Vang, theo bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh chính là Khoa Thận nhân tạo đi vào hoạt động sớm hơn dự kiến. Năm 2019, Đề án xây dựng đơn vị vệ tinh thận nhân tạo đã được triển khai tại Bệnh viện đa khoa huyện Hòa Vang do Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện.

Khi kế hoạch triển khai giai đoạn đầu tiên thì Covid-19 bùng phát, khiến đây trở thành nơi thu dung, điều trị các bệnh nhân nhiễm Covid-19 trên nền suy thận mạn. Sau khi được ê-kip bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ chuyên môn, Khoa Thận nhân tạo tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang nhanh chóng đi vào hoạt động.

“Hiện nay chúng tôi được trang bị 10 máy chạy thận nhân tạo và tiếp nhận chạy thận thường xuyên cho 12 bệnh nhân mỗi tuần 3 lần. Đây là những bệnh nhân đầu tiên của bệnh viện sau khi hoạt động trở lại bình thường. Quá trình chạy thận nhân tạo sẽ tiếp tục có sự hỗ trợ của Bệnh viện Đà Nẵng theo chương trình hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật theo đề án trước đó. Ngoài ra, bệnh viện được bổ sung thêm nhiều thiết bị như hệ thống máy lọc nước tiên tiến, máy thở, X-quang… bước đầu hỗ trợ hiệu quả cho các chuyên khoa khác”, bác sĩ Vĩnh cho biết thêm.

Để bảo đảm công tác phòng, chống Covid-19 trong tình hình mới, Bệnh viện đa khoa huyện Hòa Vang tiếp tục triển khai các biện pháp cần thiết theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Theo đó, những trường hợp có dấu hiệu như ho, sốt, chảy mũi, đau họng, tức ngực, khó thở vẫn được dẫn theo lối đi riêng và khám sàng lọc kỹ lưỡng; 100% nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh khi đến bệnh viện phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay theo hướng dẫn 5K của Bộ Y tế.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.