Tiếng chuông điện thoại vang liên hồi. “Alo! Nhóm cứu hộ và bảo tồn động vật hoang dã Sơn Trà xin nghe!”. Đầu dây bên kia cất lên giọng nữ, nghe chừng rất gấp gáp: “Tại Đài Vọng Cảnh Sơn Trà hiện có một chú khỉ con bị thương, nặng lắm! Nhờ nhóm cứu giúp nhé!”. Chỉ đợi có thế, hai chị Nguyễn An Bình (SN 1973), trú phường Thạch Thang, quận Hải Châu và Cao Thị Kim Tuyết (SN 1985), trú phường Hòa An, quận Cẩm Lệ nhanh chóng xách ba lô, lên đường.
Chị Nguyễn An Bình (bìa trái) đưa cá thể khỉ bị thương đến bệnh viện thú y điều trị. Ảnh: NVCC |
1. Một buổi chiều giữa tháng Giêng, tôi có dịp đi cùng chị Bình, chị Tuyết khảo sát vòng quanh bán đảo Sơn Trà, ở những nơi được phép. Con đường dẫn lên Sơn Trà uốn lượn quanh co theo triền núi. Mùa này, núi rừng Sơn Trà phủ một màu xanh mơn mởn. Chốc chốc, các chị nhìn về phía này, chỉ trỏ chỗ kia và nói với nhau gì đó. Dường như với hai chị, từng khúc cua, mỏm đá, con suối dọc đường lên bán đảo Sơn Trà đều như nằm trong lòng bàn tay. Những chuyến đi như thế này được hai chị thực hiện thường xuyên mỗi khi rảnh rỗi. Trong những chuyến đi ấy, các chị quan sát, tìm kiếm những cá thể khỉ bị thương đưa về điều trị; theo dõi cuộc sống của những cá thể khỉ sau khi tái thả...
Chị Bình là người đầu tiên bén duyên với việc cứu hộ động vật hoang dã. Khoảng 3 năm trước, trong những lần lên Sơn Trà sáng tác ảnh, trong khi mọi người thích thú săn ảnh về “nữ hoàng” linh trưởng voọc chà vá chân nâu hay chim chóc quý hiếm, chị Bình lại chú ý đến loài linh trưởng rất đỗi bình thường, đó là khỉ. Theo cách nói của chị là “chắc có duyên nợ gì đó với khỉ”, nên những thước phim, tấm ảnh trong máy chị đa phần ghi lại cuộc sống, hoạt động, khoảnh khắc của loài linh trưởng này. Trong những lần chăm chú quan sát các đàn khỉ, bên cạnh những bức ảnh đẹp, chị Bình còn bắt gặp những chú khỉ mang thương tật. Những vết thương cũ có, mới có với nhiều nguyên do, trong đó có con người. Xem lại những bức ảnh ấy, chị Bình không khỏi xót thương, suy nghĩ, trằn trọc.
Tình yêu thương dành cho động vật đã thôi thúc chị từng bước hiện thực hóa ý tưởng cứu hộ động vật hoang dã đang dần nhen nhóm. Từ những bài phản ánh việc người dân vô tư cho khỉ ăn; lên án tình trạng bắn khỉ, bẫy khỉ, bắt khỉ con, nuôi nhốt động vật hoang dã làm thú cưng... trên trang Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi-Xanh-Sạch-Đẹp, chị Bình dần đánh động đến các cơ quan chức năng; nhận được sự quan tâm, tin tưởng từ cộng đồng mạng là nhân dân thành phố. Năm 2019, chị Tuyết biết đến hoạt động của chị Bình và cùng tham gia. Từ đó đến nay, Nhóm Chung tay cứu hộ và bảo tồn động vật hoang dã Sơn Trà - Đà Nẵng (gọi tắt là Nhóm, hoạt động tự nguyện) với hai thành viên chính là chị Bình và chị Tuyết đã cứu nhiều trường hợp động vật hoang dã bị thương, bị nuôi nhốt thoát khỏi hiểm nguy; đưa các loài về với ngôi nhà tự nhiên là rừng Sơn Trà.
Chị Cao Thị Kim Tuyết tập cho cá thể khỉ khả năng kiếm ăn trong tự nhiên sau khi thả về rừng. |
2. Cu Lỳ, bé Mưa, cu Tôm, bé Tôn, bé Bầu... là những cái tên thân thương mà chị Bình, chị Tuyết đặt cho những cá thể khỉ được Nhóm cứu hộ trong thời gian qua. Mỗi bé khỉ có mỗi hoàn cảnh, số phận khác nhau. Tên gọi của các bé được đặt dựa theo tính cách, tình trạng, hoàn cảnh tiếp cận để dễ phân biệt, dễ nhớ. Đó là những bé khỉ bị thương, bị nuôi nhốt làm thú cưng. Cũng có khi là các bé khỉ mồ côi mẹ được người đi đường cứu và nhờ chăm sóc. Cu Lỳ là một trong nhiều bé khỉ để lại cho chị Bình, chị Tuyết nhiều cảm xúc nhất. Cu Lỳ là cá thể khỉ đuôi lợn được Nhóm cứu hộ cuối năm 2020. Đó là những ngày cuối đông với cái lạnh tê tái. Chiều tối, một cặp vợ chồng khi đi tham quan bán đảo Sơn Trà bắt gặp cu Lỳ trong tình trạng bị thương nặng tại khu vực Đài Vọng Cảnh và gọi số hotline của nhóm để báo. Sáng sớm hôm sau, chị Bình và chị Tuyết có mặt tại Đài Vọng Cảnh và tìm kiếm cu Lỳ. Nhờ sự hỗ trợ của Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, cu Lỳ được đưa xuống bệnh viện thú y để cứu chữa.
Qua thăm khám, bệnh án của cu Lỳ được lập ra với hàng hoạt chấn thương nghiêm trọng: gãy xương bả vai bên phải; gãy xương hàm bên phải, phần xương bị gãy đâm thủng má phải, trồi hẳn ra ngoài; hoại tử phần da, thịt bên phải. Đói, khát và cái lạnh buốt thấu xương khiến những vết thương của cu Lỳ thêm trầm trọng. Theo chị Bình, cu Lỳ được xác định là “nạn nhân” chân thực nhất của vấn nạn nuôi nhốt động vật hoang dã làm thú cưng. Vết hằn không thể mọc lông quanh cổ là chứng tích của thời gian dài bị xích. Sau một thời gian nuôi nhốt, chủ nhân của em có thể vì chán, hoặc vì lý do nào đó đã vứt bỏ em lên rừng.
Những tưởng, việc đưa em trở lại rừng là tốt, là trả em về với tự do. Nào ngờ, cu Lỳ đã mất toàn toàn bản năng tự nhiên do nuôi nhốt thời gian dài. Em không thể tự kiếm ăn, không giỏi leo trèo và quan trọng hơn hết là không hòa nhập được với đàn khỉ vàng ở Sơn Trà, bởi em là giống khỉ đuôi lợn. Rừng Sơn Trà không phải là nhà của em...
Suốt nửa tháng điều trị tích cực, sức khỏe cu Lỳ dần ổn định. Các vết thương dần khô, kéo da non. Đôi mắt cu Lỳ trông dịu hiền, tươi vui hơn trước. Em không còn nhe răng, gầm gừ khi có người đến gần. Hằng ngày, sau giờ làm, chị Bình, chị Tuyết ghé lại bệnh viện thăm, trò chuyện cùng em. Chứng kiến cu Lỳ dần hồi phục, đi kèm với niềm vui là nỗi lo về cuộc đời của em sau khi xuất viện. Cu Lỳ khỏe dần, hai chị đưa cu Lỳ lên Sơn Trà, tập cho em khả năng vận động, sinh tồn trong tự nhiên. Cứ hai ngày một lần, hai chị lại đến “điểm hẹn” với cu Lỳ để bôi thuốc, vệ sinh vết thương. “Mỗi lần lên thăm, hễ nghe tiếng xe máy, nhìn thấy dáng hai chúng tôi từ xa là cu Lỳ chạy giữa đường để đón. Lúc chăm sóc vết thương, cu Lỳ ngoan ngoãn đứng yên. Khi chúng tôi mắng yêu, cu Lỳ lại có những hành động ôm mặt, ôm đầu ra vẻ đau, buồn bã trông rất đáng yêu. Hóa ra, động vật cũng biết cảm nhận, biết bộc lộ cảm xúc qua hành động nếu chúng ta thật sự gần gũi, thấu hiểu, thương yêu chúng”, chị Tuyết nói.
3. Bé Mưa là trường hợp bé khỉ sơ sinh bị lạc mẹ được một bạn trẻ cứu và nhờ Nhóm chăm sóc. Ngày chị Bình, chị Tuyết đến đón em đúng vào dịp miền Trung đang mùa mưa bão. Cái tên bé Mưa ra đời từ đó. Khi ấy, bé Mưa khoảng 1 tháng tuổi, yếu ớt, nhỏ xíu và chưa mọc răng. Hai chị đưa bé về nhà, thay nhau chăm sóc. Những ngày nuôi bé Mưa, hai chị không khác gì hai bà mẹ bỉm sữa. Hai chị tìm mua bình sữa, núm vú kích cỡ phù hợp với bé; tìm thú bông để bé ôm khi ngủ thay hơi ấm của mẹ.
Để không hạn chế hoạt động đi lại của bé, vừa giữ vệ sinh nhà cửa, hai chị mặc “bỉm” cho Mưa để em tự do chạy nhảy. Khi bé Mưa lớn hơn chút xíu, hai chị tập cho bé khả năng leo trèo, nhận biết cây trái, hái lá cây trong tự nhiên để ăn. Vài tháng sau, bé Mưa cứng cáp, mọc răng, chị Bình, chị Tuyết tái thả em về với đàn, với núi rừng Sơn Trà. “Ngày đưa bé Mưa về với đàn xong, hai chị em cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ như người thất tình. Về nhà, mỗi khi nhìn thấy núm vú, bình sữa hay thú bông của bé, nỗi nhớ bé lại da diết, cồn cào. Nhưng chúng tôi hiểu và động viên nhau, đó là giải pháp tốt nhất cho cuộc đời của bé, là sự tôn trọng đối với tự nhiên”, chị Bình kể lại. Không chỉ cứu hộ khỉ, chị Bình, chị Tuyết còn nhiều lần cứu Voọc, trăn, sóc, kỳ đà,... thoát khỏi những chủ nhân ích kỷ, thậm chí là bàn nhậu. Nói như anh Trần Thắng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, trong điều kiện nhân lực, vật lực của lực lượng kiểm lâm còn hạn chế, sự hỗ trợ nhiệt tình của các tổ chức, cá nhân, trong đó có nhóm cứu hộ của chị Bình, chị Tuyết đã giúp cung cấp thông tin kịp thời, chung tay cùng lực lượng chức năng trong công tác bảo tồn động vật hoang dã.
Nhiều tháng nay, chị Tuyết còn là tình nguyện viên tích cực tham gia hoạt động tuyên truyền, vận động người dân và du khách không cho khỉ ăn tại bán đảo Sơn Trà do Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng tổ chức. Khi được hỏi về ước muốn, không ai bảo ai, chị Bình, chị Tuyết đều có chung ý nghĩ rằng thành phố nói riêng, khu vực miền Trung nói chung cần sớm có một khu tái thả tạm thời để tập lại bản năng tự nhiên cho các loài động vật được cứu, trước khi thả hoàn toàn chúng về với tự nhiên. Suốt hơn 3 năm qua, chị Bình, chị Tuyết không đếm nổi đã đi bao nhiêu vòng quanh bán đảo Sơn Trà, cũng như không nhớ hết đã cứu bao nhiêu trường hợp động vật hoang dã. Chỉ biết, tình yêu thương đối với động vật, với thiên nhiên vẫn đang thôi thúc các chị hành động từng ngày. Với hai chị, hành trình “lấy núi làm nhà” chắc chắn chưa dừng lại và mục đích không gì khác ngoài cứu hộ động vật hoang dã, đưa chúng trở về với nơi chúng vốn thuộc về, góp phần bảo tồn sự đa dạng của tự nhiên, của núi rừng Sơn Trà.
Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, trong 2 năm 2019-2020, đơn vị đã tiếp nhận và tái thả lại môi trường tự nhiên 35 cá thể động vật hoang dã, trong đó 17 cá thể khỉ; tiếp nhận, bàn giao cho các đơn vị có chức năng chăm sóc, cứu hộ 2 cá thể Voọc chà vá chân nâu con, 1 cá thể khỉ đuôi lợn, 2 cá thể cầy vòi hương. Trong tháng 1-2021, đơn vị đã kịp thời bắt giữ và chuyển cho Trung tâm thú y Trường Sơn Việt cứu hộ thành công và tái thả về rừng 1 cá thể khỉ vàng. |
ÁNH DƯƠNG