Khát vọng Đà Nẵng

.

Sau ngày giải phóng 29-3-1975, Đà Nẵng là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, phố xá chỉ quanh quẩn mấy phường phía tây sông Hàn. Trục chính của thành phố lúc ấy là đường Điện Biên Phủ, Lý Thái Tổ, Hùng Vương cùng những “điểm nhấn” ít ỏi là những đài nước cũ; khu vực ngã năm Phan Châu Trinh; con dốc đường Thống Nhất (nay là Lê Duẩn) và bến phà sông Hàn.

Từ những năm đầu thập kỷ cuối cùng của thế kỷ trước, người ta nhận thấy Đà Nẵng đang trì trệ. Với cơ chế thành phố tương đương với cấp huyện thị,  Đà Nẵng như thân thể cường tráng phải bó mình trong chiếc áo chật...

Đầu năm 1997, Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Quyết định hợp thời hợp lúc của Trung ương đã mang đến cho Đà Nẵng luồng sinh khí mới, song cũng đặt ra thách thức không nhỏ. Để xứng đáng với tầm vóc thành phố trực thuộc Trung ương, cơ sở hạ tầng phải đi trước một bước. Và Đà Nẵng đã quyết liệt thực hiện mục tiêu đó. Đầu tiên là hình thành, xây dựng hai trục giao thông chính Đông-Tây (đường Nguyễn Văn Linh bây giờ) và trục Nam-Bắc (đường Hàm Nghi, Lê Đình Lý), xây dựng công trình huy động sức dân: cầu quay Sông Hàn. Tiếp theo đó, nhiều công trình, dự án lớn về giao thông được triển khai, hàng loạt khu dân cư mới, xây dựng hàng loạt cây cầu mới. Đà Nẵng thời điểm ấy như một đại công trình với gần 100.000 hộ dân giải tỏa, chiếm 1/3 tổng số hộ dân thành phố. Giải tỏa di dời từ vùng trũng, xóm nước đen, khu nhà chồ, hoặc những khu dân cư chật chội để đến nơi khang trang hơn, giải tỏa để nhường chỗ cho các công trình phúc lợi công cộng mọc lên, giải tỏa để xây dựng Đà Nẵng từ chỗ chỉ gần 400 con đường đã có thêm hơn 1.000 con đường mới với nhiều tuyến đại lộ thênh thang.

Cùng với đó, Đà Nẵng có những chủ trương, chương trình ý nghĩa: “Năm không - ba có” (không có: người đói, người mù chữ, người lang thang xin ăn, người nghiện ma túy trong cộng đồng và không có cướp của giết người); hỗ trợ 100% viện phí cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo; thu hút nhân tài; lập Quỹ vay vốn cho phụ nữ nghèo bị nạn bạo hành gia đình, đối tượng hình sự hết hạn cải tạo… Người dân thành phố ai cũng thuộc nằm lòng những chủ trương này và đây trở thành niềm tự hào của Đà Nẵng.  

Trên chặng dài gần 1/4 thế kỷ từ thời điểm trực thuộc Trung ương, bên cạnh thành tựu lớn lao đó, có thời điểm đã xảy ra vấp váp sai lầm, Đà Nẵng phải trả giá rất đắt và có lúc chựng lại. Những năm gần đây, nguồn thu từ đất đai giảm và chịu nhiều ảnh hưởng suy thoái kinh tế, Đà Nẵng mở hướng phát triển mạnh mẽ ngành du lịch, dịch vụ và đạt được thành công lớn. Nhưng rồi đại dịch Covid–19 xảy ra, Đà Nẵng lại đối mặt với khó khăn, thách thức, đòi hỏi lãnh đạo Đảng và chính quyền thành phố phải tìm hướng đi mới phù hợp để phát triển kinh tế, đẩy mạnh tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, đem lại phúc lợi cho dân.  

Trong bài viết đăng trên Báo Nhân Dân năm 2020, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng chỉ rõ: Về kinh tế, trong những năm tới, Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển với ba trụ cột: Tập trung phát triển ngành dịch vụ tạo ra giá trị gia tăng lớn, nhất là dịch vụ du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu quốc tế. Phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với xây dựng nền kinh tế số trong xu thế cách mạnh công nghiệp lần thứ tư. Tiếp tục đầu tư phát triển mạnh kinh tế biển gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo. Phát triển nông nghiệp phục vụ đô thị và du lịch gắn với cung ứng sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Những nội dung cốt lõi này đã thể hiện rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ  XXII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Ngay sau Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII, thành phố chọn chủ đề năm 2021 là “Năm khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế”. Những ngày đầu năm này, Đà Nẵng liên tiếp đón nhận tin vui khi nhiều dự án có số vốn lớn được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Mới đây, UBND thành phố đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 7 dự án trong và ngoài nước vào Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng với tổng vốn đăng ký hàng trăm triệu USD. Ngoài các dự án đầu tư nước ngoài, một số dự án đầu tư trong nước cũng đã tìm đến với Đà Nẵng. Những ngày cận kề kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng, tin vui nối tiếp tin vui: quận Cẩm Lệ và Ngũ Hành Sơn trở thành đơn vị hành chính loại 1; khởi động Khu du lịch Làng Vân; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; và mới đây nhất, ngày 25-3-2021, Chính phủ đã phê duyệt đầu tư bến cảng Liên Chiểu…

Trong thời điểm hiện tại, nguy cơ về Covid -19 vẫn chập chờn và chúng ta không được phép chủ quan. Nhưng với những thành công bước đầu trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII đã thổi một luồng gió mới để Đà Nẵng phát triển hơn trong thời gian đến. Từ những thành công tạo đà, chúng ta sẽ từng bước xây dựng Đà Nẵng trở thành một đô thị khởi nghiệp, sáng tạo, là trung tâm kinh tế-xã hội lớn của cả nước, là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên, hướng đến đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống.

Người Đà Nẵng tự hào về truyền thống của quê hương mình, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng trọn vẹn nhiệt huyết, cháy bỏng khát vọng xây dựng thành phố phát triển mạnh mẽ và bền vững, góp phần cùng đất nước đi lên, xứng đáng với niềm mến yêu của nhân dân cả nước và bạn bè thập phương.

NGUYỄN ĐỨC NAM

;
;
.
.
.
.
.