Phát huy vai trò của Mặt trận, các tổ chức thành viên trong công tác bầu cử

.

Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp đang tiến hành quá trình chuẩn bị và triển khai công tác giám sát bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 theo hướng linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, bảo đảm cuộc bầu cử đúng luật, thể hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của cử tri. Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng Ngô Xuân Thắng xung quanh những vấn đề này.

Ông Ngô Xuân Thắng
Ông Ngô Xuân Thắng

* Xin ông cho biết, với vai trò của mình, MTTQ Việt Nam sẽ tham gia vào những nội dung nào của công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026?

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp sẽ tham gia vào 6 nội dung của công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đó là tham gia thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử; tổ chức các hội nghị hiệp thương; tổ chức hội nghị cử tri và tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử; công tác tuyên truyền; công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư về bầu cử; công tác giám sát.

Đến thời điểm này, Mặt trận thành phố, huyện Hòa Vang và 11 xã của huyện Hòa Vang đã tổ chức xong hội nghị hiệp thương lần thứ nhất bảo đảm đúng thời gian và các nội dung quy định của pháp luật. Hiện nay Ủy ban bầu cử thành phố đã có thông báo tiếp nhận hồ sơ ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND thành phố. Mặt trận thành phố đã triển khai quy trình giới thiệu và đang tiếp nhận các biên bản giới thiệu người ứng cử của các địa phương và đơn vị gửi về, chậm nhất đến ngày 10-3-2021 phải hoàn thành. Tại huyện Hòa Vang, các bước của công tác bầu cử đại biểu HĐND huyện và đại biểu HĐND của 11 xã được tiến hành đúng tiến độ.

Về nội dung hoạt động kiểm tra, giám sát là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận các cấp. Thông qua giám sát, MTTQ Việt Nam góp phần vào công tác chuẩn bị, tuyên truyền và thông tin đầy đủ đến người dân, nhất là công tác lập danh sách người ứng cử, gợi ý các nội dung đầy đủ để người dân thấy được người mà mình dự kiến bầu để gửi gắm niềm tin; đồng thời cũng nắm được rõ chương trình hành động của người ứng cử để khi cầm lá phiếu của mình, cử tri sẽ lựa chọn được những người xứng đáng nhất.

Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất do Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức vào tháng 2-2021. Ảnh: TRỌNG HUY
Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất do Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức vào tháng 2-2021. Ảnh: TRỌNG HUY

* Những nội dung giám sát của Mặt trận đối với cuộc bầu cử lần này cũng như các giải pháp nhằm phát huy tối đa vai trò của MTTQ Việt Nam là gì, thưa ông?

- Mục đích của công tác giám sát nhằm phát huy vai trò của Mặt trận, các tổ chức thành viên và người dân, góp phần thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về bầu cử; thúc đẩy sự tham gia tích cực của người dân trong xây dựng chính quyền; kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập, thiếu sót nhằm giúp các địa phương khắc phục ngay trong quá trình chuẩn bị tổ chức bầu cử.

Để thực hiện tốt chức năng giám sát của Mặt trận trong cuộc bầu cử lần này, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã ban hành hướng dẫn về kiểm tra, giám sát công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 với 8 nội dung. Cụ thể là giám sát việc thành lập và hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử; kiểm tra, giám sát việc giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND và việc nộp hồ sơ ứng cử của người tự ứng cử, người được giới thiệu ứng cử; kiểm tra, giám sát việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử; giám sát việc lập, niêm yết danh sách cử tri; giám sát việc lập, niêm yết danh sách những người ứng cử; kiểm tra, giám sát việc tuyên truyền, vận động bầu cử; giám sát trình tự bỏ phiếu, việc kiểm phiếu; kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến công tác bầu cử.

Để thực hiện các nội dung trên, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã ban hành các quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, xây dựng lịch trình chi tiết các công việc, nhiệm vụ mà Mặt trận các cấp tham gia trong cuộc bầu cử; phân công nhiệm vụ cho từng ban, từng cán bộ thực hiện, gắn với các mốc thời gian hoàn thành.

* Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 có những điểm mới nào?

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, trong đó có hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, chất lượng và tính chuyên nghiệp của đại biểu phải được nâng lên. Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 có một số điểm mới so với nhiệm kỳ trước.

Cụ thể, về tiêu chuẩn của ứng cử viên ĐBQH, ngoài việc phải bảo đảm các tiêu chuẩn chung theo Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, nhiệm kỳ này bổ sung thêm tiêu chuẩn tại Khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2020, đó là ĐBQH “có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”. Đối với ứng cử viên là đại biểu HĐND, ngoài việc phải bảo đảm các tiêu chuẩn chung của đại biểu HĐND theo Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019, đó là đại biểu HĐND “có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”.

Việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét của cử tri kỳ này có 2 điểm mới, gồm trường hợp người được dự kiến giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND không đạt sự tín nhiệm của hơn 50% số cử tri tham dự hội nghị cử tri nơi công tác thì Ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức việc giới thiệu người khác. Thứ hai, những trường hợp người ứng cử không đạt sự tín nhiệm của hơn 50% số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri nơi cư trú thì không đưa vào danh sách giới thiệu tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba, trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo rõ để hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội quy định tăng đại biểu chuyên trách và giảm đại biểu các khối khác, đặc biệt là khối hành pháp. Theo quy định, Quốc hội khóa XV có tổng số 500 đại biểu, trong đó đại biểu chuyên trách tăng từ 35% lên ít nhất 40% (tương ứng tăng khoảng 19 đại biểu chuyên trách), nâng cao tính chuyên nghiệp của ĐBQH.

Theo quy định, cuộc bầu cử lần này việc hướng dẫn số dư người ứng cử tại mỗi đơn vị bầu cử được quy định rõ hơn, bảo đảm các vòng hiệp thương có sự lựa chọn, khắc phục tình trạng hiệp thương không có số dư, hiệp thương “tròn” ở các địa phương.

Về cơ cấu thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ này, cơ cấu nữ và trẻ tuổi (dưới 40 tuổi), người dân tộc thiểu số được quan tâm hơn. Mục tiêu phấn đấu là tỷ lệ phụ nữ trúng cử là khoảng 30% tổng số đại biểu HĐND (nhiệm kỳ trước không quy định).

Quy định công tác bầu cử lần này nêu rõ cần quan tâm đến những dân tộc thiểu số trong nhiều khóa chưa có người tham gia vào hoạt động của HĐND (nhiệm kỳ trước không quy định); giảm tỷ lệ người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND công tác ở các cơ quan quản lý Nhà nước so với nhiệm kỳ 2016-2021 (nhiệm kỳ trước không quy định).

Việc tổ chức tiếp xúc cử tri vận động bầu cử cho các ứng cử viên do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận các cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri thống nhất với Ủy ban bầu cử cùng cấp về số cuộc tiếp xúc cử tri, trên cơ sở đó thông báo cho người ứng cử để người ứng cử chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện, nhằm bảo đảm tính dân chủ, công khai, minh bạch và công bằng giữa các ứng cử viên với nhau.

Bên cạnh đó, điểm mới trong các hướng dẫn cũng đề cập tới việc tổ chức hội nghị hiệp thương và hội nghị tiếp xúc cử tri trong điều kiện giãn cách do Covid-19.

* Trân trọng cảm ơn ông!

TRỌNG HUY thực hiện

;
;
.
.
.
.
.