Cảnh giác phòng chống cháy nổ mùa nắng nóng

.

Khu vực miền Trung đang bước vào thời điểm nắng nóng kéo dài, thời tiết khô hanh tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng của người dân. Theo lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, có 2 nhóm nguyên nhân gây cháy chủ yếu, đó là do sự cố hệ thống điện, thiết bị điện và sơ suất của con người trong sử dụng lửa, xăng dầu, khí đốt, hóa chất.

Người dân cần nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy, nhất là trong mùa hè. TRONG ẢNH: Các lực lượng diễn tập phòng cháy, chữa cháy tại chợ Mân Thái, quận Sơn Trà.  Ảnh: KIM LIÊN
Người dân cần nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy, nhất là trong mùa hè. TRONG ẢNH: Các lực lượng diễn tập phòng cháy, chữa cháy tại chợ Mân Thái, quận Sơn Trà. Ảnh: KIM LIÊN

Cảnh giác cháy tại các khu dân cư

Các khu dân cư trên địa bàn thành phố có nhiều nhà diện tích nhỏ, nằm sâu trong kiệt, hẻm với mạng lưới dây điện chằng chịt, áp sát nhau, tiềm ẩn nguy cơ cháy. Những ngôi nhà trong kiệt, hẻm được thiết kế dạng nhà ống, chỉ duy nhất một lối thoát hiểm tại cửa chính. Nơi này cũng được người dân tận dụng để vật dụng, xe máy, xe điện vào ban đêm nên khi xảy ra cháy nổ sẽ rất khó khăn trong việc cứu chữa và thoát hiểm...

Vào sâu trong kiệt 292 đường Hải Phòng (quận Thanh Khê) chẳng khác đi vào “ma trận”. Cứ hơn chục mét lại có một ngã rẽ và lối đi chỉ vừa đủ hai xe ngược chiều né nhau. Bên cạnh đó, nhiều người dân còn tận dụng lối đi của kiệt, hẻm dựng xe máy, thậm chí đem lò than ra nấu nướng. Điều này càng khiến nguy cơ cháy nổ càng dễ xảy ra và việc thoát hiểm thêm phần khó khăn.

Ông N.V.H (60 tuổi, trú kiệt 292 đường Hải Phòng) cho biết: “Trước đây, chính quyền địa phương vận động người dân trang bị bình chữa cháy xách tay. Tuy nhiên, khi mua về thì thấy vướng víu, chật chội nên đem đi cất, giờ cũng không rõ nằm ở vị trí nào. Hầu hết bình chữa cháy xách tay của người dân đều mua từ lâu, chắc cũng hư hỏng hoặc hết hạn sử dụng”.

Thời gian qua, có không ít vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh xuất phát từ sự bất cẩn trong việc sử dụng nguồn điện, nguồn lửa. Qua thực tế tại các tuyến đường Lê Duẩn, Hùng Vương, Ông Ích Khiêm…, chúng tôi ghi nhận tình trạng biển hiệu, biển quảng cáo che chắn lối thoát hiểm nhiều nhà mặt tiền.

Theo đó, ban công tầng 2, tầng 3 bị các giàn chống đỡ và biển hiệu, biển quảng cáo vây kín mít. Khi xảy ra cháy, không những không có lối thoát từ ban công mà còn nguy cơ trở thành “lò nung” các tầng lầu, độ nguy hiểm cao hơn.

Chị L.T.T.H (30 tuổi, chủ một cửa hàng thời trang trên đường Lê Duẩn) nói: “Tôi thuê tầng 1 buôn bán, còn tầng 2 chủ nhà ở. Diện tích nhỏ nhưng thuê với giá đắt đỏ nên phải tận dụng tối đa để chứa hàng hóa và những vật dụng thiết yếu sinh hoạt hằng ngày. Để gây sự chú ý của khách hàng, không riêng gì nơi đây, hầu hết các cửa hàng đều gắn biển hiệu quảng cáo lớn phía trước”.

Thượng tá Nguyễn Thành Nam, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH), Công an thành phố cho biết: Qua khảo sát hơn 6.400 nhà ở kết hợp kinh doanh trên địa bàn thành phố, lực lượng chức năng nhận thấy, phần lớn đều có điểm chung là tận dụng tối đa diện tích để chứa hàng hóa, hầu hết hàng hóa lại dễ cháy. Lối thoát hiểm ở tầng trên bị biển hiệu, biển quảng cáo che kín.

Bên cạnh đó, những nhà này sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt rất nhiều, cách sử dụng nguồn điện chưa bảo đảm an toàn. Đặc biệt, ban đêm, toàn bộ phương tiện như xe máy, thậm chí ô-tô đều được đưa vào nhà…

“Ngoài việc trang bị thiết bị chữa cháy xách tay, mỗi căn nhà phải có ít nhất hai lối thoát nạn; đồng thời, không để vật dụng, hàng hóa dễ cháy ở lối thoát hiểm. Thế nhưng, những yêu cầu này thường bị bỏ quên. Vì vậy, những năm qua, cháy ở khu dân cư vẫn chiếm tỷ lệ rất cao, hơn 60%”, Thượng tá Nguyễn Thành Nam nhấn mạnh.

Thực tế khác cho thấy, nhiều căn nhà dù nằm trong khu vực đã được quy hoạch, chỉnh trang, có lối thoát hiểm phía sau nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn. Bởi hiện nay, nhiều người dân xây tường kiên cố, bịt lối thoát hiểm thành khoảnh sân sau nhà; thậm chí vẫn còn có thói quen đem củi ra khu vực đường thoát hiểm để nấu nướng.

Khảo sát tại nhiều tuyến đường trên địa bàn các quận Hải Châu, Thanh Khê, chúng tôi ghi nhận tình trạng người dân dựng vách kiên cố tại lối thoát hiểm diễn ra khá phổ biến. Đó cũng là thực tế chung của nhiều hộ dân sống trên các tuyến đường phố trong nội thành.

Khi được hỏi vì sao không chừa lối thoát hiểm trong trường hợp hỏa hoạn xảy ra, một người phụ nữ trả lời: “Nhà mặt tiền, dễ gì cháy. Mà nếu cháy thì chạy ra cửa chính cho nhanh và an toàn”.

Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy - cứu nạn cứu hộ, Công an quận Thanh Khê tổ chức thực tập phương án phòng cháy, chữa cháy cho người dân trên địa bàn phường Tân Chính ngày 27-3. Ảnh: LÊ HÙNG
Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy - cứu nạn cứu hộ, Công an quận Thanh Khê tổ chức thực tập phương án phòng cháy, chữa cháy cho người dân trên địa bàn phường Tân Chính ngày 27-3. Ảnh: LÊ HÙNG

Cần trang bị và sử dụng thành thạo thiết bị chữa cháy

Theo ghi nhận tại các khu chung cư trên địa bàn quận Sơn Trà, đa số người dân đều tỏ ra mơ hồ, không nắm rõ về quy trình, cách thức sử dụng các phương tiện PCCC. Tại chung cư 4A (đường Chu Huy Mân, phường Nại Hiên Đông), công tác PCCC khá lỏng lẻo, hệ thống báo cháy không có tác dụng.

Đặc biệt, các bình chữa cháy mini của mỗi hộ gia đình tại đây được cấp từ khá lâu, nhiều bình đã hư hỏng. Mặt khác, khi được hỏi, đa số người dân đều không biết cách sử dụng các bình chữa cháy mini.

Bà Trần Thị Thanh Hòa (tổ 9, phường Nại Hiên Đông) cho biết, năm 2018, Công an phường và Ban quản trị chung cư có tổ chức tập huấn, hướng dẫn công tác PCCC cho người dân.

Tuy nhiên, do cách trình bày trên máy chiếu không trực quan, hấp dẫn nên nhiều người không mặn mà với buổi tập huấn. Bên cạnh đó, chung cư có nhà xe riêng nhưng hiện nhiều người vẫn mang xe vào không gian tầng 1 nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.

Tại các chung cư A3, A4 Vincoland (đường Vân Đồn, phường Nại Hiên Đông) và các chung cư xung quanh, tình trạng lơ là, chủ quan trong công tác PCCC cũng tương tự. Đi dọc hành lang, cầu thang bộ các chung cư trên, dễ dàng nhìn thấy các bình chữa cháy mini được đặt lộn xộn, bị đồ đạc che khuất.

Người dân tại đây cho biết, những bình chữa cháy trên đã được trang bị cách đây gần 10 năm; nhiều bình gãy vòi xịt, rỉ sét, không còn hạn sử dụng. Ngoài ra, nhiều ban công của các căn hộ được cơi nới và rào kín bằng lưới sắt, khiến việc cứu hộ cũng như thoát nạn trở nên khó khăn khi hỏa hoạn xảy ra.

Chị Cao Thiên Nga (Tổ trưởng tổ 29, phường Nại Hiên Đông) chia sẻ: “Người dân tại chung cư phản ánh rất nhiều về việc chưa được tập huấn và kiểm tra, thay mới các dụng cụ PCCC. Do đó, tôi nhiều lần đề ý kiến lên Ban Quản trị chung cư nhưng vẫn chưa được giải quyết. Hy vọng trong thời gian đến, các cơ quan chức năng sẽ đến kiểm tra, giải quyết mối lo cháy nổ để người dân an tâm sinh sống”.

Tại các chợ trên địa bàn, công tác PCCC rất được quan tâm, kiểm tra thường xuyên. Tuy nhiên, vào mùa nắng nóng, hiểm họa cháy nổ tại một số chợ dân sinh nhỏ vẫn luôn thường trực. Đơn cử như chợ Mân Thái (quận Sơn Trà), một số bình chữa cháy mini do đặt tại nơi ẩm ướt nên đã xảy ra tình trạng rỉ sét mặc dù còn hạn sử dụng.

Một số tiểu thương chưa biết cách sử dụng bình chữa cháy nhưng vẫn lén lút thắp nhang cầu mua may bán đắt, mặc dù hành vi trên nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý rất nặng. Ngoài ra, theo quan sát tại nhiều chợ khác, đường dây điện xuống cấp nên nguy cơ cháy nổ, hỏa hoạn rất cao.

Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH cho biết, nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn ở mọi nơi. Chỉ một chút lơ là, bất cẩn có thể xảy gây ra các đám cháy lớn, hậu quả khôn lường.

“Để bảo đảm an toàn cho quá trình sử dụng hệ thống PCCC, hạn chế tối đa các tình huống rủi ro không mong muốn, người dân cần phải biết sử dụng bình chữa cháy xách tay để biết dập tắt đám cháy nhỏ, ngăn cháy thành ngọn lửa lớn, thường xuyên kiểm tra chất lượng các bình chữa cháy. Nếu bình nào không bảo đảm, hết hạn sử dụng được thì thay mới”, Thượng tá Nguyễn Thành Nam nhắc nhở.

Theo Phòng Cảnh sát PCCC -  CNCH, từ ngày 15-12-2020 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 28 vụ cháy (25 vụ cháy dân sự, 3 vụ cháy rừng), không xảy ra cháy lớn, không thiệt hại về người. Trong đó, một số vụ cháy xuất phát từ nguyên nhân chập điện do ý thức của người dân trong việc sử dụng ngọn lửa trần như đốt rác gây cháy lan…

LÊ HÙNG - XUÂN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.