"Bảo tàng sống" ở trung tâm thành phố

.

Việc quy hoạch khu vực riêng ở quận trung tâm Hải Châu để làm “Bảo tàng sống” không chỉ góp phần phát triển du lịch mà còn lưu giữ hồn đô thị truyền thống qua hình ảnh cuộc sống của cư dân địa phương.

Khu vực quy hoạch làm “Bảo tàng sống” thuộc địa bàn quận Hải Châu. Ảnh: Đ.H.L
Khu vực quy hoạch làm “Bảo tàng sống” thuộc địa bàn quận Hải Châu. Ảnh: Đ.H.L

“Để mãi mãi là một thành phố có ký ức”

Sau khi UBND thành phố công bố đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, ý tưởng hình thành một “bảo tàng sống” với khu vực đô thị rộng 11ha ngay ở trung tâm quận Hải Châu được người dân và những nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử đồng tình ủng hộ.

Theo quy hoạch, “Bảo tàng sống” bao gồm một phần khu dân cư các tuyến đường Hùng Vương, Phan Châu Trinh, Hoàng Diệu, Ngô Gia Tự, Trần Bình Trọng, Triệu Nữ Vương và Lê Đình Dương; cùng các kiệt, hẻm ngoằn nghèo, đan xen nhau với tâm điểm là đình làng Hải Châu.

Đây là ý tưởng của đơn vị tư vấn Singapore và được thành phố thống nhất lựa chọn sau khi đưa ra nhiều địa điểm ở quận Sơn Trà và Hải Châu. Khu vực trung tâm này có ưu thế là có đình làng Hải Châu và dân cư đông đúc sống xung quanh, cùng với nhiều khu phố ẩm thực và phố đi bộ được hình thành trong tương lai.

Với tư cách là người nghiên cứu văn hóa - lịch sử, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng chia sẻ: “Tôi rất tâm đắc với ý tưởng này. Theo tôi, trong quá trình phát triển của mình, để mãi mãi là một thành phố có ký ức, Đà Nẵng cùng lúc phải làm hai việc liên quan đến mục tiêu “giữ hồn cho phố”, lưu giữ những nét đặc trưng văn hóa của người Đà Nẵng: một là phải xây dựng những bảo tàng “sống” và hai là phải hình thành những “Bảo tàng sống”.

Lý giải về sự ủng hộ này, ông Bùi Văn Tiếng cho rằng, Đà Nẵng đang có một hệ thống bảo tàng đa dạng, trong đó có những bảo tàng độc nhất vô nhị riêng có của thành phố như Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Nhà trưng bày Hoàng Sa, Bảo tàng Văn hóa Phật giáo... Đà Nẵng cần phấn đấu để tất cả các bảo tàng của mình đều trở thành “Bảo tàng sống”, nghĩa là những bảo tàng mà ở đó các hiện vật được trưng bày không chỉ và chủ yếu không phải là các tĩnh vật.

Làm thế nào để trong các bảo tàng của Đà Nẵng, mỗi hiện vật được trưng bày, bằng ngôn ngữ riêng của mình, đều tạo cảm giác dường như chúng đang sống, đang thỏ thẻ tâm tình cùng khách tham quan về những câu chuyện quá khứ liên quan đến đất và người Đà Nẵng. Hy vọng trong quá trình đẩy mạnh chuyển đổi số hiện nay, hệ thống bảo tàng của Đà Nẵng sẽ ngày càng trở nên sống động và với sức hấp dẫn của các bảo tàng, Đà Nẵng sẽ làm tốt hơn nữa việc “giữ hồn cho phố”.

Ủng hộ cho ý tưởng quy hoạch trên, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cũng cho rằng, ý tưởng làm bảo tàng sống là quá hay và hài hòa, vì giúp tạo lập một đô thị hiện đại có tính kế thừa giữa quá khứ, hiện tại với tương lai. “Đó là những dấu ấn di sản hơn 100 năm của Đà Nẵng còn tồn tại, là bảo tàng sống trong lòng đô thị mà không phải nơi nào cũng có được”, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện nhấn mạnh.

Sớm có kế hoạch bảo tồn phù hợp

Sau khi quy hoạch, khu vực làm “Bảo tàng sống” sẽ được thành phố hạn chế xây dựng nhà cao tầng để tránh phá vỡ cảnh quan và giúp giữ lại lối sinh hoạt truyền thống của cư dân, định hình đây là khu phố cũ trung tâm Đà Nẵng. Với tâm điểm là đình làng Hải Châu - nơi các bậc tiền hiền từ làng Hải Châu (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) vào khai phá đất đai, lập làng từ cuối thế kỷ 15, việc cải tạo và mở rộng đình làng Hải Châu là rất cần thiết để tạo không gian cho người dân và du khách.

Ông Võ Trường Anh, Chủ tịch UBND phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu) cho biết, hiện phường Hải Châu 1 và quận Hải Châu đã đề nghị thành phố cho đầu tư cải tạo đình làng Hải Châu, sửa chữa mái ngói, làm lại tháp chuông và quy hoạch cảnh quan cây xanh. Bên cạnh đó, thực hiện nạo vét hồ đình làng và giải tỏa mở rộng kiệt K48 Phan Châu Trinh và K75 Hùng Vương nhằm tạo lối đi thuận lợi vào đình.

“Việc quy hoạch “Bảo tàng sống” phù hợp mong muốn của nhân dân phường bởi nó góp phần gìn giữ và phát huy đình làng Hải Châu, đồng thời tạo điều kiện cho người dân đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh du lịch tăng nguồn thu, giúp các hộ khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống”, ông Võ Trường Anh khẳng định.

Theo ông Bùi Văn Tiếng, cái hồn cốt của một “Bảo tàng sống” không chỉ là những phố đêm, những phố đi bộ, những phố “không ngủ”. Sức sống, sức hấp dẫn của một “Bảo tàng sống” là nhịp sống thường nhật của cư dân bản địa. Để biến ý tưởng này thành hiện thực và từng bước gầy dựng “bảo tàng sống” ở khu trung tâm quận Hải Châu là nhanh chóng kiểm kê và có kế hoạch bảo tồn phù hợp những di sản văn hóa lịch sử - kiến trúc trên địa bàn, ngoài đình làng Hải Châu, nhà lưu niệm Phan Châu Trinh, nhà số 79 Hoàng Diệu… mà báo chí đã nhắc đến, còn có nhà Cự Tùng đường Trần Bình Trọng, giao lộ Ngã Năm, đình làng Phước Ninh, chợ Cây Me… Nên nhớ rằng thời gian qua, chúng ta đã làm biến dạng hoàn toàn Rạp Chiếu bóng Lido trên đường Phan Châu Trinh… Do vậy, không chỉ đặt vấn đề cần làm những gì mà còn và quan trọng hơn là phải đặt vấn đề không nên làm những gì.

“Về việc xây dựng những “Bảo tàng sống” - tôi nhấn mạnh chữ “những” - có thể nói người Đà Nẵng rất hoan nghênh các nhà quy hoạch đặc biệt là các nhà tư vấn quy hoạch Singapore lần này đã có ý tưởng hình thành một bảo tàng sống ở khu trung tâm quận Hải Châu. Việc chọn một phần khu dân cư các tuyến đường Hùng Vương, Phan Châu Trinh, Hoàng Diệu, Ngô Gia Tự, Trần Bình Trọng, Triệu Nữ Vương và Lê Đình Dương với tâm điểm là đình làng Hải Châu để hình thành “Bảo tàng sống” theo tôi là hợp lý, bởi công bằng mà nói trong nửa thế kỷ qua khu vực này được xem là “bình an” nhất, ít biến động nhất trong cơn lốc đô thị hóa. Đó là chưa kể riêng tên làng Hải Châu cũng được xem là điểm son ứng xử văn hóa của những lưu-dân-bản-địa khi “gánh cả tên xã tên làng” từ huyện Tĩnh Gia tỉnh Thanh Hóa vào đây”

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng


ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.