Mặt trận giám sát để bầu cử thành công

.

Để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công tốt đẹp, cùng với tổ chức các hội nghị hiệp thương giới thiệu người ứng cử cơ quan dân cử các cấp, Mặt trận các cấp thực hiện nhiệm vụ giám sát bảo đảm bầu cử diễn ra dân chủ, đúng luật và trở thành ngày hội của toàn dân. Đến nay, công tác giám sát của Mặt trận các cấp thành phố đang bước vào giai đoạn cao điểm.

Cán bộ Mặt trận huyện Hòa Vang kiểm tra, giám sát việc niêm yết danh sách cử tri, danh sách, tiểu sử tóm tắt của người ứng cử tại xã Hòa Châu. Ảnh: MINH SƠN
Cán bộ Mặt trận huyện Hòa Vang kiểm tra, giám sát việc niêm yết danh sách cử tri, danh sách, tiểu sử tóm tắt của người ứng cử tại xã Hòa Châu. Ảnh: MINH SƠN

Theo kế hoạch giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, từ nay đến ngày 23-5, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và Mặt trận các quận, huyện, phường, xã sẽ kiểm tra, giám sát hoạt động tuyên truyền, vận động bầu cử và giám sát trong ngày bầu cử.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Dương Đình Liễu cho biết, do Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc triển khai tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử của ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp bằng hình thức trực tuyến.

“Hoạt động giám sát phải bảo đảm các yêu cầu cốt lõi là việc vận động bầu cử công bằng, dân chủ, đúng luật. Những người có tên trong danh sách ứng cử, không phân biệt chức vụ, địa vị công tác đều có quyền vận động bầu cử như nhau”, ông Liễu nói.

Theo ông Liễu, trong quá trình vận động bầu cử, những người ứng cử bảo đảm các điều kiện như nhau, từ kinh phí vận động bầu cử tới việc tiếp xúc cử tri hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc cử tri là nơi để ứng cử viên báo cáo với cử tri dự kiến thực hiện trách nhiệm của người đại biểu nếu trúng cử. Hội nghị cần tuân thủ theo thứ tự của họ, tên người ứng cử được xếp theo A,B,C..., không ưu tiên cho riêng ai, với một thời lượng bằng nhau để trình bày chương trình hành động của mình.

Bên cạnh đó, Mặt trận các cấp triển khai giám sát việc vận động bầu cử thông qua phương tiện thông tin đại chúng. Theo đó, sẽ giám sát trách nhiệm của các cơ quan trong việc đăng tải nội dung vận động bầu cử, chương trình hành động của người ứng cử. Việc đăng tải nội dung vận động bầu cử phải bảo đảm công bằng về số lượng các lần trả lời phỏng vấn, đăng tải chương trình hành động giữa những người ứng cử.

“Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã có hướng dẫn cụ thể về công tác tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp vận động bầu cử. Nguyên tắc cơ bản là người ứng cử ở đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử đó. Các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của các tổ chức này không được vận động cho người ứng cử”, ông Liễu nói.

Theo ông Liễu, đối với việc giám sát trình tự bầu cử, thể thức bỏ phiếu trong ngày bầu cử, Mặt trận các cấp tiến hành giám sát thẻ cử tri, việc bố trí khu vực bỏ phiếu; việc chấp hành nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín; không bỏ phiếu hộ người khác; việc đóng dấu “Đã đi bầu” của tổ bầu cử vào thẻ cử tri đối với cử tri đã bỏ phiếu bầu; việc mở hòm phiếu và kiểm phiếu; việc ghi biên bản và kết quả bầu cử.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hải Châu Hoàng Minh Trinh cho biết, công tác giám sát hoạt động bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thành phố phải thật sự công khai, khách quan nhằm bảo đảm phát huy quyền làm chủ của cử tri và nghĩa vụ, trách nhiệm, vinh dự của công dân khi lựa chọn bầu những người đủ đức, đủ tài đại diện cho nhân dân trong các cơ quan dân cử.

Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hòa Vang Bùi Nam Dũng cho biết, Hòa Vang là địa phương thực hiện bầu cử đầy đủ 4 cấp (Quốc hội, HĐND thành phố, HĐND huyện và HĐND xã), do đó hoạt động kiểm tra, giám sát bầu cử càng có ý nghĩa quan trọng. Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại 11 xã thuộc huyện.

Việc kiểm tra vận động bầu cử thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri bảo đảm các yêu cầu về cơ quan chủ trì, thành phần, số lượng cử tri tham dự hội nghị; cách bố trí, sắp xếp địa điểm tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri; bảo đảm các nội dung của chương trình hội nghị tiếp xúc cử tri và bảo đảm công bằng về số lượng các hội nghị tiếp xúc cử tri giữa những người ứng cử.

MINH SƠN

;
;
.
.
.
.
.