Chung tay xây dựng thành phố môi trường

.

Thành phố Đà Nẵng đang huy động các nguồn lực để chung tay  thực hiện có hiệu quả đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030, trong đó có giải pháp bảo vệ nguồn nước và quản lý chất thải rắn.

Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng đưa vào vận hành xe cào rác mới để nâng cao chất lượng dịch vụ vệ sinh, thu gom rác tại các bãi biển của thành phố. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng đưa vào vận hành xe cào rác mới để nâng cao chất lượng dịch vụ vệ sinh, thu gom rác tại các bãi biển của thành phố. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Hưởng ứng ngày Môi trường thế giới (5-6) năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức lễ ký kết, khởi động dự án “Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước” và dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương” với tổng kinh phí 13 tỷ đồng.

Dự án “Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước” do Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Cộng đồng (CECR) triển khai trong khuôn khổ Chương trình sáng kiến địa phương (Local work) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, triển khai tại thành phố Đà Nẵng từ nay đến tháng 12-2023. Dự án này có các hoạt động chủ yếu là ngăn ngừa ô nhiễm nước tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang; xây dựng mô hình khu dân cư phát triển bền vững (2 khu dân cư tại quận Thanh Khê và 3 thôn tại huyện Hòa Vang, 1 mô hình chăn nuôi heo tiết kiệm nước, 2 mô hình cộng đồng bảo vệ nguồn nước); thúc đẩy các sáng kiến sử dụng nước thông minh và tái sử dụng nước trong doanh nghiệp; phối hợp triển khai các hoạt động của Ban Điều phối lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”...

Bên cạnh đó, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GREENHUB) cũng đã triển khai dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương” do USAID tài trợ với các hoạt động chính như: hỗ trợ xây dựng và triển khai kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa cấp quận; hỗ trợ xây dựng và thực hiện chính sách liên quan đến quản lý rác thải nhựa cấp thành phố; chia sẻ thông tin và truyền thông kết nối thông qua nền tảng số; kết nối, trao đổi bài học kinh nghiệm giữa các địa phương trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa...

Sau 12 năm thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”, thành phố đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, thành phố vẫn đang đối diện với những thách thức từ việc quản lý chất thải rắn khi hiện nay, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hàng ngày là khoảng 1.000 tấn/ngày và dự báo đến năm 2030 là 2.000-2.200 tấn/ngày; khối lượng chất thải công nghiệp 700 tấn/ngày; khối lượng chất thải rắn y tế 18 tấn/ngày..., đòi hỏi phải được thu gom và xử lý theo đúng quy định.

Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng Phạm Thanh Phúc, để chung tay cùng thành phố thực hiện thành công đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030, công ty sẽ nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ vệ sinh môi trường, thu gom rác tại khu vực bãi biển, tuyến đường đô thị; thực hiện cơ giới hóa, từng bước xóa các điểm tập kết rác tạm trên đường phố; triển khai thu gom rác theo giờ tại các khu dân cư. Công ty nỗ lực, phấn đấu tăng tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị lên hơn 95%... Đồng thời, đề xuất đầu tư nâng cấp, mở rộng khu xử lý chất thải nguy hại tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn để xử lý chất thải công nghiệp, y tế.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, UBND thành phố đang xem xét phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư nhà máy đốt chất thải rắn phát điện có công suất 650 tấn/ngày của Công ty CP Môi trường Việt Nam để công ty hoàn thiện một số thủ tục chuẩn bị đầu tư còn lại nhằm khởi công xây dựng nhà máy. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng đã hoàn thành lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 trong phạm vi khoảng cách an toàn vệ sinh 1.000m so với bãi rác Khánh Sơn hiện nay để triển khai đền bù giải tỏa, bố trí tái định cư, xây dựng các công trình hạ tầng xã hội, các công trình khác... Sở đang trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo cũng như kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý chất thải rắn tại khu vực này.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Văn Hùng cho rằng, những năm qua, thành phố rất cố gắng trong việc kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý chất thải rắn. Bên cạnh đó, sau một thời gian thuyết phục, người dân ở khu vực xung quanh bãi rác Khánh Sơn đã đồng ý cho tiếp tục đầu tư bãi rác thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn hiện đại thay vì phải đóng cửa. Vào các ngày cuối tuần, người dân, hội viên phụ nữ, đoàn viên thanh niên, cựu chiến bình... đều ra quân tổng dọn về sinh môi trường, thu gom rác, phân loại rác tại nguồn, thu gom rác tài nguyên, trồng cây xanh... “Sự đồng thuận và chung tay của người dân là một trong những nền tảng quan trọng giúp thành phố thực hiện thành công đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” trong giai đoạn 2021-2030”, ông Tô Văn Hùng nhấn mạnh.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích