Gặp tác giả chuyên đề "Mỗi tuần một chuyện"

.

Ông Nguyễn Vân Nam, 89 tuổi, ở phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn), tham gia cách mạng từ tuổi thiếu niên, nhiều năm gắn bó với nghề báo. Dẫu tuổi cao sức yếu, ông vẫn còn nhớ như in những ký ức sâu sắc trong nghề cầm bút. Ông chính là tác giả chuyên đề “Mỗi tuần một chuyện” trên Đài Phát thanh tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng sau ngày đất nước thống nhất.

Nhà báo Nguyễn Vân Nam. Ảnh: LÊ VĂN THƠM
Nhà báo Nguyễn Vân Nam. Ảnh: LÊ VĂN THƠM

Cách mạng Tháng Tám thành công, mới 13 tuổi, cậu thiếu niên Nguyễn Vân Nam đã làm chiến sĩ liên lạc của Đội Tự vệ chiến đấu thành phố Đà Nẵng. Tiếp đó, Nam gia nhập Trung đoàn 108 - Trung đoàn chủ lực của Liên khu 5. Thấy người thiếu niên thông minh, lanh lợi, Ban Chỉ huy Trung đoàn bố trí Nam vào Ban Địch vận với nhiệm vụ hoạt động nội thành. Từ năm 1947, Nam đến ở trong nhà một người quen tại khu vực trung tâm Đà Nẵng, đóng vai đứa trẻ đánh giày; thu thập các thông tin về quân xâm lược, báo cáo cho lãnh đạo đơn vị; đồng thời nhận và chuyển tin từ một cơ sở nội tuyến của ta trong quân đội Pháp.

Hằng ngày, Nam đi đánh giày tại các hàng quán thường có binh sĩ Pháp ăn uống. Cơ sở nội tuyến giả làm người cần đánh giày, khéo léo chuyển tin cho Nam thông qua việc bắt tay, trả tiền hoặc mời thuốc lá… Nhận mẩu tin xong, Nam tiếp tục đi đánh giày và bí mật đặt mẩu tin ấy vào hòm thư chết để cơ sở của ta đến nhận và chuyển về hậu cứ Trung đoàn đóng tại vùng tây Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam). Qua đó, nhiều âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù được Ban Chỉ huy Trung đoàn 108 nắm bắt kịp thời và chủ động tổ chức đánh địch, gây cho chúng những thất bại nặng nề.

Đầu năm 1951, do có kẻ chỉ điểm, ông Nam sa vào tay giặc, bị giam cầm, tra tấn tại nhà lao Con Gà (Đà Nẵng). Bất chấp bao cực hình tàn khốc của quân thù, ông hăng hái tham gia cuộc đấu tranh biến lao tù đế quốc thành trường học cách mạng. Đến tháng 8-1954, người chiến sĩ trẻ được ra tù theo chính sách trao trả tù binh của Hiệp định Genève. Từ đó, ông Nam tập kết ra Bắc, được vào học tại Khoa Báo chí, Trường Đại học Nhân dân (Hà Nội). Bền bỉ học tập, phấn đấu, ông trở thành phóng viên Báo Lao Động và nhiều năm làm phóng viên thường trú tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định; tiếp đó được điều sang làm phóng viên Đài Phát thanh tỉnh Nam Định.

Ông có hàng ngàn bài viết nói về phong trào “Thanh niên 3 sẵn sàng”, “Phụ nữ 3 đảm đang”, nhiệm vụ xây dựng nông trường trên hậu phương miền Bắc, các đoàn quân giải phóng bừng bừng khí thế tiến vào Nam... Hơn nửa thế kỷ trôi qua, ông Nam vẫn còn nhớ rõ lúc làm phóng viên thường trú tại Quảng Ninh, ông được trang bị 1 chiếc máy đánh chữ, đánh bài xong, bỏ vào bì thư, gửi về Tòa soạn Báo Lao Động ở Hà Nội theo đường bưu điện, có khi cả tuần lễ mới đến nơi. Chiếc máy đánh chữ này hiện được trưng bày trong Bảo tàng Báo chí Việt Nam tại Thủ đô Hà Nội từ khi bảo tàng này đi vào hoạt động vào năm 2017.

Sau ngày đất nước thống nhất (năm 1975), ông Nam trở về quê hương và được bổ nhiệm làm Phó Trưởng phòng Thời sự Đài Phát thanh tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Hồi ấy, ông phụ trách nhiều chuyên đề, trong đó có chuyên đề “Mỗi tuần một chuyện” được đông đảo các tầng lớp nhân dân ủng hộ. Chuyên đề này do ông Nam viết kịch bản và ông Minh Luận diễn xướng, phản ánh sinh động những mặt hạn chế trong thực tế cuộc sống, đạt hiệu quả tuyên truyền cao. Từ cách quản lý lỏng lẻo của các hợp tác xã nông nghiệp đến thái độ lao động chểnh mảng, “đánh trống ghi tên” trong “làm ăn tập thể”; từ đường sá “ổ trâu”, “ổ voi” đến những thủ đoạn ma mãnh của bọn bất lương…, đều được ông Nam phản ánh và ông Minh Luận thể hiện sống động, ấn tượng qua chuyên đề “Mỗi tuần một chuyện”. Bạn nghe đài gần xa liên tục gọi điện, viết thư đến Đài Phát thanh tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, bày tỏ sự đồng tình đối với các vấn đề mà “Mỗi tuần một chuyện” nêu ra. Ông Nam và ông Minh Luận nhiều lần được khen thưởng về chuyên đề độc đáo này. “Mấy chục năm làm báo viết và báo nói, tôi nhớ sâu sắc nhất là thời gian phụ trách và viết kịch bản cho chuyên đề Mỗi tuần một chuyện”, ông Nam kể.

12 năm liền, ông Nam đảm nhiệm cương vị Ủy viên Ban Thư ký, Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng. Trên cương vị đó, ông đề xuất lãnh đạo tổ chức nhiều lớp đào tạo nghiệp vụ báo chí cho cán bộ, phóng viên, cộng tác viên trên địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng. Ông lo liệu mọi công tác tổ chức và mời giảng viên của Phân viện Báo chí và Tuyên truyền về giảng dạy. Cùng với đó, ông Nam tích cực phối hợp Nhà Văn hóa Thiếu nhi Đà Nẵng tổ chức “CLB Phóng viên Măng Non” và trực tiếp giảng dạy tại CLB này nhằm bồi dưỡng trẻ em có năng khiếu văn chương thành những phóng viên trong tương lai.

Gần 90 tuổi, ông Nam vẫn minh mẫn, nhanh nhạy, luôn có cái nhìn khách quan, toàn diện đối với các vấn đề xã hội. Nhà báo lão thành rất phấn khởi khi học viên những lớp báo chí ông tổ chức năm nào có nhiều người thành đạt, nhiều người đã trở thành những cây bút sắc sảo trên mặt trận văn chương, thiết thực góp phần định hướng dư luận xã hội và bảo vệ trận địa tư tưởng của Đảng. 

LÊ VĂN THƠM    

;
;
.
.
.
.
.