Khắc phục khó khăn, bảo đảm cung ứng thực phẩm thiết yếu cho người dân

.

Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu của người dân khu vực phong tỏa của quận Sơn Trà rất lớn. Vì vậy, các đơn vị, địa phương đang khắc phục các khó khăn, vướng mắc để kịp thời vận chuyển, giao hàng thiết yếu vào khu phong tỏa cứng, bảo đảm cho người dân sinh hoạt ổn định.

Các đơn vị mang thực phẩm và rau xanh vào tặng nhân dân khu vực phong tỏa của phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Các đơn vị mang thực phẩm và rau xanh vào tặng nhân dân khu vực phong tỏa của phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Khó khăn trong mua thực phẩm

Nhiều người dân các phường bị cách ly y tế tại quận Sơn Trà bày tỏ, những ngày qua, việc đặt mua lương thực, thực phẩm rất khó khăn. Nhiều gia đình đã 5 ngày không mua được đồ dùng thiết yếu dù đã đặt qua kênh tổ trưởng dân phố. Chị Nguyễn N. (tổ 38, phường Nại Hiên Đông) bày tỏ, những ngày đầu mới phong tỏa, chung cư chị ở đặt mua hàng hóa qua một đơn vị bưu điện, thực phẩm phong phú và bình ổn giá.

Tuy nhiên, những ngày sau này họ lại không giao hàng nữa nên mấy ngày nay chị không mua được gì, trong khi đó thực phẩm dự trữ cho cả nhà đã dùng gần hết. Theo chị N., tại khu vực chị sinh sống có rất nhiều hộ dân gặp tình trạng giống chị. Người dân đang rất thiếu lương thực, thực phẩm do nhà cung ứng quá tải, mỗi khi đặt đơn phải 4-5 ngày sau mới giao hàng. Chưa kể, một số doanh nghiệp cung ứng hàng hóa trên địa bàn là doanh nghiệp nhỏ, không được trang bị xe vận chuyển có khoang lạnh nên khi thực phẩm giao đến tay người dân (nhất là thịt, cá) thì thực phẩm không còn chất lượng.

Chị Ngọc M. (trú tổ 47, phường Thọ Quang) cho biết, vừa nghe thông tin phong tỏa, chị đã lo mua 10kg gạo và một ít mắm, muối, dầu… để trong nhà. Từ bữa đó đến nay đã nhiều ngày, thực phẩm trong nhà đã cạn kiệt mà không mua được thêm thực phẩm mới do chợ gần nhà, các tiệm tạp hóa đều đóng cửa. Trong khi đó, nhiều hộ dân ở Tổ 35 phường Thọ Quang dù đã đăng ký, đã nộp tiền và gửi lên tổ dân phố 4-5 ngày nhưng đến chiều 8-8 vẫn chưa nhận được thực phẩm thiết yếu. Tương tự, thông tin cung cấp qua điện thoại cho phóng viên biết, đến nay, nhiều người dân ở một số tổ dân phố của các phường khác như Mân Thái, An Hải Bắc, Phước Mỹ cũng đang trông chờ nguồn thực phẩm cung ứng kịp thời phục vụ nhu cầu hằng ngày...

Ông Hồ Tấn Phước, Phó Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông xác nhận có tình trạng chậm trễ trong cung cấp thực phẩm cho người dân trong vùng phong tỏa. Trong đó, nguyên nhân đến từ công tác vận chuyển. Ví dụ, có nhà cung ứng nhận lời giao thực phẩm với địa phương nhưng họ lại chưa hoàn thiện các giấy tờ lưu thông, dẫn tới việc người dân đã đặt hàng rồi đến phút cuối, xe hàng của nhà cung ứng không vào được khu vực cách ly y tế. Thứ hai, người dân đặt đơn hàng lẻ quá nhiều (có những hộ dân đặt mua 2.000 hành, ngò, nửa ký thịt, 1 bó cải, hộp tăm…), thực tế, nhà cung cấp không thể đủ nhân lực để soạn đơn hàng dẫn đến giao hàng chậm.

“Phường đã rất chủ động liên hệ, làm việc với 7 đơn vị cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân. Nhưng đến thời điểm giao hàng cho người dân thì không liên lạc được với  một số đơn vị cung cấp. Phường đã liên hệ với các đơn vị cung cấp khác và triển khai cho các tổ dân phố kết nối với các đơn vị khác. Hiện các tổ dân phố gặp trục trặc về mua hàng đã đặt hàng ở các đơn vị mới. Phường cũng đang triển khai hướng hỗ trợ mới, nhất là cung ứng sữa cho trẻ em”, ông Phước nói.

Tăng cường đơn vị cung ứng, hỗ trợ xe vận chuyển

Chiều 8-8, UBND quận Sơn Trà tổ chức hội nghị và mời các đơn vị cung ứng hàng hóa đến dự họp; đề nghị các đơn vị cung ứng hàng hóa hiến kế, đề xuất các giải pháp để gỡ nút thắt “thiếu” lương thực, thực phẩm cho 5 phường đang trong diện cách ly y tế.

Bà Võ Thị Thu Thủy, Giám đốc siêu thị Big C đặt vấn đề: “Thực tế nếu người dân đặt 1, 2 sản phẩm thì câu chuyện khác, nhưng 3 ngày mới mua hàng 1 lần nên người dân sẽ mua nhiều. Ví dụ, với đơn hàng 1 triệu đồng sẽ có ít nhất từ 10-20 sản phẩm, 1 đơn như vậy nếu giao cho 1 nhân viên đi lấy thì mất ít nhất 30 phút. Trong khi đó, mỗi ngày, siêu thị nhận từ 500-700 đơn. Do vậy, nếu người dân đặt rau muống mà siêu thị hết, thì siêu thị sẽ chủ động chuyển qua rau khác cùng giá tiền, mong người dân thông cảm. Ngoài ra, vấn đề vận chuyển hàng hóa hiện nay đang rất khó, đề nghị địa phương hỗ trợ xe nhận hàng tại siêu thị để siêu thị toàn tâm toàn ý soạn đơn hàng”.

Tương tự, các nhà cung ứng khác như Co.opmart Sơn Trà, Đắc Vinh… đều bày tỏ nguyện vọng xin thêm xe vận chuyển hàng hóa. Đồng thời, các nhà cung ứng đề nghị lãnh đạo địa phương tuyên truyền để người dân hiểu, chúng ta đang ở vùng cách ly y tế, tất cả mọi người ở trong nhà, chính quyền hỗ trợ mua lương thực đến từng nhà, tận nơi. Vì vậy, việc chúng ta hỗ trợ lương thực đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân trong tình hình hiện tại, chứ không thể đáp ứng nhu cầu trong điều kiện bình thường.

Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Hoàng Sơn Trà khẳng định, việc lo cho người dân ăn uống là việc quan trọng nhất trong thời điểm này. Quận đồng ý với đề xuất của các nhà cung cấp về hỗ trợ xe vận chuyển cũng như tình nguyện viên soạn đơn hàng (nếu nhà cung ứng có nhu cầu). Quận giao Trưởng phòng Quản lý đô thị làm đầu mối, chịu trách nhiệm chính trong việc điều phối xe vận chuyển hàng hóa từ siêu thị, doanh nghiệp cung cấp thực phẩm về từng địa phương. “Mục đích cuối cùng là đến ngày mai sẽ không còn tình trạng người dân không mua được lương thực, thực phẩm”, ông Trà nói.

Được biết, trước đó vào sáng 8-8, quận Sơn Trà đã chuyển 30 tấn rau, củ, quả xuống các phường đang cách ly y tế và cũng sẽ mua sắm khoảng 25 tấn gạo cùng mì gói, trứng cho người dân khó khăn. Giám đốc Sở Công thương Lê Thị Kim Phương cho hay đã cung cấp danh sách các đơn vị cung ứng hàng thiết yếu cho quận Sơn Trà để tổ chức cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân. Hiện quận Sơn Trà đang chủ động làm việc với các đơn vị cung cấp để thực hiện và Sở Công thương cũng sẵn sàng hỗ trợ việc này khi quận Sơn Trà đề nghị phối hợp, giúp đỡ.

QUỲNH TRANG - HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.