Tin ở tấm lòng

.

Vậy là tháng 7 đi qua. Vẫn là những ngày hè nắng vàng rực rỡ trải khắp mọi miền đất nước. Tán phượng vẫn đỏ một góc trời ở những góc phố, đầu làng, cuối xóm, sân đình. Chỉ là sắp tròn 2 mùa hè trôi qua, hình ảnh học trò tranh nhau những cánh phượng ép vào trang vở, lưu dấu kỷ niệm một thời học sinh không còn thấy nữa. Hay đơn giản, là hình ảnh đám trẻ tụm nhau nô đùa với trái bóng, hoặc lang thang góc phố... cũng không còn. Những đứa trẻ và cả ông, bà, cha mẹ đều cố gắng thích nghi với tình hình để chung tay chống dịch.

Khái niệm thời gian giờ đây rõ nhất và cũng được mọi người quan tâm nhất là những bản tin của Bộ Y tế, chính quyền địa phương về số ca mắc Covid-19 mỗi ngày; là thông báo về thời gian thực hiện lệnh phong tỏa hay giãn cách xã hội... Cuộc sống của mọi người đều bị đảo lộn do tác động của Covid-19.

Thêm vào đó, tháng 7 năm nay là hình ảnh nhiều đoàn với hàng ngàn chiếc xe máy nối nhau từ các tỉnh, thành phố phía Nam trở về quê nhà. Hành trình ngàn cây số khiến bất cứ phượt thủ dày dạn nào cũng đắn đo trước khi quyết định. Với hàng vạn người lao động, việc trở về quê nhà lúc này là chuyện chẳng đặng đừng. Cả gia đình trên chiếc xe máy, lỉnh kỉnh áo quần, đồ ăn, nước uống, chạy xuyên đêm để trở về nhà. Trên những chiếc xe máy đó, có những cụ già trên 80 tuổi, cả những phụ nữ với đứa trẻ sơ sinh trên tay... Trên hành trình đó còn có những ngổn ngang lo toan trăm bề của người rời quê hương đến những thành phố để mưu sinh, nay phải trở về để góp phần cùng Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh ở Nam bộ chống dịch.

Cái nắng chói chang của tháng 7 khiến nhiều người kiệt sức, thậm chí những chiếc xe máy vô tri vô giác cũng không thể hoạt động liên tục trên quãng đường quá dài và khắc nghiệt. Thế nhưng, lạ kỳ thay, không hề có chuyện hoảng loạn, mất niềm tin, mà thay vào đó là sự cảm thông, sẻ chia lan tỏa. Trên suốt hành trình đó, có biết bao nhiêu câu chuyện đẹp được viết lên. Ở tất cả tỉnh, thành phố họ đi qua, đều nhận được sự tiếp đón xuất phát từ sự đồng cảm sâu sắc.

Câu chuyện anh Xò chở vợ và con vừa sinh được 10 ngày trở về có cái kết không thể ấm lòng hơn. Khi mà đúng 3 giờ sáng, tại địa phận thành phố Đà Nẵng, anh được đại diện CLB Xe bán tải thành phố đón và lo liệu cho gia đình anh về quê bằng ô-tô, kèm theo số tiền cho những ngày đầu trở về nhà. Chưa hết, trên chặng đường tiếp tục về quê, vợ con anh Xò còn được một bệnh viện ở Quảng Bình kiểm tra vết mổ của mẹ và sức khỏe của con. Mừng đến rơi nước mắt khi đại diện bệnh viện thông tin “Hai mẹ con vẫn ổn”.

Đó là bữa ăn trên đỉnh đèo Hải Vân khi trời vừa chuyển sang ngày mới, thế nhưng tất cả mọi người đều được một hộp súp nóng hổi, mà theo tâm sự của một thiện nguyện viên chia sẻ: “Tụi em tính rồi, đường xa, đêm khuya mệt lắm, cần ăn cái gì nóng và dễ nuốt, nên quyết định nấu súp vừa nóng vừa đầy đủ dinh dưỡng”. Không có một tấm lòng đồng cảm, sẻ chia thì thật khó nghĩ và làm được điều như vậy! Và cũng xuất phát từ tấm lòng ấy, có nhóm tình nguyện còn nghĩ đến việc trên đường đi dài như thế, làm sao họ có điện để sạc pin để liên lạc với thành viên trong đoàn và quan trọng nhất là với gia đình. Và thế là những người trẻ hì hục khiêng cả máy nổ ra nơi đoàn “hồi hương” dừng chân, để có điện sạc điện thoại...

Chưa hết, những ngày qua, hình ảnh một phụ nữ ăn mặc giản dị, đi dép lê, tay cầm xấp tiền 500.000 đồng đứng ở quốc lộ 1A, đoạn qua địa phận tỉnh Bình Thuận, ân cần tặng tiền cho đoàn người trở về quê trên chiếc xe máy. Gặng hỏi mãi, chị cũng chỉ trả lời đơn giản: “Lúc này bà con khó khăn, mình giúp một chút tấm lòng thôi”. Vậy đó, nhiều lắm những câu chuyện đẹp về những tấm lòng tương thân, tương ái trong lúc khó khăn được viết lên trong mùa dịch.

Gần 2 năm cả nước bước vào “cuộc chiến” chống đại dịch, khó khăn thách thức vô vàn. Cuộc sống đảo lộn, hoạt động sản xuất kinh doanh và cả sinh hoạt hằng ngày đều thay đổi, bức bí. Duy chỉ có một điều không những không thay đổi mà được nhân lên khắp nơi: Đó là tấm lòng của người Việt dành cho nhau trong lúc hoạn nạn, khó khăn.

Virus SARS-CoV-2 đang không ngừng phát sinh thêm những biến thể mới, nguy hiểm hơn, lây lan nhanh hơn. Thế nhưng, cả nước chưa bao giờ mất niềm tin vào ngày “chiến thắng” đối thủ vô hình này. Bởi chúng ta có sự đồng lòng chung sức của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; có được sự đoàn kết của toàn dân và đặc biệt, có niềm tin vững chắc vào những tấm lòng Việt luôn sắt son trong gian khó để vượt qua thử thách đi đến thành công.

Chúng ta tin ở những tấm lòng!

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.