Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khi trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng. Theo đó, năm 2021, nhiều gói hỗ trợ của Chính phủ và thành phố về tiền mặt, lương thực, thực phẩm nhanh chóng được triển khai đến người dân, góp phần giúp họ có điều kiện ổn định cuộc sống, yên tâm cùng với thành phố thực hiện các biện pháp phòng, chống Covid-19.
Lực lượng chức năng phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) trao tiền hỗ trợ của UBND thành phố cho người dân. Ảnh: N.Đ |
* Đến thời điểm hiện nay, Chính phủ, thành phố đã triển khai thực hiện những gói hỗ trợ nào dành cho người dân, thưa ông?
- Nhằm hỗ trợ khó khăn cho người dân, ngày 19-7, UBND thành phố ban hành Kế hoạch 135/KH-UBND triển khai thực hiện hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 năm 2021. Cụ thể, các nhóm đối tượng được nhận hỗ trợ gồm: Người có công bị bệnh hiểm nghèo, đau ốm hưởng trợ cấp thường xuyên theo Quyết định số 40/2016/QĐ-UBND của UBND thành phố; đối tượng bảo trợ xã hội đặc thù đang hưởng trợ cấp hằng tháng ở cộng đồng (người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật đặc biệt nặng, trẻ em mồ côi); người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; nhóm người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) thuộc các lĩnh vực theo quy định... với tổng kinh phí dự kiến gần 75 tỷ đồng.
Ngoài việc thực hiện Kế hoạch 135/KH-UBND, trong thời gian giãn cách xã hội theo nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”, thành phố có nhiều chính sách kịp thời hỗ trợ người dân.
Cụ thể, hỗ trợ 30.000 suất quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ khó khăn theo Công văn 5265/UBND-KT của UBND thành phố và Công văn 1955/TB-SCT của Sở Công thương, trị giá 500.000 đồng/suất, tổng kinh phí 15 tỷ đồng; Quyết định 2828/QĐ-UBND của UBND thành phố hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu cho 50.561 hộ chính sách, người có công, hộ khó khăn, mức hỗ trợ 500.000 đồng/hộ, tổng kinh phí hơn 25,3 tỷ đồng; hỗ trợ gạo cho 108.709 người dân gặp khó khăn (15kg/nhân khẩu); hỗ trợ cho 142.064 hộ dân khó khăn theo Quyết định 2840/QĐ-UBND của UBND thành phố, trong đó Sở Công thương hỗ trợ hàng hóa thiết yếu cho 50.000 hộ (500.000 đồng/suất), kinh phí 25 tỷ đồng và UBND quận, huyện hỗ trợ hàng hóa thiết yếu hoặc tiền mặt cho 92.064 hộ (mỗi suất trị giá 500.000 đồng), tổng kinh phí 46,032 tỷ đồng; hỗ trợ bằng tiền mặt cho 226.225 hộ trên địa bàn thành phố và 257 đối tượng bảo trợ xã hội tập trung theo Quyết định 2903/QĐ-UBND của UBND thành phố, cụ thể 500.000 đồng/hộ, 250.000 đồng/đối tượng bảo trợ, tổng kinh phí hơn 113 tỷ đồng. Ngoài ra, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp, nhà hảo tâm cũng hỗ trợ lương thực, thực phẩm nhiều đợt giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống.
Hiện nay, Sở LĐ,TB&XH đang tiếp tục thực hiện chi hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho người lao động ảnh hưởng bởi Covid-19 nhằm giúp các đối tượng thuộc diện hỗ trợ có điều kiện ổn định cuộc sống.
* Vậy tiền mặt, lương thực, thực phẩm đã kịp thời đến tay người dân?
- Sau khi có các quyết định hỗ trợ khó khăn cho người dân bị ảnh hưởng Covid-19, Sở LĐ,TB&XH, các ban, ngành chức năng, chính quyền địa phương bắt tay ngay vào việc phân phát cho người dân. Điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều khu vực bị cách ly y tế, phong tỏa cứng... nhưng các lực lượng chức năng vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn, kịp thời chuyển các suất quà đến tận tay người dân. Qua đó, giúp người dân phần nào ổn định cuộc sống, yên tâm ở yên trong nhà cùng thành phố chống dịch.
* Thời gian qua, một bộ phận nhỏ người dân hiểu nhầm hoặc chưa nắm rõ về các gói hỗ trợ của Chính phủ, thành phố. Vậy theo ông nên làm thế nào để người dân dễ hiểu, tránh xảy ra dư luận không hay?
- Từ khi dịch bệnh xuất hiện ở địa bàn thành phố, nhất là giai đoạn thành phố thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 05/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố, thực hiện Quyết định số 2788/QĐ-UBND của UBND thành phố theo tinh thần “ai ở đâu thì ở đó”, người dân được nhận nhiều gói hỗ trợ của Chính phủ, thành phố, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trao tặng thông qua nhiều kênh. Các gói hỗ trợ của Chính phủ, thành phố luôn được công bố rộng rãi để người dân biết.
Tuy nhiên, trong quá trình trao quà, có thể một số cán bộ tổ dân phố, lực lượng phòng, chống dịch ở khu dân cư do áp lực công việc nên chưa thông báo rõ nguồn gốc của những phần quà hoặc không đủ thời gian giải thích cặn kẽ, dẫn đến việc tiếp nhận thông tin của một bộ phận người dân chưa được rõ ràng. Để tránh hiểu nhầm, lẫn lộn khi tiếp nhận quà hỗ trợ từ các chính sách nhân văn của Nhà nước, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng cần thông báo rõ để người dân biết; đặc biệt sau khi trao quà, tiền cho người dân cần có danh sách nhận là chứng từ để thanh quyết toán kinh phí của ngân sách thành phố theo quy định hiện hành.
* Ông đánh giá thế nào về công tác hỗ trợ, giúp đỡ người dân của thành phố trong năm 2021 so với đợt dịch hồi năm 2020?
- So với năm 2020, tình hình Covid-19 năm 2021 diễn biến phức tạp hơn, thời gian giãn cách xã hội dài hơn. Vì thế, thành phố có nhiều chính sách hỗ trợ rất thiết thực, kịp thời cho người dân. Không chỉ là người dân địa phương, những trường hợp tạm trú như sinh viên, công nhân... cũng được thành phố chăm lo chu đáo. Rất nhiều trường hợp được chính quyền địa phương chu cấp đầy đủ về lương thực, thực phẩm, bảo đảm không để ai thiếu đói trong thời gian giãn cách xã hội.
Nhờ vậy, ở Đà Nẵng không xảy ra tình trạng người dân tìm cách di chuyển về quê. Cùng với đó, thành phố hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non và học sinh phổ thông trong năm học 2021-2022 với tổng số tiền hơn 87 tỷ đồng; miễn tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng cho 19.741 hộ tiểu thương tại các chợ trong 6 tháng (từ tháng 5 đến tháng 10-2021), với tổng số tiền hơn 30 tỷ đồng
* Xin cảm ơn ông!
NGỌC ĐOAN thực hiện