Các biện pháp công tác Cảnh sát biển trong bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển

.

Biện pháp công tác Cảnh sát biển (CSB) là cách thức tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của CSB trong bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển quy định tại Luật Cảnh sát biển Việt Nam.

Thực tiễn nhu cầu tăng cường sử dụng lực lượng CSB trong quản lý bảo vệ vùng biển cũng như yêu cầu nội tại xây dựng, phát triển lực lượng đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xây dựng, áp dụng biện pháp công tác trong tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của CSB. Biện pháp công tác CSB được xác định, áp dụng trên cơ sở nhiệm vụ chính trị; chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được pháp luật quy định và yêu cầu công tác quản lý bảo vệ vùng biển của lực lượng CSB.

Qua hơn 20 năm hoạt động, thực tiễn đã chứng minh biện pháp công tác CSB có tính riêng, đặc thù và được CSB Việt Nam thực hiện có hiệu quả trong bảo vệ chủ quyền, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn trên biển.

Tuy nhiên, trước khi có Luật Cảnh sát biển Việt Nam, biện pháp công tác CSB nói riêng, những vấn đề lý luận về lực lượng CSB nói chung chưa được đầu tư nghiên cứu, xây dựng đúng mức; chưa được pháp luật ghi nhận, quy định hoặc quy định chưa đầy đủ.

Để thể chế hóa các biện pháp công tác của CSB nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn trên biển theo quy định của pháp luật, Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 đã quy định cụ thể 7 biện pháp công tác của lực lượng CSB tại Điều 12 Mục I Chương III, đó là:

1. Biện pháp vận động quần chúng;

2. Biện pháp pháp luật;

3. Biện pháp ngoại giao;

4. Biện pháp kinh tế;

5. Biện pháp khoa học kỹ thuật;

6. Biện pháp nghiệp vụ;

7. Biện pháp vũ trang;

Tư lệnh CSB Việt Nam là người sẽ quyết định việc sử dụng các biện pháp công tác theo quy định tại Điều 12 Luật Cảnh sát biển và chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên về quyết định của mình.

Việc quy định cụ thể, rõ ràng biện pháp công tác CSB trong Luật Cảnh sát biển Việt Nam là một điểm mới so với Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

Điểm mới này không chỉ góp phần khắc phục được bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành trước đó mà còn là cơ sở pháp lý vững chắc để CSB Việt Nam tiến hành thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; thể hiện đúng vị trí, vai trò là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật trên biển.

HOÀNG ANH

;
;
.
.
.
.
.