Chủ động ứng phó mưa lớn

.

Ngày 22-9, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng ban hành văn bản đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương chủ động đối phó với mưa lớn trên địa bàn thành phố và xử lý kịp thời những sự cố do mưa lớn gây ra.

Các địa phương thông báo cho nhân dân biết tình hình mưa lớn để chủ động ứng phó; rà soát phương án sơ tán nhân dân bảo đảm công tác phòng, chống Covid-19, nhất là tại các khu dân cư trũng, thấp, ven sông suối, có nguy cơ sạt lở, lũ quét... Các sở, ban, ngành, quận, huyện chỉ đạo các ban quản lý, chủ đầu tư các công trình đang thi công sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống mưa lũ, ngập úng, khơi thông dòng chảy các khu dân cư do công trình đang thi công dở dang.

Theo Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, dự báo đến 13 giờ ngày 23-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới do vùng áp thấp mạnh lên ở cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 340km về phía đông với sức gió mạnh nhất cấp 6-7, giật cấp 9. Áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc với tốc độ từ 15-20km/giờ và đi vào khu vực từ tỉnh Thừa Thiên Huế đến Bình Định, sau đó suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào.

Từ ngày 23 đến 25-9, ở các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 150-300mm, có nơi hơn 400mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Riêng tại Đà Nẵng, mưa lớn tập trung trong các ngày 23 và 24-9 với tổng lượng mưa tại huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ phổ biến từ 150-250mm, có nơi hơn 250mm; quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn phổ biến từ 100-200mm, có nơi hơn 250mm; quận Liên Chiểu, Thanh Khê và Hải Châu phổ biến từ 100-200mm, có nơi hơn 200mm.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.