Xác định công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng trên cơ sở lấy mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là điểm tương đồng, trong nhiều năm qua, công tác tôn giáo ở thành phố Đà Nẵng đạt được những kết quả tích cực. Đông đảo tín đồ và chức sắc các tôn giáo đã phát huy tinh thần đoàn kết, chung tay cùng các tầng lớp nhân dân, đồng thuận với chính quyền để góp sức xây dựng thành phố ngày càng phát triển văn minh, giàu đẹp.
Lãnh đạo thành phố đến thăm Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố nhân dịp đại lễ Phật đản năm 2020. (Ảnh chụp thời điểm không có Covid-19). Ảnh: TRỌNG HUY |
Bài 1: Đạo - đời hòa hợp
Xác định quan điểm của Đảng, tôn giáo là bộ phận không tách rời trong khối đại đoàn kết dân tộc, thời gian qua, thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo hoạt động theo đúng quy định pháp luật, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo.
Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân
Theo ông Nguyễn Cao Cường, Trưởng ban Tôn giáo thành phố, nhìn chung đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của các tầng lớp nhân dân thành phố phong phú, đa dạng. Tình hình hoạt động của các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng cơ bản ổn định, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của tổ chức, cá nhân được chính quyền các cấp bảo đảm, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Các ngày lễ trọng của các tôn giáo, đặc biệt là các lễ lớn của Phật giáo và Công giáo không còn mang tính “nội bộ” của từng tôn giáo, mà được nhiều người biết đến. Có thể kể đến lễ hội Quán Thế Âm (chùa Quán Thế Âm, quận Ngũ Hành Sơn) hằng năm được tổ chức quy mô, phong phú cả về nội dung lẫn hình thức, thu hút sự tham gia của hàng ngàn người, gồm cộng đồng phật tử, nhân dân địa phương cùng du khách trong và ngoài nước. Đối với người Công giáo, lễ Thiên Chúa Giáng sinh hằng năm thu hút sự chú ý của cộng đồng cả đạo hữu và người không theo tôn giáo, là dịp người dân chứng kiến sự sôi động của các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn thành phố.
Theo ông Nguyễn Đức Trinh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố, thời gian qua, thành phố luôn tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích; bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Các nhà thờ, tín đồ tôn giáo trên địa bàn thành phố được chính quyền địa phương trao tặng cờ Tổ quốc để treo trong các ngày lễ trọng. Đây là nghĩa vụ công dân hết sức thiêng liêng, bởi mỗi người trước khi là người Công giáo đều là một công dân.
Thượng tọa Thích Huệ Vinh, trụ trì chùa Quán Thế Âm chia sẻ, Nhà nước ta có chính sách nhất quán về tín ngưỡng, tôn giáo. Trong Phật giáo có phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” nhằm xây dựng đất nước ngày càng cường thịnh. Nhà chùa luôn phối hợp cùng các cấp chính quyền địa phương thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội như ủng hộ, giúp đỡ người nghèo. Đồng thời, trong các buổi thuyết giảng Phật pháp, nhà chùa cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động các phật tử thực hiện tốt các chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước và thực hiện đúng pháp luật, nghĩa vụ của người công dân, tích cực làm việc thiện...
Công tác quản lý tạo điều kiện cho tôn giáo hoạt động
Ông Nguyễn Cao Cường cho biết, mục tiêu công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo của thành phố là tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho các tổ chức tôn giáo. Điểm nổi bật trong công tác này là sự quan tâm của chính quyền thành phố về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đối với các tổ chức tôn giáo được pháp luật thừa nhận và đang sở hữu đất đai làm nơi thờ tự, sinh hoạt tôn giáo... Theo Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường, đến nay đã có 169 cơ sở tôn giáo được cấp GCNQSDĐ. Hiện còn 22 cơ sở thờ tự tôn giáo chưa hoàn thành việc cấp GCNQSDĐ (chưa cấp GCNQSDĐ lần đầu do trong vùng quy hoạch giải tỏa); 1 cơ sở chuyên dụng chưa cấp GCNQSDĐ.
Việc công nhận, cấp đất, cấp GCNQSDĐ không chỉ phục vụ công tác quản lý Nhà nước về đất đai mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo trùng tu, nâng cấp mở rộng hoặc xây mới cơ sở thờ tự phục vụ sinh hoạt tôn giáo. Thành phố đã cấp đất để xây dựng Trung tâm Mục vụ Giáo phận Đà Nẵng, điều chỉnh quy hoạch để nhà thờ Cồn Dầu như một điểm nhấn của Khu đô thị mới Hòa Xuân, cấp đất cho Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam để xây cơ sở thờ tự...
Theo ông Nguyễn Đức Trinh, thành phố luôn quan tâm, cấp GCNQSDĐ, cấp phép xây dựng, sửa chữa, trùng tu các cơ sở thờ tự, điểm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng. Bên cạnh đó, thành phố cũng tích cực tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn tại các cơ sở thờ tự của tôn giáo theo hướng hài hòa, đồng thuận giữa chính quyền và các tổ chức tôn giáo. Ông Trinh chia sẻ, trước đây Giáo xứ Chợ Chiều (tọa lạc tại số 201 Ngô Quyền, quận Sơn Trà) có diện tích 1.250m2. Khi thành phố có chủ trương mở rộng đường Ngô Quyền, giáo xứ đã hiến hơn 600m2 đất để mở rộng đường.
Năm 2018, trước nhu cầu của giáo xứ là xây dựng lại thánh đường khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của giáo dân, chính quyền thành phố đã đồng ý cấp phép xây dựng. “Theo quy định, nhà thờ chỉ được phép xây dựng 60% diện tích đất, 40% diện tích còn lại là khu vực sân ngoài. Nếu xây dựng hơn 60% diện tích đất, nhà thờ sẽ nhỏ hẹp. Do đó, thành phố đã thống nhất tạo điều kiện cho giáo xứ xây dựng nhà thờ hơn 80% diện tích đất, hình thành nên cơ sở sinh hoạt tôn giáo rộng rãi như bây giờ. Mặt khác, thành phố đã hỗ trợ 100% kinh phí (140 triệu đồng) di dời trụ điện trước nhà thờ, nhường lại lối đi thông thoáng vào nhà thờ”, ông Trinh nói.
Bà Nguyễn Thị Hoài Hương, Phó trưởng Ban quản lý Nghĩa trang thành phố (thuộc Sở Xây dựng) cho biết, hiện ở các nghĩa trang thành phố hầu hết đều có khu nghĩa trang riêng của các tôn giáo, như Công giáo, Phật giáo, đạo Cao Đài... “Thành phố tạo điều kiện tối đa cho các tôn giáo được xây dựng phân khu nghĩa trang riêng biệt để đáp ứng nhu cầu của từng tôn giáo nhằm bảo đảm và thực sự tôn trọng đức tin của bộ phận đồng bào có niềm tin tôn giáo”, bà Hương nói.
Hiện thành phố Đà Nẵng có 6 tôn giáo (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Baha’i và Minh sư đạo), với 9 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân gồm: Phật giáo, Công giáo, Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam, Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam), Giáo hội Cơ đốc phục lâm Việt Nam, Hội thánh Truyền giáo Cao đài, Họ đạo Cao đài Tây Ninh, Cộng đồng tôn giáo Baha’i, Giáo hội Phật đường Nam tông Minh sư đạo. Toàn thành phố có 191 cơ sở thờ tự; có khoảng 185.000 tín đồ theo các tôn giáo khác nhau. |
TRỌNG HUY - LAM PHƯƠNG - NGUYỄN QUANG