Ý kiến chuyên gia, nhà khoa học và một số kết quả nghiên cứu khoa học cho rằng cần vận hành hồ thủy điện để cắt, giảm lũ cho hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn trong mùa mưa lũ năm nay.
Trong mùa mưa lũ năm 2020, một số địa phương của huyện Hòa Vang bị ngập lũ 9 lần dù các hồ thủy điện đã vận hành giảm lũ cho hạ du. TRONG ẢNH: Một tuyến đường giao thông ở xã Hòa Châu bị ngập lụt trong mùa mưa bão năm 2020. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Phát huy kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế
Trong vòng 2 tháng, từ đầu tháng 10-2020 đến đầu tháng 12-2020, khu vực hạ du sông Vu Gia gồm: huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) và huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng) đã xảy ra 9 đợt lũ gây ngập sâu nhiều tuyến đường giao thông, khu vực dân cư. Mặc dù đã đúc rút, áp dụng nhiều bài học kinh nghiệm trong thực tiễn hơn 10 năm chỉ đạo, điều hành hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nhưng trong 9 đợt lũ vào cuối năm 2020, công tác vận hành cắt, giảm lũ cho hạ du vẫn còn bộc lộ một số hạn chế.
Tiến sĩ Lê Hùng, giảng viên Khoa Xây dựng công trình thủy, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng cho rằng, đối với những trận lũ đầu mùa, các hồ thủy điện thường tích nhiều nước trong hồ, thậm chí là tích hết một trận lũ nên dung tích còn trống để chứa nước cho những trận lũ sau giảm đi. Mặt khác, theo quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn, trong thời kỳ cuối mùa lũ (từ ngày 16-11 đến 15-12 hằng năm), dung tích phòng lũ của các hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn giảm rất nhiều so với quy định trước đây và còn nhỏ hơn so với các hồ thủy điện trên lưu vực sông Trà Khúc (Quảng Ngãi), sông Hương (Thừa Thiên Huế)...
Bên cạnh đó, qua nghiên cứu cho thấy, 2 hồ thủy điện Sông Tranh 2 và Đăk Mi 4 nằm trong vùng mưa lớn, nước nhiều, dòng chảy cơ bản lớn và sau ngày 15-11 hằng năm vẫn còn có lũ nên cần vận hành điều tiết trước lũ tạo dung tích phòng lũ trong hồ đủ lớn chống lũ. Đặc biệt, cần xem xét điều chỉnh lại mực nước trước lũ và mực nước đón lũ của các hồ thủy điện, nhất là trong thời kỳ trước ngày 30-10 hằng năm theo hướng có thể hạ thấp mực nước trong hồ thủy điện sâu hơn nữa để vận hành cắt, giảm lũ hiệu quả các trận lũ lớn.
Tiến sĩ Lê Hùng cũng đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam rà soát các trận lũ vào các năm 2009, 2011, 2013, 2016, 2017, 2020 để làm cơ sở nghiên cứu phương án vận hành hồ thủy điện cắt, giảm lũ tối ưu. Đồng thời xác định mức độ ngập lụt, vết lũ tại các khu vực ở hạ du nhằm xây dựng bản đồ ngập lụt và khoanh vùng các khu vực có nguy cơ cao tương ứng với từng kịch bản lưu lượng xả lũ về hạ du, các mức báo động ở hạ lưu và để làm cơ sở di dời dân những khu vực trũng thấp... “Quan trọng không kém là phải nhận định được tình hình thời tiết và khả năng mưa lũ sẽ xảy ra để có các quyết định sớm, nhất là việc hạ thấp mực nước đón lũ ở trong các hồ sớm và sâu để vận hành cắt, giảm lũ hiệu quả”, Tiến sĩ Lê Hùng nhấn mạnh.
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương Ngô Xuân Thế cho rằng, một số kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đã đưa ra những mặt ưu, khuyết điểm về công tác vận hành các hồ thủy điện điều tiết lũ. Có thể thấy, trong các năm 2017 và 2020, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) tỉnh Quảng Nam đã điều hành vận hành các hồ thủy điện cắt, giảm lũ cho hạ du rất linh hoạt. Có những thời điểm nhận thấy nguy cơ có lũ lớn nên đã điều hành các hồ thủy điện xả nước luân phiên trước lũ với lưu lượng cao để hạ thấp mực nước trong các hồ mà không gây lũ lớn cho hạ du. Việc vận hành các hồ thủy điện xả lũ cũng uyển chuyển, sát với thực tế chứ không cứng nhắc điều hành theo quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn... Áp dụng những kết quả nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học về công tác điều hành hồ thủy điện xả lũ là những nỗ lực, cố gắng để làm hoàn thiện hơn nữa công tác ứng phó với thiên tai vì vẫn có những vấn đề chưa sát với thực tế.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ
Ngày 9-8, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Thông báo số 322/TB-UBND truyền đạt ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh giao Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh tham mưu phương án thuê chuyên gia tư vấn (theo hình thức trực tuyến) phục vụ công tác theo dõi, làm cơ sở tham mưu cấp thẩm quyền ra quyết định vận hành điều tiết các hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn từ mùa mưa lũ năm 2021. UBND tỉnh cũng đề nghị Tiến sĩ Lê Hùng và nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến và đề xuất các giải pháp để các cấp, các ngành tỉnh xem xét, áp dụng vào thực tiễn trong công tác phòng, chống thiên tai. Các chủ hồ thủy điện trên lưu vực đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quan trắc, dự báo nguồn nước, tính toán vận hành hồ để phục vụ công tác phòng, chống lũ lụt...
Ngày 27-8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu đề nghị Thạc sĩ Phạm Phong và các cộng sự ở Công ty CP Sông Ba (Đà Nẵng) bàn giao cho tỉnh kết quả nghiên cứu về lắp đặt các trạm đo mưa, trạm đo mực nước để hỗ trợ dự báo và vận hành liên hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Đồng thời, yêu cầu Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tiếp thu đầy đủ ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học liên quan đến kết quả nghiên cứu nói trên để ứng dụng, tham gia phục vụ công tác phòng, chống thiên tai trong mùa mưa lũ năm 2021.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng Hoàng Thanh Hòa cho rằng, thời gian qua, đơn vị cũng đã phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND thành phố Đà Nẵng có ý kiến về việc vận hành các hồ thủy điện cắt, giảm lũ trong mùa mưa lũ cũng như điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Hiện đơn vị cũng đang cập nhật bản đồ ngập lụt ứng với cấp độ rủi ro thiên tai và vận hành xả lũ các hồ thủy điện...
HOÀNG HIỆP