Ứng phó với bão Côn Sơn trong bối cảnh phòng, chống Covid-19

.

ĐNO - Bão số 5 (Côn Sơn) tiếp tục mạnh lên. Dự kiến đến 4 giờ sáng 12-9, vị trí tâm bão ở cách bờ biển Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng khoảng 300km về phía đông với sức gió mạnh nhất cấp 11, giật cấp 13.

Họa đồ vị trí và hướng di chuyển của bão Côn Sơn (Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia)
Họa đồ vị trí và hướng di chuyển của bão Côn Sơn (Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia)

Sáng 10-9, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia thông tin, lúc 4 giờ sáng, vị trí tâm bão ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 220km về phía đông đông nam với sức gió mạnh nhất cấp 10, giật cấp 12; bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 160km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây với tốc độ khoảng 15km/giờ và có khả năng mạnh thêm. Đến 4 giờ ngày 11-9, vị trí tâm bão ở ngay trên khu vực quần đảo Hoàng Sa với sức gió mạnh nhất cấp 11, giật cấp 13.

Bão tiếp tục di chuyển chậm theo hướng tây với tốc độ 5km/giờ. Đến 4 giờ ngày 12-9, vị trí tâm bão ở cách bờ biển Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng khoảng 300km về phía đông với sức gió mạnh nhất cấp 11, giật cấp 13.

Sau đó, bão Côn Sơn đổi hướng di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ khoảng 10km/giờ. Đến 4 giờ ngày 13-9, vị trí tâm bão ở ngay trên vùng biển Quảng Trị với sức gió mạnh nhất cấp 10-11, giật cấp 13, rồi đổi hướng di chuyển theo hướng tây bắc với tốc độ 10km/giờ và suy giảm cường độ.

Để chủ động ứng phó bão Côn Sơn trong bối cảnh Covid 19 đang diễn biến phức tạp, vào ngày 9-9, Bộ Y tế đã có công điện gửi các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế rà soát các kế hoạch, phương án phòng, chống bão lũ của địa phương, đơn vị phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương trong điều kiện vừa phải thực hiện phòng, chống Covid-19, vừa đáp ứng tình huống mưa lũ, bão lớn.

Tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa, bão gây ra; không để gián đoạn công tác cấp cứu, điều trị cho người dân. Xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung bệnh nhân Covid-19 trong tình huống xảy ra thiên tai.

Chỉ đạo các cơ sở y tế thuộc quyền chuẩn bị lực lượng, phương tiện cơ động sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có yêu cầu.

Trong trường hợp phải sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm (đặc biệt là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất…), các Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phương án, kịch bản sơ tán bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, bố trí khu vực phù hợp với từng đối tượng, tình hình dịch tại địa phương để tổ chức thực hiện.

Tổ chức xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 đối với nhóm dân cư cần phải sơ tán: xét nghiệm nhanh để cách ly trường hợp nghi ngờ, F0 ra khỏi cộng đồng trước khi tổ chức vận chuyển đến nơi sơ tán (các đối tượng có yếu tố nguy cơ cao cần phải bố trí tại khu vực riêng).

Bảo đảm giãn cách tại khu sơ tán tốt nhất có thể, bảo đảm các phương tiện sát khuẩn, khẩu trang đủ cho người được sơ tán và những người làm việc tại khu sơ tán. Tổ chức trực bảo đảm y tế, phòng chống dịch 24/24 giờ tại khu sơ tán, tổ chức xét nghiệm, hoặc tiêm vắc-xin cho người dân (nếu có điều kiện)...

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.