Vợ chồng cùng là liệt sĩ

.

ĐNO - Ở xã Hòa Long ngày ấy (nay là phường Hòa Hải, Ngũ Hành Sơn) nhắc đến liệt sĩ Phạm Mận, Chính trị viên K36, Khu 3 Hòa Vang, ai nấy đều ngưỡng mộ, tiếc thương. Liệt sĩ Phạm Mận mang nỗi đau hai người vợ đều ngã xuống bởi đạn quân thù, đến lượt ông cũng hy sinh anh dũng trong xuân Mậu Thân 1968 ở Đà Nẵng.

Con gái liệt sĩ Phạm Mận thắp hương bên di ảnh cha. Ảnh: HỒNG VÂN
Con gái liệt sĩ Phạm Mận thắp hương bên di ảnh cha. Ảnh: HỒNG VÂN

Nỗi đau kép

Con gái duy nhất của liệt sĩ Phạm Mận là Phạm Thị Lan đã xấp xỉ tuổi 70, nghẹn ngào: “Tuổi thơ tôi không có mẹ cha. Bởi 3 tuổi tôi mất mẹ, 6 tuổi mất cha, sống với bà nội rau cháo qua ngày. Nhà không còn, bà cháu ra Đà Nẵng ở nhờ bà con”.

Ngày ấy, còn quá bé, Lan không hiểu vì sao nhiều nhà đã rời đi, ngôi nhà của mẹ con cô vẫn còn trụ bám giữa nỗng cát. Thì ra bà nội và mẹ cô vẫn ở lại để làm đầu mối liên lạc đằng mình. Rồi Mỹ đổ quân, đốt nhà, bắn chết mẹ cô, xô vào lửa. Cô bé cũng bị dính đạn bị thương nặng, bò đi tìm nhà hàng xóm. Bà nội lúc này đi chợ, bà con đưa cô đi nhà thương chữa bệnh. Sau này, người cô ruột nghe tin đã cấp tốc từ Sài Gòn về lại làm nhà và đón bà cháu đến ở, cùng nương tựa vào nhau.

Người con tóc hoa râm, vuốt nhẹ tấm ảnh ba mình: “Ba và mẹ tôi chẳng ai có ảnh để bà cháu thờ. Mãi gần đây, ông Trần Tiến Dũng (nay đã mất), từng hoạt động ở Khu 3 Hòa Vang, lấy trong ví ra tấm ảnh ba tôi chụp chung với hai đồng chí của mình. Tấm ảnh bé xíu đã bạc màu, tôi đến tiệm tách ra và phóng to thờ đến bây giờ. Người vợ sau của ba tôi mà còn sống chắc giữ nhiều kỷ vật của ông nhưng cô ấy cũng đã hy sinh”.

Sau khi vợ mất, năm 1966, ông Phạm Mận cưới đồng đội của mình là cô giao liên đồng thời là quân y sĩ kiên trung Huỳnh Thị Anh ở Hòa Hải. Đám cưới họ gọn nhẹ, dã chiến. Ông Huỳnh Đăng Dũng, người em của liệt sĩ nhớ lại: “Chị Hai của chúng tôi gan góc lắm. Đi hoạt động bị bắt mấy lần, cha tôi nhờ người bảo lãnh, về chưa ấm hơi lại tiếp tục đi. Ngày anh Mận cưới chị Hai ở đơn vị, cả nhà biết không ai đi dự được.

Chị Hai có bầu ba tháng, chính anh Phạm Mận bảo chị ấy ở nhà dưỡng thai, chờ anh đưa ra Bắc sinh nở. Nhưng chị bảo để đưa thương binh lên Gò Nổi xong sẽ về nghỉ ngơi. Bầu bí mà lựu đạn quấn quanh người, đi thoăn thoắt, ai thấy cũng khiếp. Lên trên đó chị bị pháo địch, hy sinh tại chỗ. Hiện hài cốt chị sau nhiều lần tìm kiếm mới xác định được là ở nghĩa trang xã Điện Trung (Điện Bàn).

Mẹ tôi kể lại, ngày chị Hai hy sinh, anh Phạm Mận ôm mẹ tôi khóc. Đưa cho mẹ chiếc đài bán dẫn, chỉ vàng là kỷ vật của chị ấy. Rồi cũng vài tháng sau thì anh ấy cũng ngã xuống theo vợ con…”

Đau thương chồng chất không quật ngã ý chí người lính Khu 3. Được giao chỉ huy đại đội K36 gồm 35 đồng chí phối hợp cùng 57 chiến sĩ Tiểu đoàn R20 đánh vào bộ tư lệnh Quân đoàn 1 ngụy (nay Bộ tư lệnh Quân khu 5 làm việc) trong tết Mậu Thân 1968, Phạm Mận cùng đồng chí Châu Quang Trung, Đại đội trưởng hứa với lãnh đạo Khu 3 quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Mậu Thân đỏ lửa

Đại tá Hoàng Lê Nghĩa, nguyên Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng, nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hòa Vang là một trong ít cán bộ còn lại của trận Mậu Thân, xúc động khi nhớ về người đồng chí thân thương của mình.

Anh Phạm Mận dáng dấp to cao, giỏi võ, là con trai duy nhất của bà Hinh (còn gọi là Xã Hinh) ở Trà Lộ, Hòa Hải. Anh từng bị bắt đi lính bảo an và  trở thành cơ sở của ta hoạt động trong nội thành suốt 4 năm. Khi phong trào quê hương nổi dậy, anh về tham gia đội công tác khu đông Hòa Vang rồi về Hòa Long làm xã đội trưởng, sau đó là Chính trị viên K36.

Tầm 5 giờ chiều 30-1-1968 (30 Tết), bộ đội xuất phát từ vùng 6 Hòa Hải. Vũ khí mang theo lúc đó là B40, B41, AK báng xếp, lựu đạn, thủ pháo, súng ngắn, vượt sông Cổ Cò, tiếp tục qua Trung Lương, Đò Xu bằng ghe thuyền của nhân dân rồi men theo sông Hàn tiếp cạn sát đầu cầu Trịnh Minh Thế (nay là cầu Trần Thị Lý). 

Vốn rành đường sá Đà Nẵng khi còn là lính bảo an, phút hội ý dưới chân cầu trước khi tấn công, anh Mận bàn bạc với các đồng chí R20 phân công vị trí từng mũi xuất trận. Đúng 0 giờ mồng Một Tết Mậu Thân. Pháo binh ta từ Hòa Phong tấp nập bắn vào sân bay yểm trợ lực lượng nội thành cũng là lúc giờ G của các chiến sĩ  K36 bắt đầu.

"Đ.K" (mật hiệu) - tiếng anh Mận vừa dứt, lập tức cả trung đội vượt lên bức tường 2m ken dày mảnh chai. Vốn to cao, anh Mận khom xuống dùng vai mình làm điểm tựa bảo đồng đội nhảy qua. Đến lượt anh cũng dùng thế võ phi vào.

Hỏa lực của ta bắn tới tấp vào các lô cốt địch. Chẳng mấy chốc các thành trì cuối cùng của chúng im bặt. Bọn lính cố thủ khiếp sợ đầu hàng. Sau 20 phút chiến đấu, ta hầu như làm chủ toàn bộ phía sau khu doanh trại Quân đoàn 1.

Đến 5 giờ sáng mồng 1 Tết Mậu Thân, tất cả được lệnh rút về khu gia binh Hòa Cường. Phương án tác chiến thay đổi do phải lùi lại một ngày nhằm phối hợp tổng tiến công toàn miền Nam. Yếu tố bất ngờ không còn, biết lực lượng của ta mỏng, địch tập trung lực lượng đông đảo. 7 giờ sáng, lệnh từ tiền phương Mặt trận là hãy tự mở đường máu để rút lui.

Địch đã bao vậy tứ phía. Xe tăng, máy bay HU1A nã đạn ầm ào. Các chiến sĩ của R20 và K36 lần lượt hy sinh. Anh Phạm Mận cùng các đồng chí còn lại dựa vào các bệ cửa của khu gia binh chiến đấu đến viên đạn cuối cùng rồi bị dính một loạt đạn địch bắn tới, máu ra lai láng…

Ông Huỳnh Ngọc Kim, nguyên đồn trưởng công an phường Xuân Hà, mũi trưởng của K36 ngày trước bồi hồi: “Anh Mận bụng bị nát, hơi thở yếu ớt vẫn lấy hết sức nói: “Kim ơi, Đảng ơi (cán bộ trung đội). Nếu hai đồng chí về lại Hòa Hải hãy báo với tổ chức là anh Phạm Mận đã hoàn thành nhiệm vụ trên giao”. Lúc đó, tôi chỉ kịp nắm tay người chỉ huy của mình và an ủi: “Anh yên tâm. Chốc nữa sẽ có xe đưa anh vào bệnh viện”.

Nhưng rồi anh Mận đã hy sinh ngay sau đó. Giải phóng thành phố 3 năm, tôi vẫn không thôi nhớ anh Mận. Có ai đó chỉ bảo, người em và con gái của anh ấy đã đến nhờ tôi xác minh. Nhìn cháu, tôi lại nhớ hình bóng anh với giây phút lẫm liệt của anh ở xuân Mậu Thân. Anh ấy quả xứng đáng là anh hùng”.

Bà Phạm Thị Lan thắp nén hương lên di ảnh ba mình, giọng trầm xuống: “Đau buồn nhất là cả mẹ và cha đều không ai có mộ. Nghe nói sau khi cha tôi và các đồng chí của ông hy sinh, bọn địch cho khiêng liệt sĩ sắp một dãy dài mảnh đất ở chân cầu Trịnh Minh Thế, rồi chở đi lấp ở Hòa Khánh, số khác đưa tàu chở ra vùi ở Cồn Dầu, Trung Lương. Tôi chỉ biết vọng ba trong tâm tưởng”.

Không còn người cha thân yêu, nhưng người phụ nữ này luôn tự hào cha mình đã cùng nhân dân thành phố làm cho kẻ địch khiếp sợ, chia lửa cùng chiến trường miền Nam, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

HỒNG VÂN

;
;
.
.
.
.
.