Chia sẻ nỗi đau da cam

.

Mang trong mình những dị tật bẩm sinh, sức khỏe suy yếu, khó hoặc không thể lao động, nạn nhân chất độc da cam quận Liên Chiểu đang rất cần sự chung tay, hỗ trợ từ cộng đồng xã hội.

Đại diện Hội Liên hiệp Thanh niên phối hợp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố trao tặng anh Phan Quốc Đ. (trú tổ 39, phường Hòa Khánh Nam) máy xay sinh tố và máy ép hoa quả để phát triển kinh tế gia đình.						           								            Ảnh: TIỂU YẾN
Đại diện Hội Liên hiệp Thanh niên phối hợp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố trao tặng anh Phan Quốc Đ. (trú tổ 39, phường Hòa Khánh Nam) máy xay sinh tố và máy ép hoa quả để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: TIỂU YẾN

Đặng Ngọc Tr. (SN 1988), hiện ở tổ 39, Hòa Phú 5A, phường Hòa Minh bị nhiễm chất độc da cam. Ngay từ lúc lọt lòng, Tr. đã chịu nhiều thiệt thòi khi mắc chứng teo cơ tứ chi bẩm sinh. Căn bệnh này khiến Tr. không thể tự vận động, việc đi lại, di chuyển hoàn toàn nhờ vào người khác. Hơn 30 tuổi, Tr. vẫn như đứa trẻ chậm lớn, trong khi bạn bè đồng trang lứa đã yên bề gia thất. Bà Ngô Thị Cầm (SN 1960) - mẹ Tr. không cầm được nước mắt, kể từ khi sinh Tr, bà dành thời gian ở nhà, chăm sóc con cái, nên kinh tế gia đình khá eo hẹp. “Hầu như tôi không thể đi làm bởi con mình sức khỏe dặt dẹo, nay ốm, mai đau. Tr. giờ đã hơn 30 tuổi nhưng chăm Tr. còn khó hơn chăm đứa trẻ lên ba”, bà Cầm nói.

Chia sẻ khó khăn với gia đình bà Cầm, ngày 9-10, Hội Liên hiệp Thanh niên phối hợp với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố dành tặng một máy ép nước mía, với hy vọng cuộc sống sắp tới của gia đình có thêm nguồn thu. Bà Cầm cho biết, thời gian tới sẽ đặt xe ép nước mía trước nhà, bán cho bà con quanh xóm, như thế vừa có thu nhập, vừa tiện chăm sóc Tr. Là nạn nhân chất độc da cam, anh Phan Quốc Đ. (SN 1986), trú tổ 39, phường Hòa Khánh Nam, bị dị tật bẩm sinh, thị giác kém. Nhiều năm qua, anh quanh quẩn trong nhà, phụ gia đình bán quán cà phê cóc. Mới đây, anh Đ. cũng được các cấp hội hỗ trợ máy xay sinh tố và máy ép củ quả nhằm phục vụ đa dạng nhu cầu của khách.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay công tác vận động, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn quận Liên Chiểu gặp không ít khó khăn do Covid-19. Bà Huỳnh Thị Kim Huệ, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin quận Liên Chiểu cho biết, từ cuối năm 2019 đến nay, chỉ có 11 trường hợp nạn nhân nghèo, đặc biệt nghèo được nhận trợ cấp thường xuyên (trước đó là 21 trường hợp - PV). Theo bà Huệ, lý do chính là do các doanh nghiệp, nhà tài trợ gặp khó khăn do ảnh hưởng Covid-19 nên không thể tiếp tục duy trì sự hỗ trợ.

Có thể nói, hỗ trợ các gia đình nạn nhân chất độc da cam phát triển kinh tế là việc làm giàu tính nhân văn và cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Quận Liên Chiểu có gần 500 người nghi nhiễm chất độc hóa học, trong đó có 212 người được nhận chế độ do bị ảnh hướng chất độc da cam. Đa số nạn nhân có sức khỏe yếu, nằm một chỗ, hoặc dị tật bẩm sinh, không có khả năng tự phục vụ bản thân, chưa kể nhiều đối tượng cần người thân kề cận, chăm sóc. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến đời sống kinh tế của những gia đình có nạn nhân chất độc da cam rất khó khăn.

Theo bà Kim Huệ, thời gian qua, bên cạnh hỗ trợ sinh kế, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã huy động nhiều nguồn lực để chung tay xây dựng, sửa chữa nhà ở, tặng quà, xe lăn, trợ cấp khó khăn, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, phục hồi chức năng cho các nạn nhân. “Đối với gia đình có điều kiện phát triển kinh tế, Quận Hội đã chủ động tham mưu cấp trên, các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội tặng phương tiện sinh kế; với nạn nhân bại liệt thì trợ cấp, hỗ trợ quà, phục hồi chức năng và chữa bệnh miễn phí. Ngoài ra, Quận Hội cũng thường xuyên vận động kinh phí để xây dựng hoặc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho những gia đình khó khăn. Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ tốt nhất cho nạn nhân trên địa bàn”, bà Kim Huệ chia sẻ.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.