Ở tuyến đầu chống dịch - Bài 2: Mệnh lệnh từ trái tim

.

Trong cuộc chiến chống dịch, lực lượng vũ trang dấn thân vào các “điểm nóng”, trở thành “điểm tựa” của nhân dân. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, khi nhân dân cần, các lực lượng vũ trang đều có mặt giúp đỡ tận tình, thể hiện phẩm chất cao đẹp của người lính.

Thượng úy Nguyễn Thanh Bình bế cụ bà Phan Thị D.  từ tầng 4 xuống xe cấp cứu để đưa đi điều trị.  Ảnh: TỐNG KHIÊM
Thượng úy Nguyễn Thanh Bình bế cụ bà Phan Thị D. từ tầng 4 xuống xe cấp cứu để đưa đi điều trị. Ảnh: TỐNG KHIÊM

Những “bác sĩ” tâm lý ở khu cách ly

Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, F0, F1 tăng lên hằng ngày, áp lực tại các khu cách ly tăng theo hệ số nhân. Thượng úy Nguyễn Thanh Bình (Hải đội 2, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố) cùng nhiều cán bộ khác được điều động đến khu cách ly tập trung Trường Cao đẳng Kinh tế - Kế hoạch (quận Liên Chiểu), thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự ở vòng trong, phục vụ F1. Trưa 28-7, cụ Phan Thị D. (77 tuổi) là F1 tại điểm cách ly được phát hiện dương tính SAR Cov-2. Biết tin bị bệnh, cụ D. khóc nghẹn. Do già yếu, bản thân cụ không đi lại được, trong khi ở tầng 4 không thể dùng cáng để khiêng cụ xuống, nghe tin, dù không phải ca trực, song Thượng úy Nguyễn Thanh Bình nhanh chóng mặc đồ bảo hộ rồi chạy lên. Thấy cụ khóc, Bình an ủi và xốc vào bế cụ D. Cụ gạt tay: “Cháu bế sẽ bị lây bệnh”. Bình nhẹ nhàng bảo: “Má đừng ngại, cứ ôm con!”. Thượng úy Nguyễn Thanh Bình cẩn thận đưa cụ từ tầng 4 xuống xe cấp cứu để đến bệnh viện điều trị Covd-19 với lời động viên cụ chóng khỏe.

Suốt hơn hai tháng qua, Thượng úy Nguyễn Thanh Bình cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng thành phố phục vụ tại các khu cách ly trở thành những “bác sĩ” tâm lý, thường xuyên động viên, an ủi các F1. “Trong khu cách ly có 2 cháu nhỏ là F1 của bố mẹ. Vào mỗi giờ ăn, tôi đều đến hỏi han, động viên, lúc rảnh thì mang kẹo, sữa đến rồi trò chuyện để các em đỡ sợ. Sau ca nghỉ trực, tôi trở lại thực hiện nhiệm vụ và ghé đến phòng thì mới biết 2 em chuyển thành F0 và đã được đưa đi điều trị. Thương các em, chắc các em sợ lắm, chỉ cầu mong các em mau khỏe”, Thượng úy Nguyễn Thanh Bình nhớ lại.

Binh nhất Hoàng Quốc Thắng nhập ngũ đầu năm 2020, được biên chế về Đồn Biên phòng Phú Lộc. Sau khi dịch bùng phát ở quận Thanh Khê, Tiểu đoàn 29 thuộc Lữ đoàn 28 Quân chủng Phòng không - Không quân (đóng tại phường Hòa Khê, quận Thanh Khê) được trưng dụng thành điểm cách ly tập trung, Hoàng Quốc Thắng được phân công phục vụ tại vòng trong, hằng ngày, hỗ trợ cho F1, cung cấp cơm nước, vệ sinh, bảo vệ an ninh trật tự. Chiều 18-8, nhiều F1 được địa phương đưa đến, trong số đó, có cụ bà Đậu Thị B. (82 tuổi, trú đường Trần Cao Vân) già yếu không tự đi được. Đang làm nhiệm vụ, binh nhất Hoàng Quốc Thắng không ngần ngại đến bế cụ bà từ xe cấp cứu lên tầng 2 của khu cách ly với lời động viên ân cần: “Bà yên tâm, để cháu bế bà”.

Cuối tháng 8-2021, gia đình anh L. đang cách ly tại khu cách ly tập trung Đà Sơn (quận Liên Chiểu) thì 3 người trong dương tính, cậu con trai trở thành F1. Không có ai chăm sóc bé nên anh L. xin không đi chữa trị. Trước hoàn cảnh đó, Thượng úy Nguyễn Tống Khiêm (Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng thành phố) thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly xung phong chăm sóc bé để anh yên tâm đi điều trị Covid-19. Hằng ngày, ngoài mang cơm, Khiêm đến phòng để hướng dẫn bé tắm, giặt quần áo. Mỗi tối, trước khi đi ngủ, anh đều gọi điện nói chuyện để cậu bé không sợ hãi vì ở một mình trong căn phòng rộng. Cũng chính anh chuẩn bị mọi thứ từ đồ dùng học tập, cài phần mềm cho bé học trực tuyến khi vào năm học mới. “Trong hoàn cảnh ấy, bất cứ người lính nào cũng quan tâm tới các F1, nhất là các cháu nhỏ. Trong điều kiện có thể, chúng tôi nỗ lực giúp các cháu, bởi lúc này mình là chỗ dựa cho những con người đang chông chênh vì nỗi lo nhiễm bệnh”, Khiêm chia sẻ.

Giúp được dân là niềm hạnh phúc

0 giờ 30 đêm cuối tháng 8, Trung úy Tán Văn Trung (Công an phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) đang trực ban thì chuông điện thoại reo. Đầu dây bên kia, giọng người phụ nữ gấp gáp: “Chú công an ơi, con tôi đã vỡ ối, nhờ chú giúp đỡ đưa đi viện với chú ơi!”. Chỉ kịp hỏi địa chỉ, Trung úy Trung báo cáo lãnh đạo rồi lên đường đến nhà của sản phụ. Nhanh chóng dìu người phụ nữ lên xe, Trung úy Tán Văn Trung vừa lái xe vừa động viên sản phụ để chị dịu bớt cơn đau. Chiếc xe dừng lại trước cổng Bệnh viện Hải Châu, anh nhanh chóng đưa sản phụ vào phòng cấp cứu. 15 phút sau, sản phụ sinh em bé trong tiếng vỡ òa hạnh phúc của gia đình. Trung úy Tán Văn Trung lặng lẽ quay xe về đơn vị để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. “Sự việc cấp bách, đến tên sản phụ tôi cũng không kịp hỏi. Nghe chị ấy đã vỡ ối, tôi chỉ biết phải đến một cách nhanh nhất để đưa chị đi bệnh viện”, Trung úy Trung chia sẻ.

“Giúp được người dân trong đợt này coi như là niềm hạnh phúc của mình”, đó là lời nhắn nhủ Thiếu tá Đoàn Hoàng Linh, Trưởng Công an phường An Hải Bắc gửi đến các cán bộ, chiến sĩ của đơn vị. Theo Thiếu tá Linh, những ngày giãn cách xã hội, người dân gọi đến nhờ hỗ trợ mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, thậm chí là mua tả bỉm cho em bé. Bất cứ yêu cầu chính đáng gì của người dân, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đều hỗ trợ nhiệt tình. Có những cán bộ trong một tuần phải đổ gần 1,5 triệu tiền xăng cho xe máy để chạy cả ngày lẫn đêm, có chiến sĩ đuối sức đến ngất xỉu. “Mỗi cán bộ trong đơn vị đều được chúng tôi đặt một biệt danh, như Trung “hộ sinh”, Hương “rào chắn”, Cường “vắc-xin”, Thức “cameraman”… Mỗi cái tên đều gắn với những nhiệm vụ đặc biệt”, Thiếu tá Linh hài hước nói.

Khoảng 23 giờ 30 ngày 27-8, đang tham gia trực chốt trên tuyến đường liên xã, Trung úy Phạm Tự Lực (cảnh sát khu vực Công an xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang) và anh Dương Tuấn Tú, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Hòa Ninh. nhận được điện thoại của Trưởng trạm y tế xã Nguyễn Thị Minh Trâm nhờ hỗ trợ chị đến giúp vợ của anh Nguyễn Văn Lương (trú tại tổ 1, thôn An Sơn, xã Hòa Ninh) đi sinh. Trời đêm mưa to, nhận định tình thế rất nguy cấp, Trung úy Lực lái xe chở anh Tú và bác sĩ Trâm nhanh chóng lên đường. Do nhà sản phụ nằm gần khe núi, đường quanh co, nhỏ hẹp lại trơn trượt nên mới đi được một đoạn, “đoàn công tác” phải bỏ xe để đi bộ một quãng đường dài mới vào tới nhà.

Đứng chờ trước cổng với dáng vẻ lo lắng, anh Lương cho biết theo lịch dự sinh, khoảng 10 ngày nữa vợ anh mới phải nhập viện theo dõi. Thế nhưng nửa đêm, chị đau bụng, vỡ ối, khiến hai vợ chồng luống cuống. Sau khi thăm khám, bác sĩ Trâm quyết định cho sản phụ sinh ngay tại nhà vì không chuyển viện kịp. Trung úy Phạm Tự Lực và anh Dương Tuấn Tú trở thành hộ sinh bất đắc dĩ. Gần nửa giờ sau, một bé trai kháu khỉnh, bụ bẫm nặng khoảng 3,2kg cất tiếng khóc chào đời. Trời rạng sáng, cháu bé được “đoàn công tác” bế ra xe cấp cứu được chờ sẵn cách đó khoảng 1km để đến bệnh viện chăm sóc, theo dõi. Trước khi chia tay gia đình về đơn vị, Trung úy Lực cùng anh Tú và nữ bác sĩ Trâm còn góp tiền giúp đỡ làm gia đình anh Lương cảm động không thốt nên lời.

Lúc dân khó, có các anh...

Trong thời gian giãn cách kéo dài, việc đưa lương thực, thực phẩm đến tay người dân cũng trở nên cấp bách không kém việc người ốm đi viện, sản phụ đi sinh. 11 giờ 30 ngày 22-8, khu đô thị Halla jade Residence (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) tiếp nhận rau củ quả từ phường. Là khu đô thị mới, chưa có tổ dân phố, Trung úy Nguyễn Thanh Lam - cảnh sát khu vực trở thành người phân phối. Sau khi nhận hàng, anh kê dép ngồi ghi chép tỉ mỉ rồi phân chia quà. Xong đâu đấy, anh chuyển đến cho từng hộ dân, công việc đến 13 giờ 30 mới hoàn thành. Những ngày giãn cách xã hội, Trung úy Nguyễn Thanh Lam dường như ở luôn tại khu dân cư được phân công phụ trách để nhắc nhở bà con ở yên. Đặc biệt, anh trở thành một “shipper” đặc biệt, sẵn sàng có mặt giúp đỡ lúc dân bất cứ lúc nào…

Không chỉ miệt mài với những đêm thức trắng, những bữa quên ăn để tuần tra, chống dịch, lực lượng vũ trang các địa phương luôn sẵn sàng lên đường làm bất cứ nhiệm vụ gì khi dân cần, dân thiếu. Thiếu tá Trương Thanh Mẫn, Trợ lý chính trị Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hòa Vang cho biết, từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9, thành phố thực hiện giãn cách nên nông dân không thể ra đồng gặt lúa. Dân quân của 12 xã trên địa bàn đồng loạt xuống đồng giúp thu hoạch hàng trăm ha lúa, rau, củ, quả và chuyên chở về tận nhà cho bà con.  Ngay trước khi bão số 5 đổ bộ, các lực lượng vũ trang chạy đua cứu kéo hàng trăm tàu thuyền của ngư dân lên bờ an toàn, di dời bà con vùng thấp trũng, ngập lụt, sạt lở đến trú tránh ở các trường học, chằng chống nhà cửa giúp nhân dân.

Đại tá Trần Công Thành, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cho biết, trong cơn bão số 5, đơn vị chỉ đạo các Đồn Biên phòng Hải Vân, Phú Lộc, Non Nước, Sơn Trà và Biên phòng Cửa khẩu cảng huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ xuống giúp ngư dân neo đậu tàu, thuyền, đưa thuyền thúng lên bờ tránh bão; giúp các trường học, nhân dân chằng buộc phòng học, nhà cửa, để nhân dân an tâm “ai ở đâu thì ở đó”.

"Hành động đẹp của Thượng úy Nguyễn Thanh Bình, binh nhất Hoàng Quốc Thắng, Thượng úy Nguyễn Tống Khiêm... góp phần làm sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và hình ảnh người chiến sĩ biên phòng trong lòng nhân dân, rất đáng trân trọng”

Đại tá Đỗ Văn Đông, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.