Phòng, chống Covid-19: Chuyện giờ mới kể - Bài 3: Nghĩa tình sau cánh cửa

.

Trong số hàng ngàn bệnh nhân mắc Covid-19 tại Đà Nẵng đợt này, có gần 70 trường hợp không qua khỏi. Câu chuyện trở về lòng đất của những con người kém may mắn ấy được viết bằng những cử chỉ nghĩa tình, nhân văn của các nhân viên y tế. Họ được đào tạo chuyên môn y tế để khám, điều trị cho người bệnh, nhưng trong tình thế ngặt nghèo, khó khăn vì dịch bệnh bủa vây, người thân cách ly, không thể tiếp cận, họ là cầu nối, là người thân cuối cùng bên cạnh bệnh nhân.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân Covid-19 đến Bệnh viện Phổi Đà Nẵng để điều trị. 		    Ảnh: LÊ HÙNG
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân Covid-19 đến Bệnh viện Phổi Đà Nẵng để điều trị. Ảnh: LÊ HÙNG

Những cuộc gọi không mong muốn

Cuối tháng 8, bệnh nhân T.A.S (quận Sơn Trà) trút hơi thở cuối cùng sau hai tuần điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Rút điện thoại gọi báo tin cho người nhà, điều đầu tiên chị Phan Thị Thu Hoài, Trưởng phòng Tổ chức hành chính, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng nhận được là tiếng nấc nghẹn phía đầu dây bên kia. Từng gọi và nghe hàng ngàn cuộc điện thoại liên quan đến vấn đề bệnh nhân Covid-19 nhưng những cuộc điện thoại này là khó khăn nhất đối với chị Hoài. “Người nhà sốc, đau đớn khi nghe tin buồn và luôn miệng hỏi mình vì sao lại như vậy, vì sao người nhà họ ra đi nhanh thế. Dường như họ vẫn chưa tin mất mát, đau thương này là sự thật. Là người trong cuộc, mình chỉ biết động viên, chia sẻ nỗi đau này cùng họ và hướng dẫn các công việc liên quan đến hậu sự cho bệnh nhân”, chị Hoài kể.

Với trường hợp bệnh nhân S., ngặt nỗi cả gia đình 4 người nhà đều đang là F1 cách ly tập trung. Việc người nhà đứng ra tổ chức tang ma là không thể được. Hơn nữa, việc lo hậu sự cho bệnh nhân mắc Covid-19 phải tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt về phòng, chống dịch của Bộ Y tế. Các nhân viên y tế tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng bàn bạc và làm việc mà bấy lâu nay họ vẫn thường làm, đó là thay mặt người nhà để lo hậu sự cho người đã khuất.

Trong khuôn viên nhà tang lễ đặt ở phía góc sân bệnh viện, tiếng kinh cầu nguyện phát ra đều đều từ chiếc radio cũ, là âm thanh báo hiệu một bệnh nhân từ giã cõi trần. Bệnh nhân S. được các nhân viên y tế và đội tang lễ của bệnh viện tổ chức tắm rửa, khâm liệm theo đúng nghi thức. Sau khi hoàn tất các thủ tục, công đoạn và đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch, bệnh nhân được xe cấp cứu 115 chở đến Trung tâm hỏa táng An Phước Viên để hỏa táng theo quy định. Kỷ vật của bệnh nhân là chiếc đồng hồ đã cũ, sợi dây chuyền được các nhân viên y tế gói gém cẩn thận, gửi cùng chiếc xe đưa thi thể bệnh nhân lên trung tâm hỏa táng. Kỷ vật và tro cốt của bệnh nhân được các nhân viên y tế bàn giao cho người thân mang về.

Chuyến xe chở bệnh nhân quãng đường từ Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đến Trung tâm hỏa táng An Phước Viên chậm hơn cả sự dừng lại. “Có những trường hợp bệnh nhân tử vong nhưng may mắn người thân không bị mắc Covid-19, không phải cách ly F1. Các anh em phục vụ tang lễ tự nhủ nhau chạy xe thật chậm trên đoạn đường này, như là cách để họ có thể nhìn thấy từ xa, gần nhau thêm trong giây lát”, chị Hoài kể.

5 tháng ròng căng mình chống dịch, đã có gần 70 trường hợp tử vong vì Covid-19. Mỗi hoàn cảnh đều để lại những vết lặng trong lòng các nhân viên y tế. Vì quy định phòng, chống dịch nghiêm ngặt nên người nhà của các bệnh nhân không thể đến gần, bên cạnh họ những giây phút cuối cùng. Thông qua các cuộc gọi kết nối internet do các nhân viên y tế tổ chức, họ chỉ kịp nhìn thấy nhau trong tiếng nấc nghẹn ngào. Nhân viên y tế tại Khoa Hồi sức tích cực (ICU) tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, nơi những bệnh nhân Covid-19 nặng nằm không chỉ áp lực về việc điều trị, duy trì sự sống từng phút, từng giây cho bệnh nhân mà còn áp lực về những cuộc gọi kết nối với người thân để thông tin diễn biến bệnh tình. Khi một trái tim ngừng đập vì Covid-19 cũng là lúc các nhân viên y tế thêm nặng lòng, dù đã cố hết sức.

Nghĩa cử nhân văn

Hơn 20 tháng kể từ khi Bệnh viện Phổi Đà Nẵng được chọn làm cơ sở điều trị và 5 tháng từ khi đơn vị này là tầng 3 trong tháp điều trị bệnh nhân Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các y, bác sĩ nơi đây bước vào một cuộc chiến thực sự. “Đó là cuộc chiến giành giật sự sống cho bệnh nhân. Bởi đợt dịch này hết sức phức tạp. Bệnh nhân trẻ, không bệnh nền vẫn diễn biến trở nặng và nhanh. Nếu không theo sát diễn biến từng phút, từng giây của bệnh nhân thì trở tay không kịp”, bác sĩ Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng chia sẻ.

Những khó khăn, thiệt thòi của nhân viên y tế trong cuộc chiến này không thể kể hết. “Các bạn ở đây được đào tạo chuyên môn y tế để chữa bệnh cứu người. Nhưng khi dịch bệnh Covid-19 quá tàn khốc và cướp đi nhiều sinh mạng, thì sự chu đáo, tận tâm đối với người đã khuất là minh chứng cho thấy, bác sĩ cũng là con người. Khi họ làm những công việc ấy là tình cảm, nghĩa cử của con người với nhau”, bác sĩ Phúc tâm tình.

23 giờ ngày 6-9, bệnh nhân H.A.X (trú quận Thanh Khê) tử vong. Theo quy trình, bệnh viện thông báo để người nhà chọn giờ nhập quan và di chuyển lên An Phước Viên hỏa táng. Sau khi nhận thông tin, nguyện vọng của người nhà là muốn nhập quan cho bệnh nhân lúc 1 giờ sáng 7-9 và tổ chức hỏa táng lúc 4 giờ sáng. Đội ngũ nhân viên y tế không ai bảo ai, chung tay chạy đua cho kịp thời gian. Mỗi người một việc, từ chuẩn bị trang phục, quan tài, tắm cho bệnh nhân, hương đèn, bật tiếng kinh cầu… Những nghi lễ đều thực hiện thuần thục bởi những đôi tay đã bận rộn suốt ngày. “Có những trường hợp đặc biệt, bệnh viện giải quyết cho một người thân được vào nhưng chỉ chứng kiến mọi quá trình từ xa, trong khoảng cách, vị trí an toàn về phòng, chống dịch. Còn mọi quy trình lo hậu sự cho bệnh nhân đều do các nhân viên y tế trực tiếp thực hiện. Chứng kiến cảnh khóc lóc, đau đớn vì mất đi người thân, dù có vững vàng, sắt đá bao nhiêu thì chúng tôi cũng phải rưng rưng”, bác sĩ Phúc cho biết thêm.

Cánh cổng Bệnh viện Phổi Đà Nẵng vẫn khép hờ để phòng, chống dịch. Mỗi ngày, cánh cửa nơi đây lại mở ra theo biến động số ca mắc Covid-19 đang điều trị bên trong. Ở đó, có những ánh mắt vui mừng, hạnh phúc của bệnh nhân khi kiên cường chiến thắng, vượt qua Covid-19. Nhưng cũng có những ánh mắt u sầu, rưng rưng lệ khi đón nhận người thân trở về khi tim đã ngừng đập. “Chứng kiến quá nhiều mất mát vì dịch bệnh Covid-19 gây ra, cán bộ, nhân viên chúng tôi chỉ có một tâm niệm duy nhất dành cho bệnh nhân, đó là nếu họ may mắn được bước ra cửa trước của bệnh viện thì nhất định phải hạnh phúc, vui vẻ. Nếu không may phải đi ra bằng xe tang ở cửa sau thì người đã mất và người thân cũng được an ủi, mãn nguyện và an lòng”, bác sĩ Phúc tâm sự.

Nếu bệnh nhân may mắn được bước ra cửa trước của bệnh viện thì nhất định phải hạnh phúc, vui vẻ. Nếu không may phải đi ra bằng xe tang ở cửa sau thì người đã mất và người thân cũng được an ủi, mãn nguyện và an lòng”
 
Bác sĩ Lê Thành Phúc
Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng
 

PHAN CHUNG - LÊ HÙNG

;
;
.
.
.
.
.