Lộc biển

.

Với những ngư dân làng chài phường Mân Thái, Thọ Quang (quận Sơn Trà), nghề kéo rùng bắt cá không chỉ là công việc mang đến cơm ăn, áo mặc mà còn là sợi dây thắt chặt sự đoàn kết, tình làng nghĩa xóm. Hằng ngày, hòa cùng tiếng sóng vỗ, ngư dân lại hối hả kéo từng nhịp lưới, mang theo hy vọng về một ngày bội thu tôm cá. Họ luôn tay lo phần việc của mình một cách thuần thục như đã làm cả trăm nghìn lần.

Để kéo rùng lên bờ, ngư dân buộc một dây đai vào lưng, nối với lưới nhằm tập trung sức kéo.
Để kéo rùng lên bờ, ngư dân buộc một dây đai vào lưng, nối với lưới nhằm tập trung sức kéo.

Những người “đi giật lùi”

“Nhanh tay lên chú ơi. Lưới xong rồi, đẩy thúng xuống đi. Hôm nay chắc trúng lớn...” Thoăn thoắt đôi tay rám nắng kiểm tra lưới, ông Phan Văn Vũ (SN 1961, phường Mân Thái) - người lớn tuổi nhất trong đội kéo rùng luôn miệng thúc giục những người tham gia khẩn trương hoàn tất công việc để bắt đầu kéo cá. “Nghề kéo rùng gần như làm quanh năm, trừ lúc bão bùng, sóng to gió lớn.

Thời điểm kéo lưới thích hợp nhất là lúc rạng sáng và xế chiều. Bởi lúc nớ không gian tĩnh lặng, cá vô bờ nhiều. Riêng mùa hè, trời sáng nhanh nên phải dậy sớm (khoảng 4 giờ 30 sáng) chớ kéo trễ là không có cá. Mỗi ngày chỉ kéo được chừng 3-4 mẻ thôi, vì mỗi mẻ cũng mất khoảng 2 tiếng đồng hồ làm liên tục rồi. Chưa quen việc thì mệt, đau lưng lắm!”, ông Vũ kể bằng giọng địa phương đặc quánh.

Xong công đoạn kiểm tra lưới, đội cử 2 ngư dân vạm vỡ nhất chèo ghe thúng chở rùng ra phía biển. Thúng đi đến đâu thì thả rùng đến đấy. Khi thúng cách bờ biển hơn 300m (có thể xa hơn tùy theo lưới) thì vòng lại theo đường vòng cung. Công đoạn này rất quan trọng, bởi xác định đúng khu vực thả rùng thì mới kéo được nhiều hải sản.

Do đó, việc chọn điểm kéo thường được trao cho các lão ngư có kinh nghiệm như ông Vũ quyết định. “Kéo một mẻ lưới được nhiều hay ít cá còn phụ thuộc vào dòng nước. Người có con mắt nhà nghề chỉ cần nhìn nước là có thể đoán ra chỗ đó nhiều cá hay không. Nhưng không phải khi mô cũng đoán trúng. Hên xui, tùy vô sự hào phóng của biển”, ông Vũ gãy gọn nói.

Sau khi lưới được giăng ra ngoài biển, những người trên bờ chia thành 2 nhóm nhỏ, từ 5-6 người/ nhóm, cầm đầu dây rùng kéo lên bờ, các loại cá biển sẽ lọt vào trong lưới. Họ hì hục kéo, dù không hô đồng thanh “1, 2, 3”, nhưng nhịp kéo vẫn chắc nịch, đều tăm tắp.

Để kéo được mẻ lưới vào bờ, người thợ phải buộc một cái đai vào lưng, một đầu buộc vào dây thừng nối với lưới để kéo. Khi người đầu dây kéo lùi xa mặt nước chừng 5m, người cuối dây lại đi lên phía trước thế chỗ. Luân phiên như vậy, hai nhóm người ở hai đầu rùng vừa kéo giật lùi, vừa tiến lại sát nhau khi lưới được đưa lên gần bờ. Cũng vì lẽ đó, những người dân làng chài nơi này thường gọi đây là nghề “đi giật lùi”.

Khi rùng sắp cập bờ, có mấy người vừa kéo vừa nhấp nhổm ngó xem có cá nhảy lên hay không. Những tràng cười rôm rả vang lên khi mẻ cá tươi giãy giụa, bụng óng ánh trắng bạc dưới bình minh lấp loáng. Rùng về đến bờ, mọi người xúm lại gỡ cá. May mắn trúng được mẻ lớn, la liệt cá, tôm, mực... đủ loại to, nhỏ, ai nấy đều vui mừng, phấn khởi.

Thường khi kéo được nhiều cá, các ngư dân sẽ bán luôn cho những thương lái ngay khi lên bờ, mang lại thu nhập khoảng 200.000 - 300.000 đồng/ngày/người. Số cá này được mang đi đến các chợ trên địa bàn hoặc bán lại cho các nhà hàng ven biển. Tuy nhiên, cũng có nhiều mẻ ít cá, không đủ chia tiền cho hơn chục người, họ sẽ mang ra chợ bán kiếm vài đồng xung quỹ chung để phòng sửa chữa, thay thế ngư cụ nếu hư hỏng...

Thường thì xong mẻ cá đầu tiên, mặt trời cũng lên cao ngang đỉnh núi Sơn Trà xanh mướt. Những ngư dân kéo rùng xúm lại nghỉ ngơi kể cho nhau nghe những câu chuyện không đầu không cuối. Sau những phút nghỉ ngơi ngắn ngủi, nhóm ngư dân lại nhổm dậy, phủi cát trên áo quần rồi tiếp tục hướng về biển thả lưới, kéo rùng. Ánh mắt mỗi người lại lấp lánh hy vọng về lộc biển và sự bao bọc của mẹ biển cả. Đối với họ, biển cũng là nhà...

Tấm lưới kéo hy vọng

Theo những ngư dân tại đây, việc đánh bắt cá bằng lưới rùng được chia thành 4 giai đoạn, gồm: kiểm tra lưới, giăng lưới, kéo lưới và bắt cá. Một đội kéo rùng tập hợp từ 12-14 người, trong đó có khoảng 2 người phụ nữ mang theo rổ, rá, thùng nước, vừa phụ kéo lưới, vừa đảm nhận nhiệm vụ bán cá. Mỗi khi xong một mẻ lưới, đội kéo rùng đưa toàn bộ hải sản vào bờ để phân chia.

Là thành viên nữ trong đội, chị Phan Thị Vân (41 tuổi, trú phường Mân Thái) nhanh nhảu gỡ từng con cá cho vào khay. Chị nói, từ mờ sáng, chị phải chuẩn bị đầy đủ dụng cụ như rổ, rá, thau, nước... để mang đến biển. Mặc dù là phụ nữ, nhưng chị cũng vào vị trí kéo rùng như bao người đàn ông khác, đôi chân trần cứ liên tục đi lùi đến khi mẻ lưới cập bờ.

Mỗi mẻ kéo rùng cần tập hợp sức lao động của 12-14 ngư dân.	      Ảnh: XUÂN DŨNG
Mỗi mẻ kéo rùng cần tập hợp sức lao động của 12-14 ngư dân. Ảnh: XUÂN DŨNG

Trên khuôn mặt còn vương mồ hôi, chị Vân kể, có ngày, kéo 2-3 mẻ lưới đều trúng ngay luồng cá. Anh em trong đội ai nấy cũng vui mừng vì có thêm thu nhập. Những lúc ấy, không đủ rổ, rá thì mọi người lại í ới gọi nhau khiến khung cảnh trở nên vô cùng nhộn nhịp.

Chị Vân cho biết, từ nhỏ, các anh em trong nhà đều không được đi học nhiều do gia đình khó khăn. Cứ thế mà theo nghề biển. Người có sức khỏe thì ra khơi đánh cá, người lớn tuổi và phụ nữ thì ở nhà kéo rùng. “Nếu không theo nghề ni thì cũng không biết làm cái chi. Nghề ni mệt, nhưng tự do, không bị bó buộc giờ giấc. Thu nhập không bao nhiêu nhưng cũng có đồng ra đồng vô đi chợ”, chị Vân bộc bạch.

Với chị và những người kéo rùng khác, nỗi nhọc nhằn trong nghề này chính là cái lạnh thấu xương của những sớm mùa đông, là cơn đau lưng do gắng sức đưa lưới vào bờ... Người làm nghề kéo rùng không vội vã như một số nghề biển khác. Mà nếu họ muốn nhanh cũng chẳng được.

Bởi sức lực của một nhóm người không thể đưa hết vạt lưới vừa to, vừa nặng lên bờ một cách nhanh chóng. Bởi vậy, dù kéo rùng là nghề vất vả, nhưng vất vả trong sự nhàn nhã và vô tư của ngư dân miền biển. “Các chú cứ kéo thử vài lần là biết. Mệt lắm! Chúng tôi chỉ mong con cái tìm được cái nghề nào ổn định, không phải sớm hôm vất vả như cha mẹ chúng”, chị Vân ngậm ngùi nói.

Hơn 40 năm theo nghề biển, ông Võ Văn Tèo (55 tuổi, phường Mân Thái) là một trong những người có nhiều kinh nghiệm trong đội kéo lưới. Trước đây, ông từng theo tàu đánh bắt ngoài khơi. Đến gần tuổi xế chiều, ông vẫn tiếp tục bám biển bằng nghề kéo rùng. Với đặc thù ở trong bờ, không đi ra xa, nghề này không phân biệt tuổi tác, chỉ cần có sức khỏe thì đàn ông hay đàn bà đều có thể kéo được.

Cũng theo ông Tèo, ngày xưa, nghề kéo rùng rất thịnh. Lúc ấy, cá còn rất nhiều, mỗi mẻ lưới có thể kéo được vài tạ là chuyện thường tình. Đây là cái nghề mang đến bao niềm vui, sự gắn kết và nuôi sống bao thế hệ ngư dân Sơn Trà. Thế nhưng, cái nghề “bám bờ” này có lẽ đang dần bị mai một giữa nếp sống hiện đại. “Không biết nghề ni có từ khi mô, nhưng nghe ông cha kể lại, xem chừng cũng gần 200 tuổi rồi chớ ít chi. Nhưng chừ hiếm người trẻ theo nghề ni lắm. Nhìn qua, nhìn lại toàn mấy người lớn tuổi”, ông Tèo nói.

Hướng mắt về từng đợt sóng dội vào bờ, ông Tèo nén tiếng thở dài nói thêm: “Nếu có thể, chúng tôi hy vọng chính quyền đưa nghề này thành một nghề truyền thống phục vụ du lịch. Du khách có thể cùng trải nghiệm việc kéo lưới, hiểu thêm về nét văn hóa đặc trưng của địa phương”.

Nghề có từ lâu đời
Theo Chủ tịch UBND phường Mân Thái Nguyễn Lâm Hà, nghề kéo rùng đã tồn tại từ lâu đời. Những năm gần đây, trong cơn lốc đô thị hóa, nếp sống hiện đại đã len lỏi vào từng ngõ ngách, số lượng người dân theo nghề dần ít đi. Hiện trên địa bàn phường chỉ còn 2 nhóm với hơn 30 người thường xuyên hành nghề trong mùa biển êm. Trong thời điểm bùng phát Covid-19, địa phương yêu cầu các đội kéo rùng tuân thủ, chấp hành quy định 5K của Bộ Y tế. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng quản lý, giám sát, tuyệt đối không để người dân tụ tập thành nhóm xem kéo rùng. “UBND phường đã đề xuất đưa hình thức kéo lưới biển vào đề án phát triển du lịch của thành phố. Đây là một trong những giải pháp phát huy thế mạnh về du lịch của địa phương, góp phần tạo đến ấn tượng trong lòng du khách và gìn giữ nét văn hóa độc đáo của quê hương”, ông Nguyễn Lâm Hà cho hay.

XUÂN DŨNG - VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.