Chính trị - Xã hội
Chuyển đổi số là động lực mới, là cơ hội giải quyết các điểm nghẽn
ĐNO - Sáng 25-12, Hội Tin học thành phố Đà Nẵng tổ chức Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2021-2026. Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam đến dự đại hội.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam mong muốn các hội viên tích cực phát triển các sản phẩm công nghệ “make in Đà Nẵng”. Ảnh: THU HÀ |
Phát biểu tại đại hội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam cho rằng thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tại Đà Nẵng liên tục phát triển và được ghi nhận, trao nhiều giải thưởng danh giá. Hệ thống chính quyền điện tử cơ bản hoàn thành và đưa vào hoạt động từ năm 2014 và được cập nhật liên tục.
Đến nay, cơ bản 100% thủ tục hành chính của thành phố đang triển khai trực tuyến ở mức 4 (mức cao nhất); tỷ lệ hồ sơ nộp và xử lý trực tuyến gần 57% (cao gần gấp đôi so với trung bình toàn quốc là 30%).
Ngành công nghiệp CNTT đã hình thành và đóng góp 7,8% GRDP thành phố; doanh nghiệp công nghệ số đạt 2,1 doanh nghiệp/1.000 dân (hiện toàn quốc là 0,5); đã có nhiều sản phẩm của doanh nghiệp CNTT Đà Nẵng sử dụng hiệu quả không chỉ tại thành phố mà còn ở các tỉnh trên toàn quốc và nhiều quốc gia trên thế giới, cả các nước tiên tiến, phát triển như Mỹ, Nhật, châu Âu...
Đà Nẵng có tỷ lệ người sử dụng điện thoại di động đứng đầu toàn quốc, với tỷ lệ 276 máy/100 dân; trong đó số lượng thuê bao băng rộng di động 173 máy/100 dân; đặc biệt, 99,8% hộ gia đình có kết nối Internet và 99,4% người dân tiếp cận, sử dụng Internet; 100% doanh nghiệp có kết nối Internet.
Đại hội Hội tin học lần IV diễn ra trong bối cảnh Cuộc cách mạng lần thứ 4 đang diễn ra và Việt Nam quyết tâm tham gia qua việc triển khai chuyển đổi số và Đà Nẵng đang triển khai quyết liệt.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá là đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số.
Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17-6-2021 về chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó xác định Chuyển đổi số là động lực mới, là cơ hội giải quyết các điểm nghẽn cũng như tạo đột phá trong phát triển thành phố.
Trong đó, Đề án chuyển đổi số có nhiều tiêu chí liên quan đến kết quả hoạt động của hội và nhiều nhiệm vụ, giải pháp giao cho hội triển khai. Vì vậy trong thời gian đến, sứ mệnh của Hội tin học Đà Nẵng sẽ khác đi; nhiệm vụ và giải pháp cũng phải đổi mới theo xu hướng ứng dụng công nghệ số và dữ liệu số…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam cũng đề nghị ban chấp hành mới sẽ có nhiều nỗ lực để đóng góp cho công cuộc chuyển đổi số của thành phố; các hội viên tích cực phát triển các sản phẩm công nghệ “make in Đà Nẵng” để triển khai toàn quốc và ra nước ngoài; đặc biệt là thực hiện chuyển đổi số cho từng hội viên để lan tỏa toàn thành phố cũng như có các mô hình, giải pháp, hoạt động để hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp các ngành nghề, lĩnh vực khác.
Theo báo cáo của Hội Tin học thành phố nhiệm kỳ III, hội đã có những cố gắng nhất định trong việc duy trì các hoạt động, tham gia các hoạt động do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố, các đơn vị liên quan của thành phố tổ chức.
Dù còn nhiều hạn chế, song hội đã có một số hoạt động hướng về cộng đồng xã hội, chú trọng đến đối tượng sinh viên, học sinh trên địa bàn thành phố.
Các hoạt động này rất thiết thực và từng bước thể hiện được vị trí, vai trò của hội theo đúng tôn chỉ, mục đích. Nhiệm kỳ tới hội sẽ nỗ lực phát triển hội viên doanh nghiệp, cá nhân; có các hoạt động khoa học, công nghệ đào tạo; tham gia xây dựng chính sách phản biện xã hội trên lĩnh vực CNTT truyền thông.
Đại hội đã bầu ra 25 ủy viên Ban chấp hành, trong đó ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông là Chủ tịch Hội.
THU HÀ