Tạo động lực cho các doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh

.

ĐNO - Chiều 7-1, phát biểu tại buổi thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa XV, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường cho rằng, các gói chính sách trong chương trình sẽ tạo nguồn lực tài chính, góp phần sớm phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nuôi dưỡng nguồn thu và tạo động lực tăng trưởng dài hạn.

Dự tại điểm cầu thành phố Đà Nẵng có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng; Phó Tư lệnh, kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 5 Lê Ngọc Hải và Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Nguyễn Duy Minh.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (thứ 2 bên trái) cùng các đại biêỉ dự tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC PHÚ
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (thứ 2, từ trái sang) cùng các đại biểu dự tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC PHÚ

Sự phù hợp của việc ban hành chính sách tài khóa, tiền tệ

Đại biểu Trần Chí Cường thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; tán thành với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về 5 quan điểm lớn, 3 mục tiêu, 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Với quy mô 347.000 tỷ đồng (chưa kể các nhóm giải pháp qua chính sách tiền tệ và một số chính sách khác chưa được tính toán hết), thời gian dự kiến thực hiện trong 2 năm 2022-2023 cho nhiều nhiệm vụ: mở cửa nền kinh tế, nâng cao năng lực y tế; bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng; cải thiện môi trường đầu tư…, đại biểu Trần Chí Cường cho rằng, chương trình hỗ trợ lần này được Chính phủ và Quốc hội xem xét hết sức kịp thời, có quy mô tương đối, tác động cả về cung và cầu, có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với tình hình hiện nay.

Đi vào cụ thể từng nhóm nhiệm vụ, đại biểu Trần Chí Cường đã có những góp ý quan trọng vào dự thảo nghị quyết.

Theo đại biểu Trần Chí Cường, dự kiến tăng bội chi ngân sách Nhà nước 240.000 tỷ đồng để thực hiện gói hỗ trợ chính sách tài khóa trong 2 năm là cần thiết và phù hợp. Ngoài việc miễn, giảm thuế, phí và đầu tư công, Chính phủ đã tính toán đến nhiều khía cạnh phát sinh của xã hội trong thời gian qua, như việc cấp bù và hỗ trợ lãi suất; vấn đề chuyển đổi số; chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội; hỗ trợ giải quyết việc làm; học sinh, sinh viên; các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập….

Các gói chính sách này nhằm tạo nguồn lực tài chính, góp phần sớm phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nuôi dưỡng nguồn thu và tạo động lực tăng trưởng mới trong dài hạn. Tuy nhiên, đề nghị cần cân nhắc, tính toán đến vấn đề mức bội chi cho cả giai đoạn 5 năm 2021-2025 bảo đảm phù hợp theo kế hoạch tài chính quốc gia Quốc hội đã thông qua.

Cạnh đó, việc tiếp tục miễn, giảm thuế khoảng 64.000 tỷ đồng trong năm 2022 và tính vào bội chi ngân sách tương ứng là rất cần thiết nhằm tạo động lực cho các doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ góp phần kích thích tiêu dùng, gia tăng tổng cầu, làm cơ sở thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

Đại biểu Trần Chí Cường đề nghị cần có sự tính toán, xác định rõ đối tượng áp dụng; tập trung vào ngành, lĩnh vực cần được kích cầu, có tác dụng lan tỏa. Đồng thời, có phương án hoàn thuế phù hợp, nhằm tạo ra sự khuyến khích, kích thích nhu cầu tiêu dùng trong xã hội...  

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần ưu tiên tập trung vào những lĩnh vực có tác động lớn, có tính lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực khác như dịch vụ du lịch, bởi đây là ngành kinh tế tổng hợp, ngành xuất khẩu tại chỗ, khi phục hồi hoạt động du lịch sẽ góp phần thúc đẩy các ngành khác như thương mại, tiêu dùng....

Thời gian qua đây là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất, tuy nhiên, khả năng sẽ nhanh chóng phục hồi và phát triển khi có chính sách tác động phù hợp.

Đại biểu Trần Chí Cường phát biểu tại buổi thảo luận trực tuyến chiêì 7-1. Ảnh: NGỌC PHÚ
Đại biểu Trần Chí Cường phát biểu tại buổi thảo luận trực tuyến chiều 7-1. Ảnh: NGỌC PHÚ

Cần sớm rà soát điều chỉnh danh mục dự án đầu tư công

Đại biểu Trần Chí Cường cho rằng, hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, xuất hiện biến chủng mới.

Trong điều kiện còn khó khăn, sự chung tay chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp với Nhà nước là điều hết sức trân trọng và đáng khích lệ.

Do vậy, việc cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống Covid-19 tại Việt Nam cho đến khi cơ quan có thẩm quyền công bố hết dịch là phù hợp. Tuy nhiên, đối với khoản đóng góp bằng hiện vật phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của Bộ Tài chính nhằm tránh việc lợi dụng chính sách vì những mục đích khác.

Đối với gói đầu tư kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển được xác định là một trong những đòn bẩy trong phục hồi kinh tế, do đó, đề nghị cần sớm rà soát điều chỉnh danh mục dự án đầu tư công.

Bổ sung, thuyết minh chi tiết các dự án được lựa chọn theo các nguyên tắc, tiêu chí để làm rõ thứ tự ưu tiên đầu tư, bảo đảm việc phân bổ vốn, lựa chọn các dự án thuộc danh mục đầu tư trên cơ sở khoa học, hợp lý, công khai, minh bạch, khách quan, trọng tâm, trọng điểm.

Đặt biệt, lựa chọn dự án phải bảo đảm tính khả thi, bảo đảm hoàn tất đủ thủ tục đầu tư để có thể triển khai thực hiện, giải ngân và hấp thụ vốn ngay trong các năm 2022-2023.

Thực tế hiện nay, hoạt động đầu tư công vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn cần tiếp tục gỡ. Qua báo cáo của tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành, địa phương, hiện có 30 vấn đề liên quan kiến nghị cần sửa đổi nghị định, thông tư.

Do đó, đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo quyết liệt hơn trong việc tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ, khơi thông điểm nghẽn, thúc đẩy đầu tư phát triển, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình.

“Với lộ trình thực hiện chủ yếu chỉ trong 2 năm, để chương trình triển khai có hiệu quả, kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện để chính sách sớm đi vào cuộc sống, triển khai kịp thời, hiệu quả…”, đại biểu Trần Chí Cường nói.

NGỌC PHÚ.

;
;
.
.
.
.
.