Từ thành phố '5 không', '3 có' đến thành phố '4 an'

.

25 năm qua, thành phố triển khai hàng loạt chương trình an sinh xã hội, đặc biệt là các chương trình thành phố “5 không”, “3 có” và “4 an” với những chính sách nhân văn, góp phần nâng cao đời sống người dân, tạo nên thương hiệu Đà Nẵng.

Nhiều năm qua, thành phố quan tâm thực hiện các chính sách nhân văn hướng về người dân. TRONG ẢNH: Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng (giữa) trao quà Tết cho hộ nghèo tại Chương trình
Nhiều năm qua, thành phố quan tâm thực hiện các chính sách nhân văn hướng về người dân. TRONG ẢNH: Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng (giữa) trao quà Tết cho hộ nghèo tại Chương trình "Xuân yêu thương" diễn ra ngày 23-1-2021. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Chương trình đột phá, nhân văn

Năm 2000, thành phố ban hành Chương trình “5 không” gồm: “Không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy, không có giết người cướp của”. Vào thời điểm này, toàn thành phố có 850 hộ đói. Chỉ sau 2 năm tập trung nhiều nguồn lực hỗ trợ đã cơ bản xóa hết hộ đói. Từ năm 2002-2009, thành phố 2 lần nâng mức chuẩn nghèo và không còn hộ đói theo chuẩn quốc gia. Đến năm 2009, Đà Nẵng chuyển sang thực hiện mục tiêu “không có hộ đặc biệt nghèo”.

Thành phố chọn gần 6.000 hộ nghèo có mức thu nhập thấp nhất, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để thực hiện các chính sách đặc thù, tập trung huy động nguồn lực từ Nhà nước và xã hội để hỗ trợ. Đến nay, cơ bản không còn hộ nghèo đặc biệt khó khăn. Chị Phan Thị Thu Tuyến (41 tuổi), trú phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) chia sẻ, trước đây cuộc sống gia đình rất khó khăn, làm ngày nào ăn ngày đó.

Sau khi được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi, thuê ki-ốt ở chợ Thanh Vinh (phường Hòa Khánh Bắc) buôn bán, cuộc sống gia đình dần thay đổi, vươn lên thoát nghèo. Nhà cửa xây dựng khang trang, các con tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định. “Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời của Nhà nước, gia đình tôi mới có được như ngày hôm nay”, chị Tuyến khẳng định.

Sau hơn 20 năm triển khai thực hiện, mục tiêu “không có người mù chữ” thành phố đã chuyển sang mục tiêu “không có học sinh bỏ học”, nhất là bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Thầy Huỳnh Duy Linh, Hiệu trưởng Trường THCS Đàm Quang Trung (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) cho biết, nhà trường đóng ở địa bàn khó khăn, có nhiều học sinh con nhà nghèo. Song những năm qua, tình trạng học sinh bỏ học nguyên nhân khó khăn về kinh tế không xảy ra. Để giúp đỡ các em, hằng năm, nhà trường vận động các mạnh thường quân, tổ chức nuôi heo đất trao tặng hàng trăm xuất quà cho học sinh nghèo, đồng thời miễn giảm học phí.

Về mục tiêu “không có người lang thang xin ăn”, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) phối hợp chính quyền địa phương kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp ăn xin, buôn bán hàng rong. Điều đáng ghi nhận là những năm qua, trên địa bàn thành phố không còn tình trạng ăn xin nhếch nhác, các điểm nóng được xử lý triệt để.

Về mục tiêu “không có người nghiện ma túy không được kiểm soát trong cộng đồng” và “không có giết người để cướp của”, tình trạng người nghiện được kiểm soát chặt chẽ, tình trạng giết người cướp của giảm xuống mức thấp. Ngoài việc tổ chức cai nghiện tập trung tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng, mô hình cai nghiện ma túy tại cộng đồng đang được các địa phương triển khai thực hiện và hiện nay có 45 trường hợp đang cai nghiện ma túy tại cộng đồng.

Năm 2005, thành phố tiếp tục đề ra Chương trình “3 có”: “Có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa văn minh đô thị”. Thành phố đầu tư kinh phí xây dựng hàng loạt khu chung cư, nhà ở xã hội, ký túc xá, giải quyết bố trí cho thuê gần 10.000 căn hộ cho các đối tượng cán bộ, công chức, người dân nghèo, sinh viên khó khăn về chỗ ở, góp phần giúp người dân an cư, lạc nghiệp. Các đối tượng người có công cũng được các cấp chính quyền chăm lo chu đáo.

Trong giai đoạn 2018-2020, có 223 gia đình người có công được hỗ trợ tiền sử dụng đất với tổng kinh phí 7.454 tỷ đồng, 4.117 gia đình người có công được hỗ trợ sửa chữa và xây mới nhà ở với tổng kinh phí 134,53 tỷ đồng. Theo quy định của Trung ương, mức sửa nhà gia đình người có công là 20 triệu đồng. Tuy nhiên, thành phố hỗ trợ thêm những gia đình khó khăn, nhà ở hư hỏng nặng 10 triệu đồng và mức hỗ trợ xây mới là 60 triệu đồng, cao hơn Trung ương quy định 20 triệu đồng/nhà.

Kể từ năm 2019, dù Trung ương không còn hỗ trợ kinh phí để sửa nhà nhưng thành phố đã quan tâm bố trí nguồn ngân sách thành phố để thực hiện tốt chương trình có nhà ở. Trong 134,53 tỷ đồng dành cho việc hỗ trợ cải thiện nhà ở 3 năm qua, ngân sách là 130,07 tỷ đồng (chiếm 96,7%), Quỹ Đền ơn đáp nghĩa 3,6 tỷ đồng và vận động khác 860 triệu đồng. Hằng năm, bình quân giải quyết việc làm cho gần 30.000 lao động, trong đó gần 20.000 việc làm mới tạo ra.

Xây dựng thành phố an toàn, thân thiện

Năm 2016, thành phố tiếp tục đề ra Chương trình “4 an”: “An ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, an sinh xã hội”. Sau hơn 5 năm thực hiện quyết liệt, chương trình “4 an” đạt được kết quả đáng ghi nhận. Tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài không xảy ra ở các tuyến đường, các điểm đen giao thông được xử lý và người dân nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, hầu hết ra đường đội mũ bảo hiểm.

UBND thành phố thành lập Ban quản lý An toàn thực phẩm, lực lượng chức năng tập trung xử lý những vấn đề bức xúc về thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất cấm trong sản xuất, chế biến thực phẩm... Nhờ đó, hạn chế thấp nhất tình trạng ngộ độc thức ăn, sử dụng hóa chất trong chế biến thực phẩm. Cùng với đó, lực lượng công an vào cuộc quyết liệt, thường xuyên ra quân trấn áp tội phạm, tình trạng an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố được bảo đảm, tạo được hình ảnh thành phố Đà Nẵng thân thiện, an bình.

Chị Cao Thị Phương Anh, trú quận Thanh Xuân (thành phố Hà Nội) chia sẻ, chị đã đi nhiều nơi trên đất nước, tuy nhiên, ít có nơi nào an bình, thân thiện như Đà Nẵng. “Mỗi lần đến Đà Nẵng, tôi luôn cảm thấy bình yên bởi thành phố không chỉ sạch đẹp, con người thân thiện, mà ấn tượng nhất là tình hình an ninh, trật tự được kiểm soát tốt, dù ít thấy lực lượng công an ngoài đường”, chị Anh nói thêm.

Ảnh: XUÂN SƠN - Đồ họa: MAI ANH
Ảnh: XUÂN SƠN - Đồ họa: MAI ANH

Công tác bảo đảm an sinh xã hội luôn được thành phố quan tâm hàng đầu, thể hiện rõ tính nhân văn sâu sắc. Chẳng hạn như trong đợt giãn cách xã hội phòng, chống Covid-19 vừa qua, không chỉ người dân thường trú thành phố, nhiều lao động ở nơi khác đến làm việc, mắc kẹt ở đây cũng được chăm lo chu đáo.

Ngoài việc được hỗ trợ lương thực, thực phẩm, họ còn được tặng 500.000 đồng. Anh Lê Văn Dũng, tạm trú phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) cho biết, trong đợt giãn cách xã hội, anh không về quê được, tiền tiết kiệm đã hết. Trong lúc khó khăn, anh được chính quyền địa phương thường xuyên hỗ trợ lương thực, thực phẩm, tiền. Nhận đươc sự quan tâm, giúp đỡ quý báu này, anh cảm thấy xúc động, cảm kích.

Có thể nói rằng, trong những năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cùng với sự đồng thuận của người dân đã làm nên sự thay đổi kỳ diệu về diện mạo đô thị, đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng cao, tạo nên một hình ảnh Đà Nẵng an bình, thân thiện, đáng sống.

Để tiếp tục duy trì những kết quả đạt được, cũng như hạn chế thấp nhất số hộ nghèo trong xã hội, trong giai đoạn 2021-2025, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục tham mưu thành phố để ban hành các chính sách kịp thời nhằm hướng đến mục tiêu đến năm 2025, toàn thành phố chỉ còn dưới 1% hộ nghèo. 

PHƯƠNG CHI

;
;
.
.
.
.
.