Chính trị - Xã hội
Tiếp tục nâng cao chất lượng kỳ họp của HĐND các cấp
ĐNO - Sáng 7-3, tại thành phố Đà Nẵng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung năm 2021, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2022. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác Đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh đồng chủ trì hội nghị.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết dự hội nghị.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn (giữa); Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương (bên trái) và Trưởng ban Công tác Đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đồng chủ trì hội nghị. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Nhiều đổi mới, sáng tạo trong hoạt động HĐND cấp tỉnh, thành phố
Báo cáo tại hội nghị, Trưởng ban Công tác Đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, năm 2021, Quốc hội, Ban Thường vụ Quốc hội quan tâm đến tổ chức hoạt động của HĐND các cấp, trong đó chỉ đạo hướng dẫn xây dựng chương trình công tác, hoàn thiện thể chế, ban hành các nghị quyết bảo đảm thiết thực, sát thực tiễn, đi vào cuộc sống, dễ triển khai thực hiện và kiểm tra, giám sát.
Tại nhiều địa phương, HĐND đã phối hợp triển khai hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù như các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế. HĐND các tỉnh có nhiều sáng tạo, đổi mới trong tổ chức và phương thức hoạt động như tổ chức kỳ họp trực tuyến kết hợp trực tiếp; đề cao vai trò của Thường trực HĐND trong công tác điều hành, phối hợp, điều hành kỳ họp, vai trò thẩm định, thẩm tra, kiến nghị các Ban của HĐND...
Vì vậy, năm 2021, mặc dù Covid-19 diễn biến phức tạp, song HĐND với sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo kế hoạch công tác năm.
Trong đó nổi bật là phối hợp UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành vừa phòng, chống dịch, vừa bảo đảm phát triển kinh tế, an sinh xã hội; việc tổ chức nhiều kỳ họp chuyên đề trong năm đã góp phần chủ động trong việc quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương và kịp thời kiện toàn công tác tổ chức của HĐND bảo đảm hoạt động liên tục; hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được thực hiện nghiêm túc…
Năm 2022, HĐND cấp tỉnh, thành phố tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với HĐND; tiếp tục nâng cao chất lượng kỳ họp của HĐND các cấp; nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, thực hiện có hiệu quả các cuộc giám sát việc thực thi pháp luật và các nghị quyết của Quốc hội ở địa phương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát và hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp.
Tích cực tham gia các chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội theo kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào việc phục vụ hoạt động của HĐND…
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (bên trái) dự hội nghị. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Kinh nghiệm hay trong thực hiện mô hình chính quyền đô thị của Đà Nẵng
Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết trình bày tham luận, nhấn mạnh những kinh nghiệm hay trong thực hiện mô hình chính quyền đô thị của thành phố Đà Nẵng thời gian qua.
Theo Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết, trong số 8 quận, huyện của thành phố Đà Nẵng, ngoài huyện Hòa Vang và huyện Hoàng Sa, có 6 quận với 45 phường không tổ chức HĐND cấp quận, phường.
Điểm nổi bật khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị đó là tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách; cơ cấu Thường trực HĐND thành phố được mở rộng; số lượng lãnh đạo và cơ cấu các Ban của HĐND thành phố được tăng cường. Cơ chế hoạt động của UBND cấp quận là cơ chế thủ trưởng, công khai quyết định của mình; liên thông công chức cấp quận, phường.
Ưu điểm của việc triển khai mô hình chính quyền đô thị là việc tổ chức bộ máy tinh gọn; thủ tục hành chính cắt giảm; tăng tính chủ động trong điều hành chính quyền; tăng trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; phát huy dân chủ.
Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết cũng đưa ra một số kinh nghiệm đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị. Đó là xây dựng chương trình giám sát có trọng tâm, trọng điểm, gắn với tình hình thực tế tại địa phương, trong đó không bỏ sót, bỏ qua đối tượng giám sát.
Tổ chức giám sát, làm việc với tất cả các UBND quận, huyện và hầu hết UBND phường, xã về thực hiện nhiệm vụ chính trị gắn với việc triển khai mô hình chính quyền đô thị. Giám sát việc thực hiện Đề án phân cấp, ủy quyền quản lý Nhà nước theo mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố; giám sát, kiến nghị liên quan công tác phòng, chống dịch…
Đặc biệt, nâng cao chất lượng báo cáo thẩm tra của các Ban tại kỳ họp. Nội dung, chương trình các kỳ họp HĐND thành phố được cải tiến theo hướng dành nhiều thời gian cho thảo luận, chất vấn; tập trung đi vào trọng tâm, trọng điểm, có chiều sâu. Phần tiếp thu, báo cáo, giải trình của UBND thành phố và thủ trưởng các sở, ngành liên quan rất nghiêm túc, có cam kết tiến độ và thời gian thực hiện.
Ngoài ra, HĐND đổi mới, sáng tạo hình thức tiếp xúc cử tri để giám sát, như: “Chương trình HĐND với cử tri”; giải trình đơn thư hằng quý; phối hợp với UBND thành phố đánh giá trách nhiệm của sở ngành hằng quý về thực hiện các nghị quyết của HĐND, kết luận, chỉ đạo của Thường trực HĐND thành phố; tiếp xúc cử tri chuyên đề hằng quý; tăng cường kiểm tra thực tế, hậu giám sát, tái giám sát…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết trình bày tham luận tại hội nghị. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Song song đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của HĐND trong việc theo dõi, giám sát, đôn đốc giải quyết đơn thư; kiểm soát công việc. Ký kết Quy chế phối hợp giữa 4 cơ quan: Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố; xây dựng Quy chế phối hợp giữa Đảng đoàn HĐND thành phố với Ban Thường vụ các quận ủy, huyện ủy. Giám sát việc tổ chức các hội nghị đối thoại giữa chủ tịch quận, chủ tịch phường với nhân dân, kịp thời trả lời, giải quyết các nội dung nhân dân kiến nghị thuộc thẩm quyền…
Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết cũng kiến nghị, đề xuất đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND, trong đó nêu rõ trách nhiệm của cơ quan chịu sự giám sát trong việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát.
Bổ sung quy định về chế tài xử lý đối với các cá nhân, tổ chức không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm các kiến nghị của Đoàn giám sát. Xây dựng cơ chế phối hợp giám sát giữa các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội với HĐND và đại biểu HĐND trong quá trình thực hiện giám sát tại địa phương, nhất là đối với các vấn đề dư luận quan tâm, bức xúc.
Đồng ý chủ trương tăng thêm số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND thành phố Đà Nẵng theo hướng tăng thêm số lượng ủy viên chuyên trách của các Ban HĐND thành phố.
Bên cạnh đó, định kỳ hằng năm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm hoạt động cho đại biểu HĐND cấp tỉnh, thành phố, nhất là các đại biểu hoạt động chuyên trách, thành viên của các Ban HĐND cấp tỉnh trên các lĩnh vực.
Kịp thời ban hành các nghị quyết để tổ chức thực hiện, giám sát tổ chức thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, cũng là năm cả nước tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao báo cáo tham luận của các địa phương đã phản ánh đầy đủ kết quả đạt được, có thể khái quát những kết quả nổi bật như: HĐND các cấp, nhất là cấp tỉnh, thành phố đã tham gia lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trong điều kiện bị tác động, ảnh hưởng bởi Covid-19; ban hành kịp thời các chính sách phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Đồng thời nêu ra những mặt hạn chế, qua đó tìm giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.
Nhấn mạnh nhiệm vụ thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị HĐND, các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát, xây dựng hoặc hoàn thiện và tổ chức thực hiện đề án Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp, chất lượng hoạt động, công tác tiếp xúc cử tri, hoạt động giám sát chất vấn, trả lời chất vấn; đồng thời tăng cường sử dụng chuyên gia, cộng tác viên trong tổ chức hoạt động của HĐND.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý tăng cường công tác thông tin tuyên truyền; mỗi kỳ họp của HĐND nên có đề án riêng về công tác truyền thông theo từng phiên họp và theo từng kỳ họp. Cạnh đó, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, thường trực cấp ủy, chủ động tham mưu với cấp ủy trong việc kiện toàn các chức danh, công tác đào tạo, luân chuyển, quy hoạch đại biểu HĐND.
HĐND các tỉnh, thành phố phối hợp Ban Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội để bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đại biểu HĐND, công chức, viên chức Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND.
Rà soát, xây dựng, trình cấp ủy cùng cấp thông qua chủ trương hoặc HĐND ban hành nghị quyết về chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho cả nhiệm kỳ để chủ động trong xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Kịp thời ban hành các nghị quyết để tổ chức thực hiện và giám sát tổ chức thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Đồng thời tổ chức giám sát đối với các hoạt động giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2022 đạt kết quả cao nhất.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị HĐND các địa phương tăng cường giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa HĐND tỉnh, thành phố; giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội với HĐND.
“Trong năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ban Công tác đại biểu chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan và HĐND các tỉnh, thành phố xây dựng đề án Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của HĐND các cấp.
Đề nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố tích cực đóng góp cụ thể vào dự thảo đề án và dự thảo nghị quyết để khi ban hành đáp ứng được yêu cầu thực tiễn”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
NGỌC PHÚ