Ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm quý báu được rút ra từ chiến thắng vĩ đại mùa Xuân năm 1975 nói chung, của việc hoạch định kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam - yếu tố có tính rường cột làm nên thắng lợi, của khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước sẽ mãi mãi còn nguyên giá trị vận dụng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nhân dân Sài Gòn kéo về Dinh Độc Lập chào mừng Quân Giải phóng. Ảnh: TTXVN |
Khí thế “một ngày bằng 20 năm”
Bị thất bại đau đớn trước đòn tiến công chiến lược năm 1972 trên chiến trường miền Nam, Chính phủ Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27-1-1973). Tuy nhiên, với bản chất hiếu chiến, Mỹ ngấm ngầm gia tăng viện trợ, đưa thêm nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh vào miền Nam, nhằm “vực” quân đội Sài Gòn có đủ sức đương đầu với Quân giải phóng miền Nam nói riêng, quân và dân miền Nam nói chung.
Được Mỹ “tiếp sức”, quân đội Sài Gòn đã huy động khoảng 60-70 tiểu đoàn chủ lực cơ động phối kết hợp với địa phương quân và các lực lượng khác, trong một thời gian ngắn đã triển khai hàng nghìn cuộc hành quân “lấn chiếm, bình định” quy mô khác nhau. Trong tình thế đó, sau khi nghiên cứu tình hình, Bộ Chính trị nhận định tuy còn nhiều khó khăn, thử thách cam go, nhưng thuận lợi vẫn là cơ bản, nhất là quân chiến đấu Mỹ - chỗ dựa chủ yếu của chính quyền và quân đội Sài Gòn - đã “cuốn gói” ra đi và xác định đây là “keo cuối cùng, thắng là đây mà thua cũng là đây”[1].
Ngày 15-10-1973, Bộ Chỉ huy Miền ra Mệnh lệnh tác chiến, xác định: “Kiên quyết đánh trả những hành động chiến tranh của chính quyền Sài Gòn, kiên quyết đánh trả ở bất cứ đâu, bằng các hình thức và lực lượng thích đáng”[2]. Từ đây, quân và dân toàn miền Nam liên tiếp mở các đợt phản công và tiến công chống địch lấn chiếm, bình định, giành nhiều thắng lợi quan trọng. Đến hết năm 1973, trên toàn miền Nam ta đã giành và giữ quyền làm chủ được 8.500 ấp, với khoảng 4 triệu dân (chưa tính số ấp và dân vùng tranh chấp). Qua đầu năm 1974, một cuộc đấu trí, đấu lực thực sự cam go, thử thách giữa ta và đối phương trên cả phương diện cơ quan đầu não điều hành chiến tranh và cũng như trên thực tế chiến trường để quyết định hồi kết của cuộc chiến chính thức khởi phát.
Ngày 21-7-1974, tại Đồ Sơn (Hải Phòng) đã diễn ra cuộc họp quan trọng dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã giao Bộ Tổng tham mưu xây dựng Kế hoạch tác chiến giải phóng miền Nam để trình Bộ Chính trị vào tháng 9-1974. Đúng vào thời điểm này, lực lượng vũ trang Quân khu 5 phối hợp với một trung đoàn của Sư đoàn 304, một trung đoàn của Sư đoàn 324 và Sư đoàn 711 bộ đội chủ lực tiến công giành thắng lợi lớn ở Thượng Đức, Đại Lộc, Quảng Nam (7-8-1974). Sự kiện này khẳng định những dự kiến của Bộ Chính trị về quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước có thêm những cơ sở thực tiễn xác đáng.
Để có đủ cơ sở thực tế cho kế hoạch giải phóng miền Nam, hội nghị Bộ Chính trị mở rộng đã được tổ chức tại Hà Nội (từ ngày 18-12-1974 đến ngày 8-1-1975), với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy ở các chiến trường miền Nam. Giữa lúc hội nghị đang họp, Quân giải phóng đã giành thắng lợi trong Chiến dịch tiến công đường 14 - Phước Long, giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long. Đây thực sự là cơ sở vững chắc để Bộ Chính trị thông qua quyết tâm giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976, đồng thời dự kiến “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam vào năm 1975”[3].
Và kế tiếp sau đó, các Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch tiến công Trị - Thiên- Huế và Chiến dịch tiến công Đà Nẵng đã giành thắng lợi nhanh chóng. Với khí thế quân ta đang lên “một ngày bằng 20 năm”, ngày 7-4-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh cho các đơn vị đang đổ vào chiến trường niềm Nam, với tâm thế lúc này lỡ thời cơ là có tội với dân tộc. Ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị đặt tên cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn là Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Lúc 5 giờ 30 ngày 30-4-1975, Bộ Chỉ huy chiến dịch ra lệnh tổng công kích, đánh chiếm 5 mục tiêu then chốt đã lựa chọn trong nội đô: Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham mưu, Dinh Độc Lập, Tổng Nha cảnh sát đô thành, Biệt khu Thủ đô. Từ các hướng đông, đông nam, bắc, tây bắc và tây - tây nam, quân ta đồng loạt tiến công vào Sài Gòn phối hợp với quần chúng nhân dân nổi dậy, đến 11 giờ 30, ta làm chủ các mục tiêu và cắm cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng lên nóc Dinh Độc Lập, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Đến ngày 1-5, toàn bộ các tỉnh, thành phố trên đất liền và các đảo, quần đảo ở Biển Đông trên toàn miền Nam Việt Nam được giải phóng (riêng quần đảo Hoàng Sa vẫn đang bị Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép từ năm 1974).
Sự kết hợp đúng đắn của tổng tiến công và nổi dậy
Đại thắng mùa Xuân năm 1975, với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là mốc son chói lọi minh chứng cho ý chí quyết tâm không gì có thể lay chuyển của toàn thể dân tộc Việt Nam - “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn” cũng phải hoàn thành việc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Quyết tâm và kế hoạch lớn đó được hình thành, từng bước hoàn thiện và được hiện thực hóa trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, mưu lược sáng tạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, trực tiếp là Quận ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh, Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền suốt thời gian hơn 50 ngày đêm lịch sử đầy hào hùng và sống động của mùa Xuân năm 1975. Đó là thắng lợi của phát huy thế và lực, tạo ra thời cơ; sự sáng suốt của Đảng về nhận định và nắm lấy thời cơ, lãnh đạo trận quyết chiến chiến lược giành thắng lợi trọn vẹn. Đó là sự kết hợp đúng đắn và tuyệt đẹp của tổng tiến công và nổi dậy. Đó là chiến thắng của bản lĩnh, sức mạnh và trí tuệ Việt Nam, chiến thắng của chiến tranh nhân dân Việt Nam, trong đó sức mạnh chính trị - tinh thần là nhân tố cơ bản, hàng đầu. Đó là sức mạnh lớn của hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa và sức mạnh của tiền tuyến lớn miền Nam đã kiên trung, anh dũng, kiên quyết đứng lên chống kẻ thù xâm lược.
Cần nói thêm rằng, trong bài nói chuyển nhân kỷ niệm 1 năm giải phóng thành phố Đà Nẵng vào ngày 29-3-1976, đồng chí Hồ Nghinh, Bí thư Tỉnh ủy đã nêu rõ: “Thắng lợi vĩ đại mùa Xuân 1975 của cách mạng Việt Nam (cũng như của cách mạng Campuchia và Lào) còn bắt nguồn từ một nguyên nhân cơ bản là có miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Trên thực tế, đế quốc Mỹ với trăm mưu ngàn kế tàn bạo nhất đến xảo quyệt nhất, gấp hàng trăm lần đế quốc Anh đã làm ở Mã Lai, chúng vẫn không thể nào bao vây được đồng bào miền Nam, cô lập được cách mạng miền Nam bởi vì chúng đã không thể nào ngăn chặn được sự chi viện sức người sức của ngày càng to lớn của miền Bắc đối với miền Nam.
Đối với tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, phần lớn các gia đình miền Bắc đều có con em đi chiến đấu ở miền Nam và ở các chiến trường xa. Thanh Hóa, Hải Phòng những tỉnh thành kết nghĩa với Quảng Nam - Đà Nẵng đã cử hàng ngàn con em của tỉnh mình vào sát cánh chiến đấu cùng quê hương kết nghĩa ngay từ những ngày đầu quân Mỹ kéo vào xâm lược. Mỗi sản phẩm, mỗi hạt gạo đồng bào miền Bắc làm ra không phải chỉ để cho mình mà còn để chi viện cho miền Nam, cho các chiến trường xa. Thắng lợi giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng là một bộ phận thắng lợi trọn vẹn giải phóng miền Nam. Nhưng đứng riêng về mặt tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng mà nói có thắng lợi này còn do một nguyên nhân cơ bản nữa đó là chúng ta có miền núi, căn cứ địa cách mạng vững chắc, nơi mà trong suốt mấy chục năm qua không bao giờ Mỹ - ngụy đặt được ách thống trị của chúng và đã phát huy được vai trò căn cứ địa cách mạng”[4].
Ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm quý báu được rút ra từ chiến thắng vĩ đại mùa Xuân năm 1975 nói chung, của việc hoạch định kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam - yếu tố có tính rường cột làm nên thắng lợi, của khát vọng hoà bình, thống nhất đất nước sẽ mãi mãi còn nguyên giá trị vận dụng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến ngày càng phức tạp.
VÕ HÀ
----------------------------------
[1] Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, 1995, tr. 88.
[2] Tài liệu số 10 ML/73, lưu tại Cục Lưu trữ Bộ Quốc phòng Việt Nam.
[3] Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị (18-12-1974 - 8-1-1975), lưu tại Cục Lưu trữ Bộ Quốc phòng Việt Nam.
[4] Trích Bài nói chuyện kỷ niệm 1 năm giải phóng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (29-3-1975 - 29-3-1976), tài liệu lưu tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng.