Hướng về Giỗ Tổ Hùng Vương

.

Là người Việt Nam, dù ở quê hương hay xa Tổ quốc, hẳn ai cũng thuộc lòng câu ca “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng 10 tháng 3”. Có lẽ vì vậy, từ bao đời nay, Giỗ Tổ Hùng Vương trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, tinh thần đoàn kết và là cầu nối cho niềm tin sâu sắc vào quá khứ hào hùng của dân tộc.

Hằng năm, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng được tổ chức thành kính, trang nghiêm theo nghi lễ truyền thống. Ảnh: Báo Phú Thọ
Hằng năm, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng được tổ chức thành kính, trang nghiêm theo nghi lễ truyền thống. Ảnh: Báo Phú Thọ

Theo Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Phú Thọ, từ xa xưa, các triều đại phong kiến Việt Nam luôn mong muốn gửi lại hậu thế thông điệp qua việc thờ cúng tổ tiên và Giỗ Tổ Hùng Vương theo triết lý “Cây có cội, nước có nguồn, con người có tổ, có tông” để nhắc nhở thế hệ con cháu về cội nguồn dân tộc, lòng biết ơn, tri ân công đức các Vua Hùng có công dựng nước.

Từ năm 1917, triều đình nhà Nguyễn đã chuẩn định ngày Quốc lễ (ngày Giỗ Tổ Hùng Vương vào mồng 10-3 Âm lịch hằng năm). Trong ngày Giỗ Tổ, triều đình ủy quyền cho quan Tuần phủ về Đền Hùng làm chủ lễ, các quan tri phủ, tri huyện làm bồi tế, hằng năm mở hội để nhân dân về phụng thờ hương khói tổ tiên và tổ chức phần hội với nhiều trò chơi dân gian truyền thống.

Đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 22C NV/CC ngày 18-2-1946 quy định các ngày nghỉ lễ, với lời dạy bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đây là lời nhắn nhủ, hiệu triệu các thế hệ cháu con cùng nhau gìn giữ giang sơn bờ cõi, viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc và có trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị tinh thần vô giá về Giỗ Tổ Hùng Vương trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Năm nay, UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội, đất Tổ Hùng Vương”, gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo kế hoạch, phần lễ của Giỗ Tổ Hùng Vương năm Nhâm Dần 2022 có các hoạt động: lễ Giỗ đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ ngày 6-3 Âm lịch; lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, dâng hoa tại bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ đại đoàn quân tiên phong” và lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương ngày 10-3 âm lịch.

Phần hội có 12 hoạt động, được tổ chức với quy mô phù hợp, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Đơn cử như: trưng bày chuyên đề “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - hội tụ và lan tỏa” tại Bảo tàng Hùng Vương; lễ đón bằng công nhận lễ hội cướp bông ném chài đền Vân Luông là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; tổ chức bắn pháo hoa tầm cao; lễ hội truyền thống đình Hùng Lô; giải bơi chải trên hồ Công viên Văn Lang; chương trình nghệ thuật phục vụ lễ hội đền Hùng…

Tại Đà Nẵng, theo Sở Văn hóa và Thể thao thành phố, hằng năm vào ngày Quốc giỗ, hầu hết đình làng trên địa bàn thành phố tổ chức lễ dâng hương để tưởng nhớ Vua Hùng, các bậc tiền nhân có công khai hoang lập nghiệp và nhắc nhở con cháu đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, như: đình làng Hải Châu (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu), đình làng Thạc Gián (phường Chính Gián, quận Thanh Khê), đình làng Hòa An (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ), đình làng Đà Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu)...

Trong đó, lễ hội đình làng Hải Châu được tổ chức đúng dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, với nhiều hoạt động lễ và hội. Ông Nguyễn Duy Minh, cán bộ văn hóa phường Hải Châu 1, hậu duệ đời thứ 4 của tộc Nguyễn - một trong sáu tộc đầu tiên đến lập nghiệp tại làng Hải Châu cho biết, lễ hội Đình làng Hải Châu năm 2022 được tổ chức trong hai ngày 8 và 9-4 (ngày 8 và 9-3 âm lịch).

Lễ hội này trùng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là sắp xếp của các bậc cha ông xưa với mong muốn con cháu tưởng nhớ những người có công dựng nước, tưởng nhớ các bậc tiền hiền tạo dựng làng ấp. Tại đình làng có nhà thờ, bài vị của 43 chư phái tộc. Nhiều con cháu trong các chư phái tộc đi vùng khác lập nghiệp nhưng đến ngày này vẫn nhớ và trở về thắp hương cho tổ tiên với tâm niệm “ly hương, không ly tổ”.

Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đinh Thị Hựu cho biết, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vượt ra ngoài biên giới, góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí của dân tộc; tạo thành sức mạnh để dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trường tồn và phát triển. Hiện cả nước có 1.417 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Vua Hùng.

Trong đó, riêng tỉnh Phú Thọ có 345 di tích gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Tại một số quốc gia trên thế giới, cộng đồng người Việt cũng lập đền thờ các Vua Hùng và tổ chức ngày Giỗ Tổ. “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương gắn liền với tục lệ thờ cúng tổ tiên của người Việt, thể hiện sự tưởng nhớ, lòng thành kính, biết ơn và hướng về với cội nguồn. Do đó, tín ngưỡng này luôn chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh và tình cảm của nhân dân hàng ngàn năm qua”, bà Hựu nhấn mạnh.

THIÊN DUYÊN

;
;
.
.
.
.
.