Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong thực hiện pháp luật về quy hoạch

.

Chiều 25-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề công tác quy hoạch. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề công tác quy hoạch. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Thời gian qua, việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, cho thấy: Công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đã được triển khai tích cực. Trong tổng số 111 quy hoạch được lập theo quy định của Luật Quy hoạch có 108/111 quy hoạch đã được phê duyệt nhiệm vụ, trong đó 40/42 quy hoạch cấp quốc gia, 6/6 quy hoạch vùng, 62/63 quy hoạch tỉnh. 

Đến nay, có 7/111 quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt. Tuy nhiên, qua giám sát, đoàn giám sát nhận thấy, quy định của pháp luật có liên quan đến quy hoạch còn bất cập, chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.  Đơn cử, một số quy định của Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất còn chưa thống nhất về phạm vi, đối tượng dẫn đến sự thiếu đồng bộ về nội dung của các loại quy hoạch này trên cùng một đơn vị lãnh thổ. Trong khi đây là những quy hoạch ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.

Bên cạnh đó, quy hoạch chung đô thị được lập theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch tỉnh được lập cho thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của Luật Quy hoạch có những nội dung sự trùng lặp khiến các thành phố trực thuộc Trung ương gặp khó khăn khi phải lập cả 2 loại quy hoạch nói trên, đồng thời gây lãng phí và bất hợp lý.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh - Phó Trưởng đoàn giám sát, một số quy định về quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện chưa đồng bộ và không còn phù hợp với thực tiễn vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung. Một số bộ đã ban hành văn bản hướng dẫn không đúng thẩm quyền, chưa thống nhất với quy định của Luật Quy hoạch, thêm thủ tục, trình tự hoặc thêm nội dung ngoài Luật gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ lập quy hoạch. Có nhiều bất cập trong quá trình thực thi liên quan đến quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện. 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh chỉ ra rằng: Việc tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất còn thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành trong tỉnh; việc chấp hành thực hiện quy hoạch sử dụng đất chưa nghiêm, tình trạng sử dụng đất sai mục đích, lãng phí, kém hiệu quả vẫn còn xảy ra. Việc tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt ở các cấp chưa thường xuyên.

Tình trạng sử dụng đất sai với quy hoạch đã được phê duyệt chưa được phát hiện, xử lý kịp thời. Nội dung của quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất thiếu thống nhất, tiêu chí phân loại đất khác nhau dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Cùng với đó, chất lượng các quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện chưa cao, thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn dài hạn, dự báo về nhu cầu sử dụng đất chưa theo kịp sự phát triển của kinh tế, xã hội và nhu cầu thị trường dẫn đến tình trạng thừa - thiếu cục bộ, mất cân đối cung - cầu sử dụng đất, nhiều địa phương có cơ hội thu hút đầu tư nhưng thiếu quỹ đất để phát triển.

Nguyên nhân được Đoàn giám sát cho rằng do Luật Quy hoạch còn những bất cập, cách hiểu chưa thống nhất về phương pháp lập quy hoạch tích hợp, trình tự lập quy hoạch và phê duyệt quy hoạch; chưa dự báo hết được những khó khăn, phức tạp trong quá trình triển khai. Đáng chú ý, chưa có sự phối hợp chặt chẽ và chia sẻ đầy đủ thông tin giữa các bộ, ngành và địa phương để bảo đảm sự đồng bộ của quy hoạch được lập theo phương pháp tích hợp, đa ngành.

Tư duy, nhận thức trong việc lập, thực hiện quy hoạch và quản lý nhà nước chậm đổi mới theo yêu cầu của Luật Quy hoạch, còn tình trạng ôm việc, giữ việc, lợi ích cục bộ. Các bộ, ngành chưa quyết liệt, quan tâm chỉ đạo dành thời gian cho công tác quy hoạch; thời gian tham gia ý kiến nhiệm vụ lập quy hoạch và thời gian thẩm định và phê duyệt của các cơ quan tương đối dài đã ảnh hưởng tới tiến độ chung.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, riêng tài liệu báo cáo giám sát đã 16 kg. Điều đó cho thấy đoàn giám sát làm việc rất công phu, bài bản. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, qua giám sát phải chỉ rõ nguyên nhân trách nhiệm, để từ đó mới có giải pháp khắc phục. Nhất là cần viết kỹ hơn việc thực hiện Luật Quy hoạch, chung chung thì không làm được. 

“Ví như có quy hoạch không gian biển, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, và quy hoạch ngành quốc gia thì phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia. Do đó nghị quyết phải nói đến cái nào làm trước, cái nào làm sau để cho phù hợp. Như việc quy hoạch vùng có trước, quy hoạch quốc gia ban hành sau vậy lại phải điều chỉnh theo. Vậy lúc nào điều chỉnh thì cần phải nói rõ hơn”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho hay.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, qua giám sát thấy giữa lý luận và thực tiễn có bất cập. Nhưng cần đánh giá thêm về nguyên nhân khách quan và chủ quan. Có nhiều nguyên nhân chủ quan lại đổ lỗi cho khách quan. Do đó nghiên cứu đưa nguyên nhân khách quan thành chủ quan như việc xây dựng chính sách thẩm định, ban hành còn nhiều bất cập. Đây là do chủ quan chứ không phải khách quan. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, về giải pháp khắc phục sau giám sát cần rà soát lại vì có cái đúng nhưng do quá trình tổ chức thực hiện chưa tốt. Chính sách pháp luật cần chỉ rõ cho áp dụng cái gì, cái gì cần thí điểm và thời gian thí điểm bao lâu thì mới làm được, tránh chỉ nêu vướng chung chung. Giải pháp trước mắt thế nào để khắc phục những bất cập. Còn giải pháp lâu lài thì phải chỉ rõ hệ thống pháp luật cần những cái gì. Qua đó đề nghị Chính phủ rà soát lại để xem xét những quy định có liên quan đến chỉ định thầu, sử dụng đầu tư công, tránh việc giải pháp chỉ tăng cường, thúc đẩy. Như thế vướng không làm được và lại đi theo con đường cũ. 

Theo baotintuc.vn

;
;
.
.
.
.
.