Cơ hội và thách thức thời công nghệ số

.

Công nghệ thông tin phát triển đưa báo chí đến gần hơn với bạn đọc. Với những người làm báo trong thời đại công nghệ số như hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là cơ hội, vừa là thách thức, đòi hỏi người làm báo phải nhanh nhạy tiếp cận, xử lý thông tin đưa đến bạn đọc.

Trong xu hướng phát triển công nghệ, người làm báo phải thích ứng để có thể tác nghiệp ở mọi sự kiện.  TRONG ẢNH: Phóng viên tác nghiệp tại một sự kiện ở Sân bay quốc tế Đà Nẵng.  Ảnh: THU HÀ
Trong xu hướng phát triển công nghệ, người làm báo phải thích ứng để có thể tác nghiệp ở mọi sự kiện. TRONG ẢNH: Phóng viên tác nghiệp tại một sự kiện ở Sân bay quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: THU HÀ

Công nghệ giúp tiếp cận thông tin nhanh hơn

Sự phát triển của công nghệ thông tin cũng như sự xuất hiện của các trang mạng xã hội giúp người dùng tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng. Đây vừa là thuận lợi nhưng cũng là thách thức đối với những người làm báo bởi sự cạnh tranh về tốc độ đưa tin đòi hỏi người làm báo phải cập nhật, có sự thích nghi với xu thế cho phù hợp.

Gần 20 năm làm việc tại Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, nhà báo Nhân Tâm (thường trú tại Đà Nẵng) cho rằng, làm báo tử tế là ưu tiên hàng đầu của tạp chí nơi anh công tác. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, nguyên tắc làm báo của anh không thay đổi là: tử tế, công tâm, phản ánh sự việc một cách trung thực, không vì lợi ích nào đó hay sức ép về thời gian mà “bẻ cong” ngòi bút.

“Khi các ứng dụng công nghệ phát triển, tôi xem mạng xã hội, trang tin tức hay trang thông tin tổng hợp là một trong những kênh tham khảo để tìm hiểu, ghi nhận sự việc trong lĩnh vực mình chịu trách nhiệm, phụ trách theo nguyên tắc đối chiếu nhiều để tìm được các nguồn tin có độ tin cậy cao. Công nghệ phát triển giúp người làm báo rất nhiều trong việc tiếp cận và xử lý thông tin nhanh, dễ dàng hơn; đồng thời cũng giúp các phóng viên, nhà báo rèn luyện sự tỉnh táo trong việc tiếp cận và xử lý thông tin”, nhà báo Nhân Tâm chia sẻ.

Là phóng viên trẻ, năng nổ, nhiệt huyết với nghề báo, Mai Xuân Quỳnh (Báo Sài Gòn Giải Phóng, văn phòng đại diện miền Trung) nhìn nhận, với người làm báo dù thời đại nào thì cũng cần bảo đảm những yêu cầu cơ bản của một tác phẩm báo chí như: tính chính xác, nhanh chóng, vai trò định hướng dư luận đối với bài viết... Việc lấy tin trực tiếp, chụp ảnh, ghi âm hoặc quay phim nhằm xác minh sự thật của nguồn tin luôn là các yêu cầu được đặt lên hàng đầu đối với người làm báo trong thời đại số.

Thay bằng ghi chép trên sổ tay, phóng viên có thể ghi âm, ghi hình rồi về nhà viết lại. Với sự phát triển của các thiết bị công nghệ như hiện nay trong một số trường hợp, phóng viên có thể tác nghiệp ngay trên thiết bị điện thoại sau đó biên tập, gửi về tòa soạn. Nhờ sự hỗ trợ của các thiết bị công nghệ, việc tác nghiệp sẽ thuận tiện hơn như trong cùng một bản tin ngoài thông tin, hình ảnh, phóng viên còn có thể đính kèm video để đăng tải trên nhiều phương tiện khác nhau. Tuy nhiên, để làm được điều này, phóng viên cần sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ, tốn thời gian hơn so với các bản tin thông thường.

Học hỏi để thích ứng

Luôn học hỏi để thích ứng là quan điểm mà nhà báo Nguyễn Thanh Long (Cơ quan Thường trú khu vực miền Trung, Đài Tiếng nói Việt Nam) khi chia sẻ về cách thích ứng với xu thế làm báo trong thời đại công nghệ 4.0. Thanh Long cho rằng, cách thích nghi nhanh nhất là thường xuyên cập nhật và theo kịp sự phát triển của công nghệ. Mỗi người làm báo phải hòa mình vào sự phát triển của công nghệ, tự trau dồi, bồi dưỡng kiến thức và làm quen với các công nghệ mới nhất là các ứng dụng hỗ trợ, xử lý nhanh cho tin bài như: ứng dụng xử lý ảnh, xử lý văn bản, âm thanh, các ứng dụng chuyển đổi từ file PDF sang word… Để cạnh tranh với các trang thông tin, mạng xã hội, cách tốt nhất là phải tăng tốc độ xử lý thông tin của mỗi cá nhân.

Anh tâm sự: “Bản thân tôi, để có thể làm nhanh tin tức thì cần chuẩn bị từ trước, tìm hiểu kỹ về chương trình/sự kiện mình sẽ đưa tin, nếu có thể làm tin sơ bộ, lên sẵn kế hoạch, dự kiến phỏng vấn. Tại sự kiện, mình vừa nghe vừa nắm bắt các thông tin chính để khi sự kiện xong cũng là lúc phóng viên hoàn thành tin bài. Dù làm nhanh nhưng vẫn phải bảo đảm tính trung thực của một bản tin, bài viết…”

Đồng quan điểm, theo phóng viên Xuân Quỳnh, nếu như trước kia người làm báo in chỉ cần phỏng vấn, viết bài, chụp ảnh và gửi lên ban biên tập duyệt là xong một sản phẩm dành cho báo in nhưng nay, để tạo ra các sản phẩm đa dạng hình thức thể hiện như Multimedia, video, longform, inforgrapfic… đòi hỏi người làm báo cần có thêm các kỹ năng phỏng vấn, chụp ảnh, quay phim, ghi âm. Để có được các kỹ năng này, bản thân phóng viên phải tự học hỏi, trau dồi thêm để thích nghi. Tuy nhiên, những người làm báo đều thừa nhận khi công nghệ phát triển, có quá nhiều kênh tin tức trong quá trình tác nghiệp, người làm báo cũng nên tỉnh táo để nhìn nhận, đánh giá sự việc không nên vì cuộc đua cạnh tranh tin tức mà dễ xảy ra sai sót.

Theo nhà báo Nhân Tâm, với những sự kiện có lượng thông tin quan trọng cần kiểm chứng nhiều bên thì không nhất thiết phải gửi ngay trong lúc sự kiện diễn ra. Người viết phải kiểm chứng thông tin và viết tin/bài với độ chính xác cao, đây là điều độc giả cần hơn là thông tin nhanh nhưng thiếu chính xác và có thể gây xôn xao dư luận. Sau mỗi chuyến đi, mỗi bài viết, người làm báo trực tiếp trải nghiệm đều đúc rút ra được kinh nghiệm quý trong quá trình tác nghiệp của mình để từ đó có được những sản phẩm báo chí hoàn hảo hơn đưa đến độc giả.

Sự ra đời của các ứng dụng công nghệ đã mang đến cho báo chí sự hiện đại nhưng cũng đòi hỏi người làm báo phải linh hoạt hơn trong quá trình tác nghiệp. Việc học hỏi và thích nghi là cách hiệu quả để bắt kịp xu hướng của thời đại công nghệ số, giúp người làm báo hoàn thiện các tác phẩm báo chí hay hơn, truyền tải thông tin nhanh và chính xác tới bạn đọc. 

THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.