Là huyện thuần nông duy nhất của thành phố Đà Nẵng, Hòa Vang tập trung nhiều hộ nghèo và hộ cận nghèo. Do đó, công tác giảm nghèo luôn được Đảng bộ và chính quyền huyện quan tâm giải quyết và xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn, góp phần thu hẹp khoảng cách với đô thị.
UBND xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang) phối hợp Mặt trận xã đối thoại với các hộ nghèo để tìm giải pháp thoát nghèo bền vững. Ảnh: Đ.G.H |
Tìm giải pháp thoát nghèo
Ông Lâm Tiến Sỹ, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện cho biết, trên cơ sở Nghị quyết của Huyện ủy và HĐND huyện, Phòng LĐ-TB&XH huyện hướng dẫn các xã tổ chức đối thoại với hộ nghèo, từ đó xác định hộ dự kiến thoát nghèo và đề ra giải pháp cho từng hộ để phân công các tổ chức, đoàn thể giúp đỡ.
Song song đó, phòng phối hợp chặt chẽ với Mặt trận huyện và UBND 11 xã tiến hành kiểm tra, đề xuất Mặt trận thành phố hỗ trợ kinh phí xây mới, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo. Mặt trận huyện trở thành cầu nối quan trọng trong công tác kêu gọi, vận động các tổ chức chính trị, xã hội và người dân chung tay góp sức giúp đỡ hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống, nhất là sau đại dịch Covid-19.
Với sự hướng dẫn sát sao của Phòng LĐ-TB&XH huyện, trong thời gian qua, các xã đã khảo sát nhu cầu học nghề của bà con nông thôn, sau đó phối hợp với các cơ sở dạy nghề xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp dạy nghề và giới thiệu việc làm cho người lao động.
Đặc biệt, UBND huyện đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tổ chức Ngày hội việc làm tại Trung tâm Hành chính huyện thu hút trên 340 lao động tham gia. Bên cạnh đó, Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp với Hội Nông dân, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tuyển chọn, hoàn thành các thủ tục đưa lao động nông nghiệp của huyện sang tu nghiệp tại quận Yeongyang (Hàn Quốc) và triển khai chương trình hợp tác tuyển điều dưỡng viên sang Nhật Bản.
Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, Phòng LĐ-TB&XH phối hợp với Ngân hàng Chính sách huyện và UBND 11 xã triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi giúp người dân tiếp cận nguồn vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống. Năm 2021, Ngân hàng Chính sách huyện đã thẩm định, giải ngân cho 9.427 lượt hộ nghèo, hộ thoát nghèo vay giải quyết việc làm với tổng kinh phí 401,3 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, 11 xã tiến hành rà soát, mua cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số 3 xã Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh; đồng thời hỗ trợ mua thẻ BHYT 90% cho 7.769 hộ cận nghèo với tổng kinh phí 5,6 tỷ đồng. Ngoài ra, các địa phương còn lồng ghép các chương trình giúp đỡ của các tổ chức từ thiện nhân đạo như: Hỗ trợ mổ tim, hỗ trợ xe lăn, xe lắc cho người tàn tật nghèo, khám bệnh cấp thuốc miễn phí…; qua đó tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ dân tộc, hộ cận nghèo khám chữa bệnh.
Nhân rộng các mô hình hiệu quả
Để cải thiện thu nhập của người dân địa phương, các xã tiếp tục lồng ghép chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao; từ đó hình thành và mở rộng các mô hình sản xuất, giúp các hộ nghèo học tập kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như Hợp tác xã (HTX) sản xuất rau sạch ở Hòa Phong, Hòa Ninh; HTX trồng hoa, cây cảnh ở Hòa Phước, mô hình vườn chuối ở xã Hòa Nhơn, mô hình nuôi cá nước ngọt tại xã Hòa Khương… Bên cạnh đó, các hội, đoàn thể của huyện và xã triển khai hỗ trợ giống, cây trồng, con vật nuôi cho người nghèo, người dân tộc và tập huấn truyền đạt kinh nghiệm kỹ thuật gieo, ươm giống cho các hộ nghèo vùng trung du, miền núi theo chủ trương của thành phố.
Đặc biệt, trong năm 2021, do ảnh hưởng Covid-19, Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp với UBND các xã tiếp tục duy trì, phát huy các mô hình sản xuất hiệu quả và hỗ trợ cải tạo vườn tạp, giống cây trồng, vật nuôi như bò, heo, gà, vịt… để tăng gia sản xuất; trong đó nhiều xã làm tốt như Hòa Phước, Hòa Khương, Hòa Ninh, Hòa Nhơn, Hòa Châu…
Phòng LĐ-TB&XH huyện cũng phối hợp với tổ chức Trẻ em Việt Nam (COV) duy trì thực hiện 2 mô hình dự án “Nâng cao năng lực cho phụ nữ nghèo đơn thân” và “Hỗ trợ chăm sóc hy vọng cho trẻ khuyết tật” tại các xã Hòa Sơn, Hòa Nhơn, Hòa Liên, Hòa Châu, Hòa Phước, giúp các hộ nghèo, hộ gia đình khó khăn có trẻ khuyết tật vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thực hiện Chương trình giảm nghèo quốc gia năm 2022, ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, huyện tiếp tục thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp giảm nghèo đa chiều, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản nhằm nâng cao mức sống, điều kiện và chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Tổng kinh phí thực hiện đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo dự kiến 76,56 tỷ đồng; trong đó nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp là 16,7 tỷ đồng, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội 53,86 tỷ đồng và nguồn vốn huy động 6 tỷ đồng.
Phấn đấu giảm 700 hộ nghèo và 385 hộ cận nghèo Đầu năm 2021, toàn huyện Hòa Vang có 673 hộ nghèo còn sức lao động, chiếm tỷ lệ 1,76%; 922 hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 2,41%; trong năm phát sinh 91 hộ nghèo và 49 hộ cận nghèo. Cuối năm 2021, huyện giảm 275 hộ nghèo, 550 hộ cận nghèo. Trong năm 2022, huyện phấn đấu giảm 700 hộ nghèo và 385 hộ cận nghèo, trong đó phấn đấu thoát hết hộ nghèo còn sức lao động theo chuẩn Trung ương và vận động 100% người thuộc hộ cận nghèo tham gia BHYT có hỗ trợ của Nhà nước. |
ĐOÀN GIA HUY