Nghề chọn người

.

Có một câu nói mà tôi thấy khá đúng với bản thân, đó là “nghề chọn người chứ người không chọn nghề”. Sau hơn 3 năm làm báo, tôi lại càng thấm thía câu nói này.

Tác giả (bên phải) phỏng vấn nhân vật. Ảnh: V.Hoàng
Tác giả (bên phải) phỏng vấn nhân vật. Ảnh: V.Hoàng

Hai mẹ con cùng nghề báo

Tuy chỉ hơn 3 năm viết báo nhưng nỗi vất vả của nghề thì tôi đã hiểu từ khá lâu, bởi mẹ tôi là một nhà báo. Mẹ tôi từng làm việc và cộng tác cho nhiều tờ báo in trước khi chọn “bến đỗ” cuối cùng để gắn bó trong 20 năm làm ở Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng (1998-2018). Nghề báo vốn đã vất vả, đối với phóng viên truyền hình nữ lại càng vất vả muôn phần khi áp lực luôn hiện hữu mỗi ngày, như đi làm tin sự kiện buổi sáng thì phải viết tin, dựng hình ảnh sao cho thật nhanh để kịp chương trình thời sự trưa; dự sự kiện chiều thì phải làm thật nhanh để kịp chương trình thời sự tối. Mẹ tôi còn kiêm nhiệm thêm việc biên tập, đạo diễn các chương trình thời sự, talk-show… nên có thể nói phải chạy đua với thời gian mỗi ngày. Hầu như tối nào mẹ cũng đi làm về trễ, thường là sau 7 giờ tối mới về nhà, thỉnh thoảng lắm mới có hôm mẹ về sớm lúc 5, 6 giờ chiều.

Khi mẹ tôi vào làm tại Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng, mẹ đã có gia đình với hai con nhỏ nên luôn cố gắng gấp hai, gấp ba lần người khác khi phải vừa hoàn thành công việc và chăm sóc con cái, lo toan nhà cửa; còn ba tôi thường xuyên đi công tác xa, hiếm khi ở nhà. Nhưng vì có nhiều việc phải lo mà thời gian có hạn nên mẹ không thể chu toàn được mọi việc. Còn nhớ khi học bậc mầm non, tôi là đứa trẻ thường được đón về trễ nhất, có khi các bạn trong trường về hết chỉ còn mình tôi thì mẹ mới tới đón. Bữa cơm tối của nhà tôi thường vào lúc 20 giờ vì mẹ đi làm về trễ, hôm nào sớm hơn là do tôi ăn ở nhà ông bà ngoại sau khi đi học về để chờ mẹ đón...

Nghề chọn người

Lúc đi học, tôi ước mơ sau này mình làm giáo viên dạy toán hoặc tiếng Anh vì tôi học khá hai môn này nhưng suy nghĩ kỹ thì không phải cứ học khá môn nào là có thể làm giáo viên dạy môn đó được, mà còn phải có sự yêu thích và năng khiếu nữa. Bước vào năm học cấp 3, tôi bắt đầu quan sát mọi thứ xung quanh mình nhiều hơn để chọn nghề, chọn trường thật chính xác. Thời gian đó khoảng năm 2010, khi mạng xã hội và nhiều diễn đàn bắt đầu phát triển, ngoài giờ học thì tôi cũng thỉnh thoảng “online” để đọc tin tức và tôi khá thích bày tỏ quan điểm của mình tại một số diễn đàn về các ngôi sao, thần tượng, trò chơi, học đường… Tôi nhận ra mình có năng khiếu về viết hơn là nói. Ngoài ra, ngay từ nhỏ, tôi đã thích được đi du lịch, đi đây đi đó, có khi là đi tới các tỉnh, thành phố mà ba tôi công tác, khi thì đi về quê…Vậy là tôi xác định mình thích một công việc có thể biểu đạt bằng chữ viết mà lại được di chuyển nhiều nơi, còn nghề nào thích hợp hơn nghề báo?

Tuy xác định như vậy, tôi vẫn khá đắn đo khi nhìn thấy mẹ vất vả với công việc mỗi ngày. Nhưng dưới góc nhìn của tôi, mẹ tuy vất vả nhưng chưa bao giờ than vãn rằng công việc buồn chán. Mẹ kể với tôi rằng, trước khi làm phóng viên truyền hình, mẹ làm phóng viên báo in một thời gian rồi sau đó qua nước Nga để phụ việc quản lý nhà hàng trong 2 năm. Thời gian đó, tuy lương cao nhưng mẹ lại thường xuyên suy nghĩ về công việc trước đây. Mẹ bảo, mỗi khi xong việc, mẹ thường nhìn qua khung cửa sổ của nhà hàng để quan sát mọi người, rồi thầm nghĩ “chẳng lẽ cuộc đời mình từ nay về sau phải nhìn qua khung cửa hạn hẹp này để có cái nhìn về cuộc sống xung quanh hay sao?”. Thế là mẹ trở về nước, tiếp tục tìm công việc viết báo và sau đó thi tuyển vào Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng và gắn bó tới khi nghỉ hưu.

Vậy là chẳng biết được truyền cảm hứng từ bao giờ, tới ngày điền vào hồ sơ chọn trường đại học, tôi đăng ký thi vào khoa Báo chí của Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế). Tuy nhiên, sau 4 năm học, tôi không đi viết báo mà chọn công việc bán hàng, kinh doanh. Tôi nghĩ chắc ngày trước mình chọn sai ngành, sai nghề, bởi việc kinh doanh phù hợp với tôi và tôi hoàn toàn có thể phát triển hơn khi mở rộng quy mô kinh doanh, đầu tư tương xứng… Nhưng khi nói chuyện nghiêm túc với mẹ về việc này, mẹ tôi chỉ nhẹ nhàng nói: “Đó là lựa chọn của con nhưng nếu con thử đi viết báo mà khó khăn vì không có thu nhập, mẹ sẻ hỗ trợ con đến khi nào con có thể sống được với nghề báo thì thôi”. Sau khi suy nghĩ, tôi đi thử việc tại Báo Đà Nẵng và đến nay đã gắn bó với cơ quan được hơn 3 năm. Tuy 3 năm không phải là thời gian quá dài nhưng kỷ niệm vui, buồn gì tôi cũng được trải qua. Nhìn lại bản thân, tôi thấy câu nói “nghề chọn người chứ người không chọn nghề” khá chính xác. Mỗi ngày trôi qua, tôi cảm thấy yêu nghề báo và mong muốn gắn bó với nghề lâu dài.  

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.