Liên tiếp các vụ tai nạn lao động vừa xảy ra trên địa bàn thành phố cho thấy nguy cơ mất an toàn lao động trên các công trình luôn hiển hiện. Từ đây đặt ra trách nhiệm của các chủ dự án, công trình trong công tác kiểm tra, xử lý cũng như việc cần nâng cao kiến thức, kỹ năng trong thực hiện, tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động cho công nhân.
Cần bảo đảm an toàn lao động trong xây dựng các công trình. TRONG ẢNH: Công nhân đang thi công tại một công trình trên địa bàn huyện Hòa Vang. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Hiểm họa tai nạn lao động luôn rình rập
Vụ tại nạn lao động xảy ra vào chiều 11-7 khi nhóm công nhân và xe bơm bê-tông đang thực hiện công đoạn đổ bê-tông trên tầng mái của một công trình xây dựng nằm trên đường Nguyễn Lộ Trạch (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) khiến 2 người tử vong, 1 người còn lại bị thương nặng. Phương tiện phục vụ thi công trong quá trình đổ bê-tông dầm sàn tầng 4 của công trình là xe bơm bê-tông của Công ty CP Bê-tông Đăng Hải.
Vụ tai nạn lao động thứ 2 xảy ra trước đó ít giờ khiến 1 công nhân bị thương nặng. Theo Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an thành phố, đơn vị nhận được cấp báo về việc có người bị điện giật bỏng nặng và đang mắc kẹt trên cột điện. Sự việc xảy ra tại đường số 1 Khu công nghiệp Hòa Cầm (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ). Trước tình thế nguy cấp có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người bị mắc kẹt, lực lượng chức năng hỏa tốc xuất xe chuyên dụng cùng cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cảnh sát đã cứu được nam công nhân này. Nguyên nhân tai nạn được xác định ban đầu là do đơn vị thi công Công ty Bê-tông ly tâm Nha Trang không đăng ký công tác với Điện lực Cẩm Lệ, công nhân của đơn vị này tự ý leo lên cột điện để thi công lưới điện dẫn đến tai nạn.
Từ hai vụ tai nạn lao động trên cho thấy sự thiếu kiểm tra trang thiết bị cơ giới trong thi công. Thực tế, hoạt động cung cấp bê-tông vào các công trình xây dựng luôn xuất hiện tình trạng mất an toàn lao động. Một số đơn vị cung cấp bê-tông xây dựng vận hành thiết bị thường chiếm dụng vỉa hè, lòng đường; thi công trong giờ cao điểm gây cản trở giao thông. Có trường hợp tổ chức thi công ở khu dân cư nhưng thiếu biển báo, cắt cử người hướng dẫn hiệu lệnh mà ít có sự kiểm tra, xử lý quy trình thi công lẫn sự an toàn của thiết bị.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn lao động chủ yếu do người lao động vi phạm nội quy, quy trình và các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, nhất là trong các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn lao động như: xây dựng, khai thác và chế biến đá… Như vậy, tính từ đầu năm đến tháng 7-2022, tại thành phố đã ghi nhận 7 vụ tai nạn lao động làm 7 người tử vong. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Trần Văn Hoàng nhận định, lĩnh vực xây dựng là ngành nghề tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và mức độ nguy hiểm cao, đòi hỏi phải thường xuyên quan tâm, chú trọng việc triển khai công tác an toàn và quản lý chặt chẽ chất lượng thi công. Việc bảo đảm chất lượng, an toàn trong quá trình thi công xây dựng không chỉ là trách nhiệm của những người được phân công thực hiện, mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân tham gia vào công trình.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến kiểm tra, xử lý
Trước các vụ tai nạn lao động xảy ra vào ngày 11-7, ngày 7-7 đã có hơn 200 đại biểu, khách mời là đại diện các sở, ngành, ban quản lý dự án, UBND các quận, huyện, chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công tham gia hội nghị tập huấn nội dung liên quan đến phân công, phân cấp, ủy quyền trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn thành phố do Sở Xây dựng tổ chức vừa qua. Nội dung tập huấn còn quán triệt các văn bản pháp luật về bảo đảm an toàn lao động. Điều này cho thấy vẫn còn khoảng cách lớn từ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo đảm an toàn lao động đến công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.
Trước đó, ngày 4-4-2022, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 66/KH-UBND về tổ chức triển khai thực hiện Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2022 diễn ra từ ngày 1 đến 31-5-2022 với chủ đề “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc”. Kế hoạch số 66/KH-UBND yêu cầu đôn đốc, kiểm tra các doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc khai báo máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; tư vấn hướng dẫn doanh nghiệp, người lao động nhận diện, đánh giá nguy cơ rủi ro, cải thiện điều kiện làm việc an toàn tại các công trình xây dựng…
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Trần Văn Hoàng nhấn mạnh, công tác bảo đảm an toàn trong quá trình thi công xây dựng đi liền với bảo đảm chất lượng công trình. Do đó, các đơn vị, tổ chức, chủ thể tham gia quá trình xây dựng phải tuyệt đối tuân thủ các quy định hiện hành từ khâu thẩm định thiết kế, cấp phép xây dựng, quản lý chất lượng xây dựng, an toàn xây dựng, xử lý sự cố công trình; bảo đảm chất lượng, an toàn lao động. Công tác an toàn, vệ sinh lao động không chỉ quan trọng đối với cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực, ngành mà với mỗi doanh nghiệp, đơn vị và từng người lao động cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục... có như vậy mới có thể kiểm soát tốt, hạn chế tai nạn lao động. Các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng của thành phố cũng sẽ đôn đốc, kiểm tra các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định.
TRIỆU TÙNG