Còn nhiều nhà xưởng, điểm tập kết phế liệu trong khu dân cư

.

Mặc dù thành phố đã có chủ trương di dời các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nằm xem lẫn khu dân cư (KDC) ra các khu, cụm công nghiệp, nhưng đến nay, vẫn còn khoảng 500 cơ sở hoạt động gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Một cơ sở chuyên làm nội thất gia dụng trên đường Khánh An 8, phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) nằm cạnh khu dân cư. Ảnh: N.P
Một cơ sở chuyên làm nội thất gia dụng trên đường Khánh An 8, phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) nằm cạnh khu dân cư. Ảnh: N.P

Nhiều cơ sở sản xuất trong khu dân cư

Điển hình là cơ sở thu mua, tái chế phế liệu Trung Lài nằm trên đường Mân Quang 3, phường Thọ Quang. Cơ sở này được xây dựng trên diện tích 5 lô đất tái định cư liền kề (thuộc khu tái định cư Thọ Quang 2 trước đây) được quận Sơn Trà cấp phép hoạt động từ nhiều năm nay qua. Người dân sinh sống xung quanh thường xuyên phải chịu đựng tiếng dập inh tai nhức óc do máy ép vỏ lon phát ra, chưa kể nước thải, rác từ phế liệu đổ ra gây ô nhiễm môi trường.

Một người dân xin giấu tên cho biết: “Chúng tôi ở đây phải chịu ô nhiễm môi trường và tiếng ồn do cơ sở này gây ra. Người đi xe gắn máy qua đoạn đường này thường xuyên bị thủng lốp do vật kim loại sắc nhọn rải ra đường khi cơ sở này vận chuyển phế liệu. Chưa kể, xe vận chuyển phế liệu thường xuyên đậu ngược chiều gây ách tắc giao thông. Chúng tôi phản ánh lên chính quyền địa phương nhiều năm rồi nhưng không hiểu sao cơ sở này vẫn hoạt động bình thường.”

Phó Chủ tịch UBND phường Thọ Quang Lê Thị Kim Thương cho biết, hiện nay trên địa bàn phường có 11 cơ sở thu mua phế liệu, trong đó có 3 cơ sở thu mua phế liệu lớn và 8 cơ sở thu mua phế liệu nhỏ lẻ. Các cơ sở thu mua phế liệu nằm trong KDC tìm ẩn ngay cơ gây ô nhiễm và nguy cơ cháy, nổ. UBND phường cũng đã có kiến nghị lên UBND quận di dời các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thu mua phế liệu, buôn bán vật liệu xây dựng ra khỏi KDC.

Trong khi đó, trên các tuyến đường Khánh An 8, Khánh An 9, Khánh An 10 và Khánh An 11, phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) có nhiều nhà xưởng nằm trong lẫn KDC. Các nhà xưởng chủ yếu là xưởng cơ khí, làm biển hiệu, quảng cáo, nhôm kính, kho chứa sơn… Theo phản ánh từ người dân, các xưởng cơ khí này thường xuyên gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường và có nguy cơ cháy nổ.

Anh L.V.D (SN 1992, phường Hòa Khánh Nam) chia sẻ: “Hàng chục nhà xưởng hoạt động gây bất an cho người dân ở khu vực này. Chúng tôi mong chính quyền địa phương có biện pháp chấm dứt tình trạng này”. Tương tự, tại phường Hòa Minh (quận liên Chiểu) cũng tồn tại nhiều xưởng cơ khí, xưởng mộc,… xen lẫn trong KDC. Theo số liệu do phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) cung cấp, trên địa bàn phường có 9 cơ sở thu mua phế liệu và 6 xưởng cơ khí hoạt động trong KDC.

Có thể thấy rằng, tại các địa phương trên địa bàn thành phố vẫn tồn tại hàng trăm cơ sở sản xuất nằm trong KDC tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và cháy, nổ gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh việc di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi KDC không chỉ giúp doanh nghiệp an tâm sản xuất mà còn góp phần xây dựng thành phố môi trường.

Cần di dời cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp ra khỏi khu dân cư

Chủ tịch UBND phường Hòa An Lê Thị Ngọc Thủy cho biết, trước đây, quận Cẩm Lệ từng có chủ trương hình thành các cụm công nghiệp nhỏ để di dời các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, điểm tập kết phế liệu ra khỏi KDC. “Chúng tôi mong sớm hình thành các cụm công nghiệp nhỏ để di dời các nhà xưởng, điểm thu mua phế liệu ra khỏi KDC để bảo đảm môi trường, giảm thiểu nguy cơ cháy nổ trong KDC”, bà Thủy nói.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Minh Phạm Ngọc Lãnh cho rằng, thành phố và quận cần có phương án di dời các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp tập trung vào một nơi cách xa KDC. Đó cũng là điều kiện thuận lợi để chủ cơ sở kinh doanh an tâm phát triển kinh tế.

Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường quận Liên Chiểu Nguyễn Thị Bích Khiêm cho biết, từ năm 2019 đến nay, quận không xác nhận hồ sơ bảo vệ môi trường đối với các dự án, cơ sở nằm xen kẽ trong KDC vì pháp lý về đất đai không cho phép (sai mục đích sử dụng đất, đất ở không được sản xuất kinh doanh…). Phòng đã hướng dẫn người dân có nhu cầu vào thuê nhà xưởng trong các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố để hoạt động ổn định, lâu dài. Tuy nhiên, vì nhiều lý do như: giá tiền thuê nhà xưởng quá cao, chưa bố trí được quỹ đất... để tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, UBND các phường của quận vẫn cho các cơ sở này hoạt động xen kẽ trong KDC.

Tại Chương trình “HĐND với cử tri” lần thứ hai diễn ra ngày 26-5, Giám đốc Sở Công Thương Lê Thị Kim Phương cho biết, năm 2019, thành phố đã có đánh giá sơ bộ và thống kê có khoảng 500 cơ sở sản xuất kinh doanh đang hoạt động trong các khu, cụm dân cư có nhu cầu di dời vào các khu, cụm công nghiệp. Tuy nhiên, đến năm 2022 con số này có thể đã tăng lên nên cần có khảo sát và đánh giá nhu cầu tổng thể. Việc rà soát, tổng hợp các doanh nghiệp có nhu cầu di dời sẽ giúp xác định được nhu cầu sử dụng đất cần thiết để định hướng phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Tại chương trình này, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết cho rằng, vấn đề di dời các cơ sở sản xuất trong KDC được đề cập nhật nhiều nhưng vẫn chưa có giải pháp căn cơ; đồng thời.

Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố, Sở Công thương và UBND các quận, huyện tiếp tục rà soát lại số lượng cơ sở sản xuất trong KDC, đặc biệt là các doanh nghiệp gây ô nhiễm để phân loại thứ tự ưu tiên cũng như có lộ trình cụ thể để di dời các doanh nghiệp ra khỏi KDC vào các khu, cụm công nghiệp, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp bảo đảm tiến độ di dời; UBND thành phố cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn và nhanh chóng hoàn thành các khu, cụm công nghiệp để di dời.  

NGỌC PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.