Chính trị - Xã hội

Đà Nẵng cùng hành động để đạt được một xã hội trung hòa carbon, xây dựng và phát triển đô thị

17:22, 28/07/2022 (GMT+7)

ĐNO - Trưa 28-7, trong khuôn khổ chương trình hội nghị thượng đỉnh các thành phố châu Á - Thái Bình Dương năm 2022 (APCS 2022), lãnh đạo các sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ đã tham dự trực tuyến 2 phiên thảo luận về hành động để đạt được một xã hội trung hòa carbon và xây dựng, phát triển đô thị trong giai đoạn bình thường mới.

Video: HOÀNG HIỆP

Lãnh đạo Sở Xây dựng và Sở Khoa học và Công nghệ tham dự phiên thảo luận về xây dựng, phát triển đô thị trong giai đoạn bình thường mới. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Lãnh đạo các sở, ban, ngành của thành phố tham dự phiên thảo luận về xây dựng, phát triển đô thị trong giai đoạn bình thường mới. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Tại phiên thảo luận về hành động để đạt được một xã hội trung hòa carbon, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Nguyên Chương phát biểu chia sẻ về những hoạt động tại thành phố Đà Nẵng nhằm hướng đến mục tiêu trung hòa carbon trong tương lai.

Theo đó, Đà Nẵng đã và đang nỗ lực không ngừng để chung tay hành động vì mục tiêu trung hòa carbon.

Trong các lĩnh vực phát thải khí nhà kính ở Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng, năng lượng là ngành có tỷ trọng phát thải cao nhất. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng về ‘0’ vào năm 2050, việc chuyển đổi năng lượng, thay thế điện than bằng các nguồn điện gió, điện mặt trời, điện khí và các nguồn điện ít phát thải khác là mục tiêu mà Đà Nẵng hướng đến.

Tại Đà Nẵng, trong các loại năng lượng tái tạo thì năng lượng mặt trời và năng lượng sinh khối có tiềm năng lớn và có tính khả thi cao. Tiềm năng kỹ thuật lắp đặt điện mặt trời áp mái tại thành phố Đà Nẵng là 1.140 MW. Đến hết năm 2020, nguồn điện mặt trời mái nhà đã lắp đặt với tổng công suất đạt 81,49 MWp.

Thành phố sẽ phát triển loại hình điện mặt trời trên mặt đất theo hướng kết hợp với đất sản xuất và trên các khu đất không còn giá trị phát triển kinh tế, như: kết hợp trang trại nông nghiệp công nghệ cao với năng lượng mặt trời áp mái nhằm tăng giá trị khai thác trên cùng một diện tích đất; lắp đặt điện mặt trời gắn với phát triển nông nghiệp tại các khu vực mỏ khoáng sản trên địa bàn huyện Hòa Vang sau khi đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường...

Đối với năng lượng sinh khối, nguồn năng lượng sinh khối tại Đà Nẵng có thể tận dụng cả phế phẩm nông lâm nghiệp và chất thải rắn. Đối với việc tận dụng phế phẩm nông nghiệp, cây trồng năng lượng, Đà Nẵng đang đề xuất dự án Nhà máy điện sinh khối (đồng phát nhiệt điện) 15MW, sản lượng điện phát lên lưới trung bình hằng năm khoảng 95 triệu kWh/năm.

Đối với nguồn năng lượng sinh khối từ chất thải rắn sinh hoạt, theo tính toán, dự báo lượng thải chất thải rắn phát sinh đến năm 2030 lên đến 2.332 tấn/ngày.

Nếu tận dụng hợp lý nguồn rác thải này, có phương pháp xử lý hợp lý, hằng năm thành phố có thể thu hồi được một lượng năng lượng là rất lớn từ nguồn rác thải với mỗi tấn rác sinh hoạt có thể cung cấp lượng điện sạch hơn 280kWh.

Hiện nay, thành phố đang triển khai Dự án nhà máy đốt chất thải rắn phát điện tại Khánh Sơn quy mô 650 tấn/ngày đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh với quy mô công suất phát điện là 18MW.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, thành phố đã và đang hợp tác với các đối tác quốc tế triển khai các dự án chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến một xã hội trung hòa carbon.

Thành phố đang triển khai Dự án “Hợp tác giữa thành phố Đà Nẵng và thành phố Yokohama (Nhật Bản) hướng tới thành phố bền vững và trung hòa caron” do Bộ Môi trường Nhật Bản tài trợ. Cụ thể là đang triển khai dự án ở giai đoạn thứ 3, tập trung vào hỗ trợ xây dựng dự án mô hình về công nghệ carbon thấp (năng lượng tái tạo, công nghệ tiết kiệm năng lượng,...); hỗ trợ nâng cao kiến thức và nhận thức về công nghệ carbon thấp cho các công ty; hỗ trợ nâng cao kiến thức về không carbon và phát triển thành phố bền vững thông qua học hỏi kinh nghiệm của thành phố Yokohama...

Qua phiên thảo luận, các thành phố tham gia sẽ học hỏi những sáng kiến, kinh nghiệm của các thành phố bạn để cùng nhau xây dựng các thành phố trung hòa carbon trong vài thập kỷ tới.

Các đại biểu cũng thảo luận về khả năng thích ứng linh hoạt của phát triển đô thị với những thay đổi; các biện pháp tái cấu trúc đô thị; cập nhật các chiến lược phát triển đô thị đang diễn ra; các sáng kiến về phát triển đô thị thích ứng với sự thay đổi trong tương lai, xây dựng thành phố thông minh...

HOÀNG HIỆP

.