Chung sức xây dựng đô thị sinh thái

.

Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh. Thời gian đến, để thực hiện được mục tiêu này cần sự chung tay, góp sức của nhân dân thành phố, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Khu vực ven biển quận Sơn Trà đã hoàn thành thi công các tuyến ống thu gom nước thải để giữ gìn bãi biển sạch, đẹp, thu hút khách du lịch. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Khu vực ven biển quận Sơn Trà đã hoàn thành thi công các tuyến ống thu gom nước thải để giữ gìn bãi biển sạch, đẹp, thu hút khách du lịch. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Vì thành phố Đà Nẵng sạch, đẹp

Tháng 9 năm nay, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng cùng Liên danh Công ty CP Kỹ thuật SEEN và Tổng Công ty TNHH MTV Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO) hoàn thành thi công Trạm trung chuyển rác Sơn Trà. Đây là một công trình bảo vệ môi trường hiện đại với công suất ép 200 tấn/ngày, gồm các hạng mục: 2 hệ thống ép rác kín; 1 hệ thống rửa xe tự động; 1 hệ thống nghiền rác cồng kềnh; 1 hệ thống khử mùi hôi; 1 hệ thống xử lý nước thải; 4 xe hooklift vận chuyển thùng chứa rác; 9 thùng chứa rác kín loại lớn... Liên danh nhà thầu SEEN - SAMCO cũng là đơn vị đã thi công hoàn thành Trạm trung chuyển rác trên đường Lê Thanh Nghị (quận Hải Châu) có công suất ép rác tối đa 485 tấn/ngày.

“Trạm trung chuyển rác ở đường Lê Thanh Nghị được chúng tôi thi công có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến nhất Việt Nam. Còn Trạm trung chuyển rác Sơn Trà được thi công sau nên có nhiều điểm còn chỉn chu hơn. Chúng tôi thi công những công trình này nhằm góp phần làm cho Đà Nẵng thêm sạch, đẹp, hướng đến đô thị sinh thái”, ông Đặng Quế Hùng, đại diện Liên danh nhà thầu SEEN - SAMCO bày tỏ.

Những năm qua, SAMCO đã cung cấp nhiều xe cơ giới thu gom rác loại nhỏ, thân thiện môi trường phù hợp với nhiều tuyến đường có đông phương tiện giao thông, đường nhỏ, kiệt, hẻm ở thành phố Đà Nẵng. Còn SEEN đã thi công và cung cấp nhiều công nghệ xử lý nước thải tiên tiến cho các trạm xử lý nước thải Phú Lộc, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà..., đặc biệt là Trạm xử lý nước rỉ rác Khánh Sơn, giúp thành phố giải quyết tốt vấn đề xử lý nước thải và nước rỉ rác.

“Sông Phú Lộc giờ không còn bị ô nhiễm môi trường như trước đây. Đây là động lực để chúng tôi tiếp tục thi công các công trình bảo vệ môi trường giúp thành phố ngày càng sạch, đẹp và đáng sống”, Giám đốc Văn phòng Công ty CP Kỹ thuật SEEN tại Đà Nẵng Phạm Văn Thuần chia sẻ.

Cũng như SEEN và SAMCO, Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng DACINCO, một doanh nghiệp của Đà Nẵng đã thi công những công trình bảo vệ môi trường tại thành phố, nhất là dự án Cải thiện môi trường nước phía đông quận Sơn Trà, dự án Tuyến ống thu gom nước thải dọc đường Nguyễn Tất Thành (quận Hải Châu và Thanh Khê). Công ty đã đầu tư các loại máy móc, thiết bị về khoan kích ngầm, trở thành doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam thi công hệ thống thu gom nước thải bằng công nghệ mới giúp đẩy nhanh tiến độ thi công, hạn chế phá dỡ công trình giao thông, cơ sở hạ tầng.

Ông Nguyễn Văn Châu, đại diện Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng DACINCO thông tin: “Hiện chúng tôi đang thi công một số hạng mục đấu nối nước thải để đến đầu tháng 9 cơ bản hoàn thành thi công tuyến ống thu gom nước thải dọc đường Nguyễn Tất Thành. Còn đối với dự án Cải thiện môi trường nước phía đông quận Sơn Trà, chúng tôi đã thi công ở khu vực ven biển (đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp), đến cuối năm 2022 thì hoàn thành dự án”.

Huy động các nguồn lực xây dựng thành phố môi trường

Những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp và người dân thành phố đã chung tay giữ gìn, bảo vệ môi trường và tích cực phân loại rác tại nguồn, trồng và chăm sóc cây xanh, thực hiện các phong trào “Ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp”, chống rác thải nhựa... Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã huy động hơn 10 tổ chức trong và ngoài nước như: Viện Chiến lược Môi trường toàn cầu Nhật Bản (IGES), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP)... hỗ trợ hơn 13 chương trình, dự án, viện trợ có tổng kinh phí hơn 70 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động nghiên cứu, triển khai giải pháp bảo vệ môi trường, thực hiện nhiệm vụ xây dựng thành phố môi trường, hướng đến đô thị sinh thái...

Trạm trung chuyển rác trên đường Lê Thanh Nghị có quy mô và công nghệ tiên tiến. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Trạm trung chuyển rác trên đường Lê Thanh Nghị có quy mô và công nghệ tiên tiến. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Thực hiện quan điểm “Phát triển thành phố Đà Nẵng theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng; phát triển kinh tế nhanh và bền vững, coi việc nâng chất lượng cuộc sống của người dân ở mức cao là nhiệm vụ trung tâm…” theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030. Đề án có 31 tiêu chí, 51 nhiệm vụ, dự án, công trình, phi công trình với tổng kinh phí khái toán thực hiện đến 15.546 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Văn Hùng cho rằng, Đà Nẵng đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, phối hợp của các bên liên quan, nhất là các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ cùng thành phố triển khai xây dựng thành phố môi trường. Đặc biệt là Đà Nẵng đã nhận được sự đồng hành của Yokohama, một thành phố kiểu mẫu về bảo vệ môi trường của Nhật Bản, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và giải pháp hiệu quả nhằm đem lại sự kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và duy trì môi trường sinh thái.

Ông Tô Văn Hùng cho biết: “Chúng tôi cũng mong các sở, ban, ngành, cùng các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đối tác tiếp tục đóng góp xây dựng thành phố môi trường, hướng đến đô thị sinh thái thông qua các hành động cụ thể, hiệu quả, thiết thực trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, sản xuất và tiêu dùng bền vững”.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.