Khát vọng thiêng liêng

.

Trong những ngày này, mỗi chúng ta hẳn không ai không nhớ đến lời gửi gắm chân tình, lời dặn dò tha thiết, đồng thời cũng là tiếng nói mang khát vọng thiêng liêng của cả dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong “Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, ngày 15-9-1945: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Ảnh: Tư liệu
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Ảnh: Tư liệu

Tư tưởng “sánh vai” hẳn đã nung nấu từ lâu trong suy nghĩ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ những ngày còn là một thanh niên bôn ba đi tìm đường cứu nước, nhưng phải chăng đây là lần đầu tiên được Người thể hiện rõ trong bức thư gửi đến thế hệ trẻ của đất nước.

Ở vào thời điểm chỉ mới hơn mười ngày sau tuyên bố khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với bộ máy chính quyền còn non trẻ, khát vọng sánh vai với các cường quốc năm châu được người đứng đầu nhà nước nói lên, đó là biểu hiện ý chí của một người đầy dũng cảm, đầy khát vọng, và cũng là trí tuệ, tầm nhìn của một người từng trải, từng đi bốn biển năm châu để thấy nhân loại đã văn minh như thế nào, để chứng kiến cái tột cùng sung sướng và những cái tột cùng đau khổ; và từ đó, quyết tâm đưa dân tộc mình vươn lên vượt qua đau khổ, vươn tới sánh vai cùng các dân tộc văn minh, hạnh phúc.

Hôm nay, sau 77 năm nhìn lại, chúng ta đã có quyền tự hào về vị trí, về thế đứng của dân tộc Việt Nam trong cộng đồng nhân loại; về hình ảnh Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế, không chỉ là những con người dũng cảm trong chiến đấu chống ngoại xâm trong quá khứ, mà là một thế hệ người Việt Nam thông minh sáng tạo trong kỷ nguyên số hiện nay.

Không thể tự mãn rằng đã hoàn toàn sánh vai, nhưng Việt Nam hôm nay đã có tiếng nói đầy trách nhiệm với công việc của thế giới hiện đại; và trong không ít lĩnh vực về kinh tế, xã hội, văn hóa, chúng ta đã có thể ngang hàng với nhiều quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa khát vọng “sánh vai”, đất nước ta còn phải trải qua nhiều chặng đường gian nan với nhiều thử thách mới mẻ, chưa có tiền lệ. Bài học lịch sử 77 năm qua đã cho chúng ta thấy, một dân tộc yêu chuộng hòa bình, chỉ muốn sống yên bình trong độc lập tự do để xây dựng đất nước, nhưng những thế lực ngoại xâm, bá quyền, những hoạt động chống phá luôn cản trở bước đi của dân tộc ta. Giành độc lập chưa được bao lâu, cả dân tộc đã phải đương đầu với giặc ngoại xâm, bước vào cuộc trường chinh gian khổ chín năm chống thực dân Pháp, với “áo vải chân không” đi lùng giặc đánh, trang bị chỉ là “nóp với giáo mang ngang vai”.

Chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu chưa phải là trận thắng cuối cùng. Đất nước chia hai miền, cả dân tộc lại bước vào cuộc chiến đấu mới 20 năm đằng đẵng, trong khi một số “cường quốc năm châu” vẫn làm bá chủ thiên hạ, làm mưa làm gió, đưa chiến tranh ra ngoài biên giới quốc gia, củng cố tiềm lực quốc phòng trong nước, gây ra bao cuộc chiến tranh đẫm máu cho các dân tộc yêu chuộng hòa bình. Biết bao chặng đường gian khổ như thế, câu chuyện “sánh vai với các cường quốc năm châu” của dân tộc ta đã phải viết bằng những trang đầy máu và nước mắt của bao thế hệ người con đất Việt.

Trở lại với câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh 77 năm về trước. Lớp thanh niên từng đứng dưới cờ đỏ sao vàng trong lễ khai trường đầu tiên năm ấy đã không kịp ngồi yên trên ghế nhà trường. Một bộ phận tiên tiến trong số họ đã “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”. Và cứ thế các thế hệ nối tiếp nhau, mục tiêu cao cả trước tiên là đem hết sức lực và tài năng đóng góp vào sự nghiệp đánh đuổi ngoại xâm, giành độc lập tự do cho đất nước. Họ không có điều kiện học hành nhiều, nhưng họ để lại cái ý chí, cái khát vọng về một tương lai dân tộc sẽ đến lúc sánh vai các cường quốc năm châu.

Đến hôm nay thế hệ con cháu chắt của họ đã có thể tự hào thực hiện một phần ý chí, khát vọng đó; một số thanh niên ưu tú của chúng ta đã chững chạc bước lên “đài vinh quang” nhận được những danh hiệu cao quý rất đáng tự hào, mang vinh quang về cho dân tộc.

Thành tựu về mọi mặt của Việt Nam hôm nay đã cho phép chúng ta nghĩ tới việc “sánh vai” cùng các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, mặc dù bước đường đi còn rất dài. Dù đường đi còn dài, nhưng hướng đi đã rõ. Kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội – đó là 3 phương châm, cũng là 3 nguyên tắc, 3 trụ cột giữ vững chế độ, đảm bảo phát triển bền vững đất nước hiện tại và tương lai.

Và trọng trách đang nằm trong tay thế hệ trẻ ngày hôm nay của đất nước. Bác Hồ nói  “công học tập của các em”, và chúng ta hiểu thêm, còn là công lao dạy dỗ của các thầy cô giáo và hành động nêu gương của những lớp người đi trước.

Đô thị Đà Nẵng hôm nay.Ảnh: KIM LIÊN
Đô thị Đà Nẵng hôm nay.Ảnh: KIM LIÊN

Trên thực tế hiện nay, theo lời dạy của Bác Hồ, tuổi trẻ Việt Nam đã và đang tiếp bước cha ông, đóng vai trò  là lực lượng tiên phong trong lao động, học tập, sáng tạo. Từng cá nhân và tập thể đang ngày đêm nghiên cứu và ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ hiện đại, nhất là những thành tựu của thời đại công nghệ số vào các lĩnh vực của đời sống, xã hội, quốc phòng - an ninh. Họ đang phấn đấu để xứng đáng là chủ nhân mới của đất nước trong thời kỳ hội nhập, đang tạo ra những giá trị mới mang bản sắc Việt Nam đóng góp vào những giá trị chung của nhân loại.

Điều trùng hợp có ý nghĩa, đó là ngày Quốc khánh của dân tộc cũng đúng dịp tựu trường bước vào năm học mới của lớp lớp các em học sinh trong cả nước. Sự khởi đầu cho những ước mơ, khát vọng. Khát vọng của mỗi cá nhân, của mỗi gia đình và của cả dân tộc. Từ những hành động hướng thiện, những việc tử tế, những ước mơ nhỏ hôm nay sẽ góp phần hiện thực hóa khát vọng thiêng liêng: phấn đấu để đất nước cường thịnh, đủ thế và lực sánh vai cùng các cường quốc năm châu trong thời đại toàn cầu hóa.

NẠI HIÊN

;
;
.
.
.
.
.