Quyết liệt phòng chống bão, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân

.

Bão bão số 4 (Noru) mạnh thêm khi áp sát bờ biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, trở thành cơn bão mạnh nhất trong 20 năm qua. Với sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai, quân và dân thành phố đồng lòng, chung sức ứng phó với bão lớn; khẩn trương sơ tán hơn 81.600 người dân nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp khẩn ứng phó với bão số 4 sáng 27-9. Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp khẩn ứng phó với bão số 4 sáng 27-9. Ảnh: VGP

Bảo vệ tính mạng người dân lên trên hết, trước hết

Sáng 27-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến về ứng phó khẩn cấp với bão số 4 (bão Noru). Tại điểm cầu Đà Nẵng có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng và Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh. Cuộc họp được kết nối trực tiếp đến 8 địa phương khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có khả năng chịu ảnh hưởng của bão.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đang có mặt ở miền Trung để trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác ứng phó bão. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: “Sau khi kiểm tra, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đà Nẵng đã nghiêm túc triển khai công tác phòng, chống bão. Chúng ta cũng có thể tương đối yên tâm với công tác bảo đảm an toàn hồ đập”.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, theo dự báo của các cơ quan chức năng, cơn bão số 4 diễn biến phức tạp, tăng 2 cấp so với ngày 26-9, cường độ mạnh, di chuyển nhanh trong khi khả năng ứng phó còn hạn chế. Đồng thời, nhất trí với quan điểm công tác phòng, chống bão phải chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống “cao hơn 1 cấp” để có sự chủ động chuẩn bị, nếu chuẩn bị tốt thì khi cơn bão đổ bộ với cường độ mạnh hơn dự kiến thì vẫn bảo đảm an toàn. Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh tinh thần của các tỉnh, thành phố, các thành viên Ban Chỉ đạo, yêu cầu Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong bất cứ hoàn cảnh nào.  Đồng thời không để bị động, bất ngờ, gây thiệt hại tính mạng và tài sản người dân; không hốt hoảng, lo sợ, mất bình tĩnh. Ban Chỉ đạo tiền phương trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc ứng phó và khắc phục hậu quả bão, lũ lụt. Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai theo dõi, cập nhật diễn biến kịp thời để báo cáo Ban Chỉ đạo và Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền.

Thủ tướng yêu cầu phải đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng người dân lên trên hết, trước hết, chú trọng bảo vệ người yếu thế, người già, trẻ em, người tàn tật, khách du lịch; cương quyết di dời người dân khỏi khu vực có nguy cơ mất an toàn do bão lũ, cần thiết có thể phải cưỡng chế, với mục tiêu cao nhất là không để thiệt hại về người.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (thứ 3, bên phải sang) kiểm tra công tác phòng, chống bão tại quận Thanh Khê. Ảnh: NGỌC PHÚ
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (thứ 3, bên phải sang) kiểm tra công tác phòng, chống bão tại quận Thanh Khê. Ảnh: NGỌC PHÚ

Chủ động ứng phó lũ quét, sạt lở đất

Chiều 27-9, kiểm tra thực tế công tác ứng phó bão tại các khu vực ven biển, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng yêu cầu các địa phương phải bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, không để người dân ở lại trong các nhà cấp 4, nhà tạm, dười tàu du lịch, tàu cá… Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhận định, bão số 4 có thể ảnh hưởng rất mạnh ở quận Liên Chiểu, Thanh Khê do địa hình chắn lại bởi đèo Hải Vân. Vì vậy, các cấp, ngành, nhất là hai quận  này không chủ quan; nhanh chóng đôn đốc chỉ đạo kiểm tra các hàng quán, lều tạm, không để người dân sống tại nơi này, cũng như tại các căn nhà cấp 4; các công trình phải chằng chống, bảo đảm tuyệt đối an toàn. Trước tình trạng một số đường ống, xe múc, xe cẩu của công trình xử lý nước thải ven biển Nguyễn Tất Thành không được cố định, chằng chống kỹ càng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng yêu cầu Ban Quản lý dự án kịp thời cố định lại các phương tiện, vật tư không để xảy ra trường hợp đáng tiếc.

Kiểm tra dọc tuyến đường Võ Nguyên Giáp thuộc quận Sơn Trà, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đề nghị lãnh đạo quận, phường yêu cầu chủ đầu tư các công trình khách sạn đang thi công dang dở phải bảo đảm an toàn tuyệt đối, cần có phương án bảo vệ các thang máy hở. Bên cạnh đó, đôn đốc từng hộ gia đình kiểm tra không để người dân dọc tuyến đường ở lại các nhà cấp 4. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đến thăm, động viên một số hộ gia đình tại phường Mân Thái và Thọ Quang trước khi được chính quyền di dời tránh bão; đồng thời động viên người dân sinh sống tại khu chung cư Thành Vinh, phường Thọ Quang. Tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (phường Thọ Quang), nơi có hơn 40 người dân đang tránh bão, Bí thư Thành ủy ân cần động viên người dân và yêu cầu chính quyền địa phương bảo đảm nhu yếu phẩm cho người dân trong những ngày trú tránh bão tại đây.

Kiểm tra khu vực tàu du lịch neo đậu trú tránh bão trên sông thuộc phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng chỉ đạo quận phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Sở Giao thông vận tải yêu cầu chủ tàu du lịch đưa người lao động lên bờ trú tránh bão an toàn. Đồng thời, đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố cẩu ngay các tàu cá nhỏ của ngư dân đang neo đậu tại đây lên bờ trú tránh bão an toàn; đề nghị các quận phối hợp với ngành văn hóa tháo dỡ ngay các bảng quảng cáo, để giảm thiệt hại khi bão Noru đổ bộ vào đất liền.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết (bên trái) động viên bà con nhân dân đến tránh bão tại Trường Tiểu học Trần Thị Lý, phường Thanh Bình, quận Hải Châu trong chiều 27-9. Ảnh: V. HOÀNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết (bên trái) động viên bà con nhân dân đến tránh bão tại Trường Tiểu học Trần Thị Lý, phường Thanh Bình, quận Hải Châu trong chiều 27-9. Ảnh: V. HOÀNG

Trước đó, sáng 27-9, đến kiểm tra khu vực dân cư có nguy cơ cao về sạt lở đất ở dưới chân núi Sọ, xã Hòa Sơn và khu vực đồi Lệ Mỹ, xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang), Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng động viên người dân sớm hoàn tất công tác gia cố cửa ngõ, bao che đồ đạc, khẩn trương đến các điểm sơ tán để trú bão an toàn. Đồng thời, lưu ý chính quyền các địa phương tập trung, chủ động triển khai công tác sơ tán dân, không chờ phát lệnh nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân.

Đến kiểm tra tại công trình đập dâng Nam Mỹ (xã Hòa Bắc) thuộc dự án Nhà máy nước Hòa Liên, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng lưu ý Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình công nghiệp và dân dụng Đà Nẵng (đơn vị được giao làm chủ đầu tư và điều hành dự án) theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước và thời tiết để ứng phó kịp thời, vận hành công trình chống lũ an toàn. Ban quản lý cần phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương để khi xảy ra trường hợp lũ lớn, tình huống bất thường thì chủ động công tác sơ tán dân, kịp thời ứng phó, bảo đảm an toàn tính mạng của nhân dân.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng lưu ý, bão số 4 có cường độ mạnh lại gây mưa to nên Huyện ủy, UBND huyện Hòa Vang phải chỉ đạo các địa phương, đơn vị tiến hành kiểm tra tất cả các vị trí có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập úng, công trình thủy lợi cũng như các công trình giao thông đang thi công dở dang có nguy cơ gây ngập úng hoặc ảnh hưởng thoát lũ để chỉ đạo xử lý, ứng phó kịp thời. Đồng thời, phân công cán bộ, chuyên viên chịu trách nhiệm đứng điểm, phụ trách các điểm xung yếu, có nguy cơ cao...

Khẩn trương hoàn tất công tác phòng, chống

Chiều 27-9, kiểm tra thực tế công tác triển khai ứng phó bão số 4 trên địa bàn quận Hải Châu và Cẩm Lệ, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị các địa phương, đơn vị khẩn trương rà soát, thực hiện sơ tán nhân dân tại các khu dân cư, khu nhà trọ không kiên cố, khu vực có nguy cơ bị ngập úng, thiếu an toàn đến nơi trú ẩn an toàn; bảo đảm nhu yếu phẩm, thực phẩm phục vụ người dân tại các địa điểm sơ tán; kiểm tra, bổ sung các trang thiết bị phòng, chống thiên tai để kịp thời ứng phó với bão.

Đến kiểm tra thực tế tại Trường Tiểu học Trần Thị Lý, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, Trường THCS Tây Sơn (quận Hải Châu); Trường Tiểu học Ông Ích Đường, Công ty TNHH MTV Thí nghiệm điện miền Trung (quận Cẩm Lệ)…, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, bảo đảm an toàn phòng, chống bão cho người dân tại các điểm sơ tán. Bố trí lực lượng, không để người dân tự ý rời nơi sơ tán về nhà hoặc đi ra ngoài trong thời gian mưa bão; bảo đảm tuyệt đối an toàn về tính mạng của nhân dân.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (bên phải) chỉ đạo các đơn vị kiểm tra, kiên quyết không để người ở lại trên các tàu, thuyền để bảo đảm an toàn.  Ảnh: HOÀNG HIỆP
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (bên phải) chỉ đạo các đơn vị kiểm tra, kiên quyết không để người ở lại trên các tàu, thuyền để bảo đảm an toàn. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh kiểm tra công tác sơ tán dân và ứng phó bão số 4 trên địa bàn các quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Thanh Khê, Liên Chiểu và huyện Hòa Vang. Tại khu vực bến thủy nội địa K.20, Hói Kiểng (quận Ngũ Hành Sơn), âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà), nơi đang neo đậu trú bão nhiều tàu thuyền, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh yêu cầu Sở Giao thông vận tải và UBND quận Ngũ Hành Sơn yêu cầu các chủ tàu gia cố tại các vị trí neo, bảo đảm neo đậu chắc chắn và tăng cường biện pháp chống va đập. Các lực lượng kiểm tra và kiên quyết không cho người ở lại trên các tàu khi có gió bão mạnh để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra. UBND các quận kiểm tra và khuyến cáo, yêu cầu các chủ xe ô-tô, phương tiện đang đậu đỗ trên các tuyến đường dọc sông Hàn và ven biển đưa xe lên khu vực cao và an toàn hơn để tránh sóng mạnh, nước dâng do bão gây thiệt hại, hư hỏng.

Kiểm tra tại các khu nhà liền kề Đông Trà (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), một số khu vực dân cư và các điểm sơ tán dân tại các quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Thanh Khê, Liên Chiểu và huyện Hòa Vang, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đề nghị chính quyền các địa phương tích cực vận động người dân sống trong các nhà ở không bảo đảm an toàn sơ tán sớm đến nơi an toàn. Các địa phương bố trí lực lượng kiểm tra các nhà dân không bảo đảm an toàn, rà soát số người chưa đi sơ tán và bố trí lực lượng đến vận động, hỗ trợ đưa người dân đi sơ tán.

Tại các điểm đến kiểm tra, Chủ tịch UBND thành phố động viên người dân ở các điểm sơ tán khắc phục những khó khăn, ở lại nơi sơ tán đến khi thời tiết an toàn rồi trở về nhà. Lãnh đạo các trường học, cơ quan, đơn vị nơi chọn làm điểm sơ tán và các địa phương cố gắng đáp ứng các điều kiện sinh hoạt tối thiểu, bảo đảm lương thực, thực phẩm, nước uống... cho nhân dân yên tâm ở lại nơi sơ tán. Các lực lượng quân đội chi viện, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ... các địa phương tiếp tục nỗ lực thực hiện các công việc ứng phó với bão mạnh, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe. Nhiều người dân, chiến sĩ, viên chức... bày tỏ với Chủ tịch UBND thành phố sẽ tiếp tục cố gắng khắc phục các khó khăn, chung tay cùng thành phố vượt qua thử thách cao độ của cơn bão lịch sử, như tinh thần chung sức cùng thành phố chống Covid-19 trong 2 năm qua.

Cùng ngày, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đã đến kiểm tra công tác ứng phó bão tại quận Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang; động viên nhân dân và các lực lượng tham gia ứng phó. Theo Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Phạm Nam Sơn, huyện đã triển khai ứng phó với bão số 4 “trên 1 cấp” so với phương án và kịch bản ứng phó các tình huống thiên tai đã xây dựng, cập nhật liên tục trong những năm qua. Huyện đã quyết định thành lập thêm một sở chỉ huy ứng phó thiên tai phụ trách chỉ đạo công tác ứng phó bão số 4 tại các xã Hòa Sơn, Hòa Liên, Hòa Ninh, Hòa Bắc và phân công 2 Phó Chủ tịch UBND huyện trực tiếp chỉ huy. Huyện thành lập 11 nhóm công tác kiểm tra điểm sơ tán dân ở các địa phương để đôn đốc, hỗ trợ các địa phương cũng như tham mưu, báo cáo huyện chỉ đạo xử lý các vướng mắc vượt thẩm quyền, nhằm bảo đảm công tác sơ tán dân cũng như công tác ứng phó bão.

Theo UBND quận Cẩm Lệ, địa phương đã chỉ đạo tổ xung kích quận theo địa bàn phân công, phối hợp với UBND các phường trợ giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, mái nhà, di dời dân, tuần tra, cắt tỉa cây xanh, kiểm tra phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra rủi ro thiên tai. Huy động các lực lượng túc trực, tham gia công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đồng thời, hỗ trợ công tác ứng phó và khắc phục hậu quả sau bão. Quận Sơn Trà triển khai sơ tán 3.853 hộ dân với 15.692 nhân khẩu, trong đó sơ tán tập trung là 528 hộ với 1.986 nhân khẩu tại 31 điểm sơ tán tập trung. Quận cũng triển khai sơ tán hơn 600 ngư dân các tỉnh miền Trung trên các tàu cá đang neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang đến trú bão an toàn tại Trường THCS Lý Tự Trọng và Trường tiểu học Trần Quốc Toản thuộc phường Thọ Quang.

T.TÙNG - H.HIỆP - N.TRÂN - V.HOÀNG

Tăng cường cập nhật thông tin về diễn biến bão
Ngày 27-9, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố cho biết, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng đã tổ chức thông báo và kiểm đếm cho 1.230 phương tiện/8.365 lao động. Tàu thuyền đang neo đậu tại các bến có 1.228 phương tiện. Tàu thuyền đang hoạt động trên biển có 2 phương tiện/24 lao động (đang di chuyển xuống Trường Sa tránh trú). Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa, sẵn sàng triển khai ngay phương án sơ tán nhân dân, khách du lịch đến nơi an toàn, nhất là tại các khu vực trũng, thấp, ven biển, ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, nhà cửa không kiên cố... Các địa phương tiếp tục phối hợp các lực lượng quân đội, công an hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa, sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn để tổ chức phòng chống, ứng phó và tìm kiếm cứu nạn khi thiên tai xảy ra; tăng cường công tác cập nhật thông tin về diễn biến bão, mưa lũ để chính quyền các cấp và nhân dân biết, chủ động đối phó. (TRIỆU TÙNG)
;
;
.
.
.
.
.