Chính trị - Xã hội

Tăng cường giải pháp xây dựng trường học an toàn, thân thiện, tích cực

10:23, 14/12/2022 (GMT+7)

ĐNO - Gần đây nổi lên vấn nạn bạo lực học đường gây bức xúc trong dư luận. Các vụ việc không chỉ diễn ra trong khuông viên nhà trường, mà manh động và nguy hiểm hơn là ở bên ngoài nhà trường nên rất khó theo dõi và kiểm soát. 

Đại biểu Hoàng Thị Thu Hương, Tổ đại biểu quận Hải Châu phát biểu thảo luận tại kỳ họp. Ảnh: N.PHÚ
Đại biểu Hoàng Thị Thu Hương, Tổ đại biểu quận Hải Châu phát biểu thảo luận tại kỳ họp. Ảnh: N.PHÚ

Đây là ý kiến được đại biểu (ĐB) Hoàng Thị Thu Hương, Tổ đại biểu quận Hải Châu đưa ra trong phiên thảo luận chung tại kỳ họp thứ 10, khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, diễn ra sáng 14-12. Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi chủ trì phiên thảo luận.

Theo ĐB Hoàng Thị Thu Hương, vấn đề sức khoẻ học đường cần được quan tâm để bảo đảm thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ cho trẻ em. Trong đó, bao gồm dinh dưỡng và bữa ăn học đường; nước sạch và vệ sinh trường học; bệnh học đường, giáo dục thể chất và thể thao trường học.

ĐB đề nghị thành phố tăng cường chỉ đạo các quận, huyện giao Phòng Giáo dục và Đào tạo tăng cường kiểm tra, theo dõi và đề ra giải pháp tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa không để xảy ra tình trạng học sinh bị bạo hành, xâm hại trong nhà trường.

Các cơ sở giáo dục tăng số lượng camera giám sát trong trường học, đặc biệt ở các trường chuyên biệt và trường mầm non. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục, nhóm trẻ độc lập trong việc thực hiện các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.

Đại biểu Lê Văn Nghĩa, Tổ ĐB quận Liên Chiểu thảo luận tại kỳ họp. Ảnh: N.PHÚ
Đại biểu Lê Văn Nghĩa, Tổ đại biểu quận Liên Chiểu thảo luận tại kỳ họp. Ảnh: N.PHÚ

ĐB Lê Văn Nghĩa, Tổ đại biểu quận Liên Chiểu cho biết, thành phố đã và đang đầu tư triển khai Đề án "Xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025". Đến nay, tiến độ triển khai đã gần 2/5 thời gian nhưng hầu hết các công trình đang còn ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Số công trình đã hoàn thành ước đạt 350 tỷ đồng, tương đương 8% giá trị đề án được duyệt.

Trước đó, thành phố đã ban hành quyết định về việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Tổng vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 chi cho ngành giáo dục và đào tạo là 1.141 tỷ đồng, trong đó chi xây lắp 1.126 tỷ đồng, đền bù giải tỏa 15 tỷ đồng. Như vậy, tổng nguồn vốn bố trí mới chỉ đạt 25,6% so với đề án được duyệt và 15% so với đề xuất bổ sung của ngành giáo dục và đào tạo và UBND các quận, huyện.

Trong khi đó, một số trường hiện đã xuống cấp chưa được đầu tư, sửa chữa, không đạt được mục tiêu ban đầu của đề án là phát triển trường mới để giảm tải cho các cơ sở giáo dục. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia, phòng bộ môn, thư viện đạt chuẩn còn thấp so với yêu cầu. Việc triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 gặp nhiều khó khăn, nhất là  sĩ số học sinh/lớp vượt quy định, thiếu phòng học để tổ chức dạy 2 buổi/ngày cho học sinh tiểu học.

Theo ĐB Lê Văn Nghĩa, năm học tới, việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 sẽ thực hiện đến lớp 4 ở bậc tiểu học. Nếu việc xây dựng trường không bảo đảm đúng tiến độ thì không đủ phòng học để triển khai học 2 buổi/ngày, thậm chí là học 9 buổi/tuần cho tất cả các khối lớp thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018.

ĐB cũng đặt ra vấn đề chậm trang bị đồ dùng dạy học ở tất cả các cấp học, việc quy hoạch đầu tư giữa các bậc học, giữa các địa phương… gây khó khăn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn thành phố.

Tham gia thảo luận, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Thị Bích Thuận cho biết, thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo tham mưu UBND thành phố, phối hợp các quận, huyện quan tâm triển khai nhiều chương trình, đề án phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn thành phố.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Thị Bích Thuận phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: N.PHÚ
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Thị Bích Thuận phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: N.PHÚ

Hằng năm, ngành giáo dục và đào tạo phối hợp các cơ sở y tế thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở giáo dục kiểm tra, rà soát vấn đề vệ sinh tại các nhà ăn, bếp ăn, nhà vệ sinh. Các cơ sở giáo dục phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra thực phẩm đầu vào, bữa ăn hằng ngày tại các cơ sở giáo dục có tổ chức bán trú để bảo đảm an toàn cho bữa ăn học sinh.

Theo bà Thuận, phòng chống bạo lực học đường được xem là công tác trọng tâm của ngành giáo dục và đào tạo. Ngành giáo dục và các ngành liên quan tích cực phối hợp các địa phương xây dựng trường học lành mạnh, thân thiện, tích cực. Ngành triển khai nhiều mô hình về xây dựng trường học thân thiện, hạnh phúc và chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong trường học để hạn chế bạo lực.

Bên cạnh đó, nhà trường và gia đình tích cực trong việc quan tâm, chia sẻ, tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh. Khi có sự cố về bạo lực học đường, ngành giáo dục phối hợp chặc chẽ với nhà trường, gia đình và địa phương để giải quyết hiệu quả.

L.PHƯƠNG - T.HÙNG

.