Chính trị - Xã hội
Thủ tướng: Các trụ cột đối ngoại vào cuộc, hiệp đồng chặt chẽ, triển khai đồng bộ, hiệu quả
Sáng 10-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Hội nghị tổng kết công tác ngành Ngoại giao năm 2022, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trụ sở Bộ Ngoại giao và trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Cùng dự Hội nghị có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh; Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các hoạt động đối ngoại
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, năm 2022, tình hình quốc tế tiếp tục trải qua những biến động lớn, có những diễn biến nhanh, phức tạp và ngoài dự báo thông thường. Trong bối cảnh đó, bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, đúng đắn của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ngành Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với đối ngoại Đảng, đối ngoại nhân dân và các cấp, ngành triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, chủ động và nhạy bén chuyển sang trạng thái bình thường. Nhờ đó, kết quả đạt được toàn diện và quan trọng, đóng góp vào thành tựu đối ngoại và phát triển kinh tế - xã hội đất nước năm 2022.
Ngành Ngoại giao tiếp tục củng cố vững chắc cục diện đối ngoại thuận lợi cho giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.
Cùng với quốc phòng, an ninh và các bộ, ngành liên quan, ngành Ngoại giao tiếp tục củng cố vững chắc đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, tạo thuận lợi cho giao lưu kinh tế - xã hội; đồng thời, kiên trì thúc đẩy đối thoại, đàm phán, trong đó đã đạt những bước tiến quan trọng về phân định, giải quyết một số vấn đề biên giới lãnh thổ phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trên bình diện đa phương, Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò, đóng góp tích cực và có trách nhiệm tại các cơ chế, diễn đàn đa phương quan trọng, nhất là Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, hợp tác tiểu vùng Mê Công. Năm 2022, Việt Nam được quốc tế tín nhiệm bầu vào nhiều tổ chức quốc tế quan trọng như: Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 77, thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025, Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO nhiệm kỳ 2022 - 2026...
Đáng chú ý, ngành Ngoại giao nỗ lực phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương chủ động, tích cực đẩy mạnh nội dung kinh tế trong các hoạt động đối ngoại. Kết quả công tác ngoại giao kinh tế đã đóng góp thiết thực vào duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước ta, đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút được nhiều nguồn lực bên ngoài phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế và phát triển bền vững đất nước.
Ngoại giao văn hóa kết hợp chặt chẽ với ngoại giao kinh tế, thông tin đối ngoại cùng với nhiều di sản của nước ta được UNESCO công nhận tiếp tục tạo hiệu ứng quảng bá sâu rộng hình ảnh đất nước, con người, văn hóa và thành tựu phát triển của Việt Nam ra thế giới.
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, tích cực chăm lo cho kiều bào ta ổn định và phát triển. Công tác bảo hộ công dân đạt kết quả quan trọng, đã kịp thời sơ tán an toàn hơn 6.000 công dân, kiều bào ta tại Ukraine, đưa về nước khoảng 1.200 công dân bị cưỡng bức lao động tại Campuchia, bảo hộ hàng trăm ngư dân, tàu cá, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân ta ở nước ngoài.
Tại hội nghị, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương và đại diện cơ quan Việt Nam ở nước ngoài đã tham luận, làm rõ những kết quả nổi bật của công tác đối ngoại năm 2022, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2023; đề xuất các nhiệm vụ phối hợp chặt giữa các lực lượng làm công tác đối ngoại để công tác đối ngoại trong năm 2023 và thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn.
Tăng cường vai trò tiên phong, tai mắt của ngành Ngoại giao
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, năm 2022 qua đi để lại cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên ngoại giao rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau: có niềm vinh dự, tự hào; có sự tâm tư, lo lắng xen lẫn nuối tiếc, trăn trở; có niềm tin và kỳ vọng những điều tốt đẹp đang tới...
Trong năm, hoạt động đối ngoại đã được đẩy mạnh toàn diện với các nước lớn và hầu hết đối tác chủ chốt, thể hiện qua gần 70 hoạt động đối ngoại cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trong đó có 14 chuyến thăm của ta đến 17 nước; tham dự 5 hội nghị quốc tế đa phương; hàng trăm cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo, nguyên thủ các nước trên thế giới; tiếp đón 19 đoàn lãnh đạo cấp cao của các nước đến thăm Việt Nam.
“Điểm nhấn của ngành Ngoại giao trong năm 2022 là sự chuẩn bị cho chuyến thăm tốt đẹp tới Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; cùng với đó là tham mưu tốt để Việt Nam có ứng xử phù hợp đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, các hoạt động đối ngoại trong năm đều rất thực chất, ngày càng đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững. Đối ngoại đa phương đạt nhiều kết quả tích cực, thể hiện vị thế, uy tín, vai trò của Việt Nam tiếp tục được nâng cao... Hoạt động ngoại giao góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và bảo đảm các lợi ích chiến lược của đất nước, đồng thời góp phần tạo môi trường thuận lợi cho công cuộc phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt, ngoại giao vaccine linh hoạt, hiệu quả, thiết thực, đưa nước ta trở thành quốc gia có số liều vaccine sử dụng và tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên thế giới, đóng góp quan trọng vào triển khai thành công phương châm thích ứng an toàn với dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, tiết kiệm cho ngân sách 900 triệu USD.
Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển được thúc đẩy, có đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội. Công tác bảo hộ công dân, chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được quan tâm, với tình cảm chân thành, trách nhiệm. Công tác phân giới, cắm mốc cũng là điểm sáng...
Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương những nỗ lực và kết quả của toàn ngành Ngoại giao trong năm qua; phân tích nguyên nhân, bài học quý; đồng thời thẳng thắn chia sẻ những tâm tư, lo lắng, nuối tiếc cần rút kinh nghiệm, khắc phục.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, thế giới và khu vực năm 2023 đứng trước những xu hướng, chuyển dịch lớn, đặt ra cho chúng ta những thời cơ, thách thức đan xen, “trong nguy có cơ” và ngược lại. Đối với Việt Nam, năm 2023 là có ý nghĩa quan trọng, là năm bản lề thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.
Chính phủ đã xác định phương châm hành động năm 2023 là “Đoàn kết, kỷ cương; Bản lĩnh, linh hoạt; Đổi mới, sáng tạo; Kịp thời, hiệu quả”. Trên cơ sở đó, Thủ tướng nhất trí với chủ đề hành động năm 2023 của ngành Ngoại giao là “Đoàn kết, kỷ cương, bản lĩnh, sáng tạo, vượt mọi thách thức, phát huy vai trò tiên phong của công tác đối ngoại trong giai đoạn phát triển mới của đất nước”.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành Ngoại giao tiếp tục kế thừa và phát huy bản sắc đối ngoại và ngoại giao Hồ Chí Minh; quán triệt nghiêm túc và luôn bám sát chủ trương của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc, phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong của đối ngoại, trong đó giữ vững hòa bình, ổn định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; phục vụ phát triển đất nước là nhiệm vụ trung tâm; nâng cao vị thế và uy tín đất nước là nhiệm vụ quan trọng.
Theo đó, ngành Ngoại giao tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng, Đại hội XIII của Đảng; Kế hoạch, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và 10 năm; các nghị quyết Trung ương, Bộ Chính trị; chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc.
Ngành Ngoại giao tiếp tục nắm chắc tình hình, đẩy mạnh nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược cho Đảng, Nhà nước về công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, không để bị động về chiến lược; giữ gìn môi trường hòa bình, huy động tối đa ngoại lực để phát triển đất nước; đóng góp tích cực vào xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả; tăng cường vai trò tiên phong, tai mắt của ngành Ngoại giao, nhất là hệ thống 94 Cơ quan đại diện phải thực sự là những cây “ăng ten” nhạy bén, tin cậy cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ.
Các trụ cột đối ngoại phải vào cuộc, hiệp đồng chặt chẽ
Theo Thủ tướng, ngành Ngoại giao và các cấp, ngành, cơ quan liên quan phải quán triệt là thực hiện giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, độc lập, chủ quyền, ổn định chính trị - xã hội; tiếp tục đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững; chú trọng nâng được chất “chiến lược” trong quan hệ với các nước láng giềng, nước lớn, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện.
“Nhiệm vụ trung tâm là phục vụ phát triển đất nước theo hướng bền vững, tự lực, tự cường; bám sát tinh thần “lấy người dân, doanh nghiệp, địa phương là trung tâm phục vụ”, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng chỉ đạo các cấp, ngành thúc đẩy tìm những cơ hội mới, thị trường mới, lĩnh vực mới; tranh thủ tối đa những cơ hội thuận lợi của môi trường quốc tế, nguồn lực bên ngoài cho phát triển; phát huy mạnh mẽ vai trò chủ động của ngoại giao kinh tế trong mở rộng thị trường xuất khẩu, từng bước đa dạng hóa thị trường nhập khẩu.
“Mỗi đại sứ, mỗi cán bộ Ngoại giao công tác tại nước ngoài không những phải bám thật sát những yêu cầu của từng ngành, vùng, sản phẩm có thế mạnh của nước ta mà còn phải hiểu được thị hiếu, thói quen tiêu dùng của sở tại với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam”, Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh, thực hiện hiệu quả các cam kết, thỏa thuận quốc tế; tận dụng thật tốt và tiếp tục thúc đẩy các hiệp định thương mại, đầu tư, mang lại lợi ích thực chất cho người dân, doanh nghiệp; đưa nền kinh tế vào vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị gia tăng và chuỗi cung ứng toàn cầu; chủ động linh hoạt trong việc ủng hộ, tham gia, tranh thủ những sáng kiến về kinh tế và phát triển, phù hợp với lợi ích của đất nước, trong đó, tập trung vào huy động các nguồn lực tài chính xanh, công nghệ xanh, chuyển đổi số; đẩy mạnh truyền thông đối ngoại để cộng đồng quốc tế hiểu hơn, yêu quý đất nước mình hơn, khí thế dân tộc được nâng lên, hoạt động đối ngoại hiệu quả hơn...
Về các nhiệm vụ quan trọng, Thủ tướng đề nghị tiếp tục quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế đất nước, thể hiện vai trò, đóng góp của Việt Nam đối với hòa bình, an ninh, phát triển của khu vực và thế giới. Củng cố đoàn kết và xây dựng Cộng đồng ASEAN. Chủ động tham gia quá trình thiết lập, định hình các luật lệ, cơ chế trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo được lợi ích của Việt Nam.
Tăng cường phối hợp giữa Đối ngoại Đảng, Ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Quốc hội, đối ngoại Nhân dân. Bộ Ngoại giao cần tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các lực lượng đối ngoại khác, với lực lượng quốc phòng, an ninh, đối ngoại địa phương, nhất là các địa phương có biên giới trên đất liền và trên biển để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước còn chưa nguy.
“Muốn thành công, các trụ cột đối ngoại phải vào cuộc, hiệp đồng chặt chẽ, triển khai đồng bộ và hiệu quả. Ngành Ngoại giao, các Đại sứ phải triển khai thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể, việc làm cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, không chung chung như việc đàm phán ký kết các hiệp định thương mại, gỡ thẻ vàng IUU, đưa nông sản sang thị trường các nước...", Thủ tướng gợi mở.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, phải hết sức chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại “vừa hồng vừa chuyên”. Xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao thật sự bản lĩnh, vững vàng về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, thạo về ngoại ngữ, hiệu quả trong công tác, luôn đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết.
Lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức ngành Ngoại giao phải tăng cường đoàn kết, thống nhất; giữ vững phẩm chất, bản lĩnh; gương mẫu chấp hành và thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Xây dựng Đảng bộ Bộ Ngoại giao thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, đảng viên.
Theo TTXVN